Nghi án con rơi của ông hoàng Thiệu Trị

Google News

Một nghi án cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có câu trả lời chính là việc vua Thiệu Trị có con rơi với một người phụ nữ xinh đẹp tại vùng đất Quảng Trị.

Trong một chuyến đi tuần du Quảng Trị, vua Minh Mạng đi tuần du Quảng Trị có đem theo Tường Khánh Công, chính là vua Thiệu Trị sau này đi theo. Ở hành cung Quảng Trị, thấy một người con gái đẹp đi ngang, Tường Công Khánh đã gọi vào sủng hạnh. Sau đó Tường Công Khánh theo phụ hoàng trở lại Huế, không ngờ người con gái ấy có thai và đã sinh ra Nguyễn Văn Tường – người sau này đã trở thành đại thần phụ chính dưới triều vua Nguyễn?

Vị vua thi sĩ

Vua Thiệu Trị có tên húy là Nguyễn Phúc Miên Tông. Ngoài ra còn có tên là Nguyễn Phúc Tuyền và Dung. Vua Thiệu Trị là con trưởng của vua Minh Mạng với Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa.

Ông sinh ngày 11 tháng 5 năm 1807 tại Huế. 13 ngày sau khi sinh hạ Miên Tông, thân mẫu của ông mất. Khi vua Minh Mạng qua đời, Nguyễn Phúc Miên Tông được di mệnh nối ngôi lấy niên hiệu là Thiệu Trị. Vua Thiệu Trị lên ngôi ngày 20 tháng 1 năm 1841 ở điện Thái Hòa.

Lúc này ông vừa đúng 34 tuổi. Theo như sử sách ghi chép thì vua Thiệu Trị là một người hiền hoà, siêng năng, cần mẫn nhưng không có tính hoạt động như vua cha.

Thêm vào đó, mọi định chế pháp luật, hành chính, học hiệu, điền địa và binh bị đều được sắp đặt khá quy củ từ thời Minh Mạng. Do đó, vua Thiệu Trị chỉ áp dụng theo các định lệ của tiên đế mà không có sự cải cách, thay đổi gì mới.

Điểm nổi bật nhất của vua Thiệu Trị chính là tài thơ văn. Ông nổi tiếng là một vị vua thi sĩ, có để lại cho đời rất nhiều bài thơ.

Trong số đó, có thể kể đến hai bài thơ được nhiều người biết đến nhất là bài “Vũ Trung Sơn Thủy” (dịch là: “Cảnh trong mưa”) và bài “Phước Viên Văn hội lương dạ mạn ngâm” (dịch là: “Đêm thơ ở Phước Viên”). Cả hai bài thơ đều không trình bày theo lối thường mà viết thành năm vòng tròn đồng tâm, mỗi vòng tròn có một số chữ.

Vua Thiệu Trị
Vua Thiệu Trị.

Đếm cả bài có 56 chữ, tương ứng với một bài thơ thất ngôn bát cú, nhìn vào như một “trận đồ bát quái”. Vua Thiệu Trị đã từng chỉ cách đọc hai bài thơ và đưa ra câu đố tìm kiếm trong 64 bài thơ. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa ai tìm ra được.

Từ khi Thiệu Thị lên ngôi thì việc cấm đạo Thiên Chúa bớt đi hơn so với thời vua Minh Mạng. Tuy nhiên, triều đình vẫn không có cảm tình với Thiên Chúa giáo và những giáo sĩ ngoại quốc vẫn còn bị giam ở Huế.

Lúc này, có người báo tin về việc các giáo sĩ ngoại quốc bị giam ở Huế cho trung tá Pháp là ông Favin Lévêque, đảm nhận việc coi tàu Héroïne.

Trung tá Favin Lévêque liền đem tàu vào Đà Nẵng xin cho năm người giáo sĩ được tha. Năm Thiệu Trị thứ 5, có người Giám mục tên Lefèbvre bị xử án xử tử.

Thiếu tướng nước Pháp là Cécile biết cũng sai quân đem tàu Alcmène vào Đà Nẵng đón giám mục ra.

Đến năm 1847 khi người Pháp biết rằng ở Huế không còn giáo sĩ bị giam nữa, mới sai đại tá De Lapierre và trung tá Rigault de Genouilly đem hai chiếc chiến thuyền vào Đà Nẵng, xin bỏ những chỉ dụ cấm đạo và để cho người trong nước được tự do theo đạo mới. Khi hai bên còn đang thương nghị về việc này thì quan nước Pháp thấy thuyền của nước ta đóng gần tàu của Pháp.

Hơn nữa, ở trên bờ lại thấy có quân đắp đồn lũy liền nghĩ rằng có âm mưu bèn phát súng bắn đắm cả những thuyền ấy, rồi nhổ chạy ra biển.

Vua Thiệu Trị thấy vậy tức giận có dụ ra cấm người ngoại quốc vào giảng đạo và trị tội những người trong nước đi theo đạo. Những sự kiện này mở đầu “đường lối ngoại giao pháo hạm” của thực dân Pháp, báo hiệu trước những hành động xâm lược về sau này.

Một vài tháng sau Thiệu Trị lâm bệnh nặng. Theo những ghi chép trong sử nhà Nguyễn thì con trai trưởng của vua Thiệu Trị là Nguyễn Phúc Hồng Bảo, một người ham chơi, mê cờ bạc, không chịu học hành.

Vì vậy khi gọi các quan Trương Đăng Quế, Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương và Lâm Duy Hiệp vào trăng trối, Thiệu Trị để di chiếu truyền ngôi cho con thứ là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.

Hồng Bảo được tin đem binh vào nhằm buộc cha thay đổi di chiếu nhưng bị quan Phạm Thế Lịch giữ lại. Một mình Hồng Bảo vào lạy lục vua cha Thiệu Trị song vua Thiệu Trị quay mặt đi không trả lời. Hồng Bảo bị Phạm Thế Lịch và Vũ Văn Giải đưa vào hậu cung và giữ ở đó.

Thiệu Trị qua đời ngày 27 tháng 9 năm Đinh Mùi, tức 4 tháng 10 năm 1847, hưởng thọ 41 tuổi, miếu hiệu là Hiến Tổ. Sau khi mất, bài vị nhà vua được đưa vào thờ trong Thế Miếu. Lăng của ông là Xương Lăng, tọa lạc tại làng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Và nghi án về người con rơi làm quan đại thần phụ chính

Một nghi án cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có câu trả lời chính là việc vua Thiệu Trị có con rơi với một người phụ nữ xinh đẹp tại vùng đất Quảng Trị. Trong cuốn sách “Hương giang cố sự”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có viết rằng: “Năm ấy đức Minh Mạng đi tuần du Quảng Trị, có đem Tường Khánh Công (tức vua Thiệu Trị sau này) đi theo.

Ở hành cung Quảng Trị, thấy một người con gái đẹp đi ngang, gọi vào “dùng”. Sau đó Công theo phụ hoàng trở lại Huế, không ngờ người con gái ấy có thai và đã sinh con”. Và theo nhà nghiên cứu thì người con đó không ai khác chính là Nguyễn Văn Tường.

Ông Nguyễn Văn Tường sinh 1824 tại làng An Cư, tỉnh Quảng Trị. Ông đỗ cử nhân năm 26 tuổi, được bổ làm Huấn đạo huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi rồi tiếp tục được thăng Tri huyện Thành Hoá, nay chính là huyện Hướng Hoá, Cam Lộ và Đa Krông, thuộc tỉnh Quảng Trị...

Chức vụ ông giữ lâu nhất là Thượng thư Bộ Hộ, quản lí Thương bạc viện – cơ quan ngoại giao và ngoại thương. Nguyễn Văn Tường cũng là người có công cải cách thuế ruộng đất để thống nhất Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Nguyễn Văn Tường
Nguyễn Văn Tường.

Trong khi đó, ông Tôn Thất Hào, cháu ngoại của Công nữ Như Khuê - công chúa Đoan Thuận - cũng khẳng định, Nguyễn Văn Tường là con của vua Thiệu Trị chứ không phải là con một ông thợ mộc như một nhà nghiên cứu Nhật Bản đã viết trong Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa.

Lời khẳng định của hậu duệ cụ Tường dựa trên lý luận, con thợ mộc thì khó có điều kiện để ăn học đến đỗ đại khoa. Cũng theo ông Hào vì là con hoang nên cụ Tường không được mang họ Nguyễn Phước.

Song vì Thiệu Trị biết rõ là con mình nên vẫn gửi tiền cho ăn học. Vì thế, khi nộp đơn thi Hương, cụ Tường bỏ họ Nguyễn Văn bách tính lấy họ vua là “Nguyễn Phúc”.
 
Tuy nhiên, bản thân việc Nguyễn Văn Tường là con rơi của vua Thiệu Trị mới chỉ được dân gian lưu lại chứ không được ghi chép trong nhiều chính sử. Thêm vào đó, nghi án này vẫn còn tồn tại nhiều điểm chưa hợp lí.

Bắt đầu từ chính chuyện vua Minh Mạng đi tuần có mang theo vua Thiệu Trị. Cụ thể là vào cuối năm 1823, đầu năm 1824, sách “Đại Nam thực lục” và “Minh Mạng chính yếu” của Quốc sử quán triều Nguyễn không nói đến việc Minh Mạng đi tuần du Quảng Trị.

Như vậy là việc vua Thiệu Trị lúc đó mới 15 tuổi có đi theo Minh Mạng ra vùng đất này hay không, ra lúc nào vẫn chưa được xác định. Thêm vào đó, việc Thiệu Trị thời trẻ có hoang chơi đến độ thấy một người con gái đẹp liền gọi vào để “sủng hạnh” cũng không có ghi lại trong sử sách.

Bản thân cha ông, vua Minh Mạng là ông vua nghiêm khắc nhất triều Nguyễn. Thế nên rất khó để việc trong một thời gian dài mà vua Thiệu Trị có thể che giấu người con riêng của mình mà không bị vua Minh Mạng phát hiện và nghiêm xử.

Đặc biệt, việc Nguyễn Văn Tường khi đi thi dùng họ vua không khiến vua “nhận mặt” con mà còn nghiêm xử nặng nề.

Về vấn đề này, sách “Đại Nam thực lục chính biên” ghi: “Trong danh sách tú tài trường Thừa Thiên có người tên là Nguyễn Phước Tường, vua ghét mạo dùng họ nhà vua, sai cắt bỏ nên trong sổ tú tài, đổi làm Nguyễn Văn Tường và giao cho Viện Đô sát trị tội.


Vua lại dụ: “Đức thái tổ gia dụ hoàng đế ta gây dựng nước nhà lấy Nguyễn Phúc làm họ nhà vua.

Khoảng niên hiệu Minh Mạng lại có dụ nhắc lại: phàm người không họ vua mà dưới họ Nguyễn của mình mạo đặt chữ Phúc thì đều cho dùng chữ khác để thay. Quan dân trong ngoài ai cũng đều biết kính cẩn, kiêng tránh.

Văn Tường đã đi học, đi thi, không thể nói là không biết, sao lại còn mạo đội họ vua? Quan tỉnh Quảng Trị và học quan ở phủ, huyện sở tại xét hạch, thu quyển, cứ việc sắp xếp đưa đi, quan Quốc tử giám và quan trường lại không một người nào kiểm điểm nêu ra, sao mà đui điếc cả một lũ đến thế? Bộ Lễ trước đây thu nhận danh sách cũng bỏ qua không biết. Tất cả đều là sơ sót, giao cho Viện Đô sát nghị xử.

Khi án xét dâng lên vua lại giao đình thần bàn lại. Tường bị tội đồ một năm, học quan ở tỉnh, phủ, huyện, quan Quốc tử giám, quan trường, Bộ Lễ và Viện Đô sát đều bị phân biệt giáng phạt”.

Làng vua Thiệu Trị
Lăng vua Thiệu Trị

Trong gia phả họ Nguyễn cũng có chép về việc này: “Thiệu Trị ngũ niên thi trúng tú tài hậu dĩ can quốc tánh quyển diện đề Nguyễn Phước Tường, truất lạc nghị án” (Tạm dịch: Năm Thiệu Trị thứ 5, thi đậu tú tài, sau vì phạm luật về họ vua, ngoài quyển thi đề Nguyễn Phước Tường, nên bị đánh rớt, nghị án).

Về phía gia tộc mà nói, họ Nguyễn Văn là một họ lớn, có vai vế, có học vấn, lẽ nào có thể chấp nhận một người con gái đã từng sinh con cho vua Thiệu Trị.

Hơn nữa, sau đó, theo ghi chép thì mẹ của Nguyễn Văn Tường còn sinh thêm hai con trai và năm người con gái trong lúc phong tục của người Việt rất xem trọng trinh tiết và tôn tử.

Bản thân Nguyễn Văn Tường khi ra làm quan cũng biết lời đồn đại về việc mình là con rơi của vua Thiệu Trị. Ông không hề phân bua về gốc tích mà đã trả lời bằng việc cho con trai là Nguyễn Văn Tộ lấy con gái hoàng tộc.

Vậy nên, cho đến nay có hay không việc đại thần phụ chính Nguyễn Văn Tường với nhiều công trạng chính là con rơi của vua Thiệu Trị trong mối tình một đêm vẫn là câu hỏi để ngỏ.

TIN BÀI LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Theo Phunutoday