Có nhiều bài thơ, bài sấm dự đoán trước việc Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Nhưng thực ra, theo các nhà nghiên cứu sử học, đó chỉ là một hình thức vận động chính trị của một nhóm người. Trong đó, đứng đầu là thiền sư Vạn Hạnh ở châu Cổ Pháp.
Vận động chính trị bằng sấm
Theo PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, nếu giải thích ngắn gọn nhất thì sấm có nghĩa là triệu, tức điềm báo. Theo từ điển, có bốn mục phát sinh từ sấm. Một là sấm bộ: Là thuật pháp để biết được điều chưa đến, những sự việc sẽ xảy ra trong tương lai. Hai là sấm ký: Sách ghi chép lời sấm. Ba là sấm ngữ: Dự báo, tiên báo về tương lai. Bốn là sấm vĩ: Là loại sách chiêm nghiệm về thuật số. Nhưng thực ra, sấm và vĩ là hai loại sách khác nhau. Sấm mới là lời dự báo, còn vĩ chỉ là lời chú giải các kinh sách, trong đó có cả Kinh dịch mà sau này người ta vẫn dùng để bói.
|
Tượng thiền sư Vạn Hạnh trên núi Tiêu. |
Sau nhiều năm nghiên cứu và phân tích, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh khẳng định, hiện tượng tiên báo, dự báo đầu đời Lý thuộc loại sấm ngữ. Sấm ngữ đầu đời Lý khá nhiều, và người nổi tiếng hơn cả là thiền sư Vạn Hạnh. Khi thấy vận mệnh của nhà Tiền Lê sắp hết, Vạn Hạnh đã cùng Đào Cam Mộc tham gia nhiệt tình trong cuộc vận động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua.
Vạn Hạnh đã trực tiếp viết lời “khuyến”: “Gần đây, tôi thấy lời sấm lạ, biết rằng họ Lý cường thịnh tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ, người họ Lý rất nhiều nhưng không ai bằng Thân vệ (chức của Lý Công Uẩn lúc đó), là người khoan từ, nhân thứ, lại được lòng dân chúng, mà binh quyền nắm trong tay”.
Tuy Vạn Hạnh nói: “Tôi thấy lời sấm lạ”, nhưng cũng chính Vạn Hạnh đặt ra lời sấm: Cá tam nguyệt chi nội/Thân vệ đăng trụ xã tắc/Lạc trà ấn quốc tự/Thập khẩu thủy khổ thứ/Ngộ thánh hiệu Thiên Đức.
Các nhà nghiên cứu đều đồng ý, về mặt thời gian, đây là lời đoán sát sạt. Người đương thời chỉ chờ ba tháng để thấy sự linh nghiệm, nhưng cái huyền ảo của bài sấm lại nằm ở câu thứ ba: Lạc trà ấn quốc tự.
|
Đình làng Dương Lôi, nơi các sấm ngữ mô tả sự ra đời của Lý Công Uẩn. |
Chuyện từ 10 chiếc khánh
Trở về với thế kỷ thứ VII, đầu thế kỷ VIII khi thiền sư Định Không dựng một ngôi chùa ở làng Dịch Bảng đã đào được 10 chiếc khánh và một lư hương. Khi đem rửa có một chiếc khánh bị chìm mất. Ông bèn hứng khởi nói: Mười chiếc (thập khẩu) là chữ Cổ, một chiếc rơi chìm đi (thủy khứ) là chữ Pháp. Sau đó, Định Không đặt tên đất là Cổ Pháp cùng một bài thơ, cũng là lời tiên đoán người Cổ Pháp làm vua.
Và Định Không đã dặn học trò Thông Thiện để sau này truyền lại cho các đệ tử phá bùa yểm của dị nhân Cao Biền. Sau này, Đinh La Quý An đã phá bùa yểm ở 19 huyệt đạo và cho đúc một tượng Lục Tổ bằng vàng chôn gần tam quan chùa, lại trồng một cây gạo và để lại bài kệ.
Khi sét đánh vào cây gạo để lại bài sấm mà Vạn Hạnh đã ngầm đoán rồi theo một cuộc vận động chính trị làm tiếp một bài kệ nữa: “Gốc lê chìm bể Bắc/Chồi lý mọc trời Nam/Bốn phương tan giáo mác/Tám cõi được bình an”.
“Đến đây thì chuyện Lê, Lý đã được khẳng định và nói rõ ra rồi. Lời sấm cũng chỉ còn khoác một cái vỏ mảng manh mà thôi. Chính sử cũng đã từng nhận xét Vạn Hạnh là người có công lớn trong việc chuẩn bị dư luận cho nhà Lý thay nhà Lê, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân đương thời”, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh cho biết.
|
Bia đá chùa Cha Lư còn ghi lại một số bài sấm. |
Điều gì tạo nên sấm?
“Người trong nước ai cũng bảo họ Lý khởi nghiệp lớn, lời sấm đã hiện ra rồi, đó là cái họa không thể che giấu được nữa. Chuyển họa làm phúc, chỉ có thể sớm chiều thôi”, lời viên quan Chi hậu Đào Cam Mộc khuyên Lý Công Uẩn lên ngôi vua.
Các nhà nghiên cứu thắc mắc, cái gì đã tạo nên sấm? Phải chăng chính là hiện trạng xã hội? Chính Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, người có nhiều tiên đoán chính xác từng thừa nhận: “Tự đắc kinh yên hoàn hữu sử”, tức muốn vận dụng được nguyên lý trong kinh phải nhờ có sử.
Thiền sư Vạn Hạnh đóng vai trò cố vấn triều đình thì chắc hẳn không thể không thấy những bạo tàn ngang ngược của Lê Ngọa Triều. “Như vậy sấm còn liên quan tiên đoán một cách thiên bẩm, mà những người như Vạn Hạnh hay Nguyễn Bỉnh Khiêm ngoài cái trời cho đó còn phải kể đến tu tập (Vạn Hạnh thi hành tổng trì, Nguyễn Bỉnh Khiêm am hiểu lý học Thái ất Thần kinh – PV), cùng sự hiểu biết sâu sắc thời cuộc”, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh cho hay.
Tuy nhiên, cái mà cho đến nay nhiều người băn khoăn tại sao thiền sư Vạn Hạnh là người xuất gia, lại nặng sự trần mà vận động chính trị đè bẹp người này, nâng đỡ người kia? Phải chăng thiền sư Vạn Hạnh cũng chưa thoát được bụi trần chẳng khác nào “đức thánh Láng” Từ Đạo Hạnh sau này?
Sau khi đã tạo được cơ sở vững chắc để cho Lý Công Uẩn lên ngôi – sư Vạn Hạnh đã trực tiếp làm công tác tư tưởng cho vị Thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ. Chúng ta đều biết khi vua Lê Trung Tông bị giết năm 1006, quần thần trốn hết, chỉ có Lý Công Uẩn ôm thây vua khóc lóc.
|
PGS.TS Trần Thị Băng Thanh cho rằng, những bài sấm là cách vận động chính trị đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. |
Sự khóc lóc của Lý Công Uẩn được một số sử gia đánh giá là chưa chắc đã phải thương vua mà thương cho phận mình khi nhận ngôi vua khó tránh khỏi quan niệm cướp ngôi.
Nắm bắt tâm lý ấy, Vạn Hạnh đã phân tích cho Lý Công Uẩn qua những bài sấm: “Gần đây tôi thấy lời sấm lạ, biết rằng nhà Lê tất phải mất mà nhà Lý tất phải lên. Họ Lý không ai nhân trí, khoan dung như ông, lại được lòng dân”.
Lý Công Uẩn lên ngôi vua dời đô ra Thăng Long. Để củng cố thêm địa vị cho Lý Công Uẩn, thiền sư Vạn Hạnh tiếp tục đưa ra những bài thơ mang tính định mệnh. Sách “Thiền quyển tập anh” chép rằng, ban đêm khi ngồi thiền tĩnh tọa, sư Vạnh Hạnh thường nghe thấy trong mộ thân phụ Lý Công Uẩn có tiếng ngâm thơ. Vạn Hạnh cho chép lại được 4 bài, mỗi bài làm theo một hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc.
“Có thể thấy những bài sấm, bài thơ trước và sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi đã có tác dụng tuyên truyền tích cực, gây ảnh hưởng và tạo dư luận trong quần chúng và triều đình”.
PGS.TS Trần Băng Thanh
Trần Hòa