Trạng nguyên Bạch Liêu, một con người tài hoa lỗi lạc, nhưng trong sử sách không được nhắc đến nhiều có lẽ bởi vì ông không ra làm quan. Tuy chỉ làm môn khách của Thượng tướng Trần Quang Khải, nhưng ông đã có những kế sách góp phần vào cuộc chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ hai của Đại Việt.
Vị tổ khai khoa xứ Nghệ
Bạch Liêu người làng Nguyên Xá, huyện Đông Thành (nay là huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An). Ông là người đầu tiên được ghi vào bảng vàng khoa mục của nước nhà. Theo sử ký của Phan Phu Tiên và trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên có khái quát rằng: “Năm Thiệu Long thứ 9 đời vua Trần Thánh Tông (khoa thi tháng 3 (1266) lấy Kinh trạng nguyên Trần Cố, Trại trạng nguyên là Bạch Liêu).
Bạch Liêu người Nghệ An, thông minh, nhớ lâu, đọc sách 10 dòng một nháy mắt... (nhất mục thập hàng). Do nhớ lâu, chăm học, Bạch Liêu đã thi thố qua bốn kỳ (trường nhất, trường nhì, trường tam, trường tứ) đều xuất sắc, được người đương thời ca ngợi là người hơn cả Kinh trạng nguyên Trần Cố. Ông quả là một văn nhân quán thế, là vị “thủy tổ khai khoa” của xứ Nghệ như lời suy tôn của các nhà nho đời sau.
Vào thời nhà Trần, vùng Nghệ An, Thanh Hoá còn được coi là “trại”. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú nói rõ “trước kia thi cử không chia Kinh - Trại, ai đỗ đầu thì gọi là Trạng nguyên, đến năm Nguyên Phong thứ 6 (1256), tháng hai mở khoa thi, chủ trương lấy Kinh trạng nguyên, Trại trạng nguyên mỗi bên một người... chia Thanh Hoá, Nghệ An là “Trại” nên có lệnh ấy...”.
Bấy giờ giặc Nguyên Mông thua nhà Trần lần thứ nhất (1258) đang có âm mưu quay lại xâm lược Đại Việt. Chúng dùng thủ đoạn triệu vua ta sang chầu để tính kế hoạch lừa đảo xâm chiếm nước Chiêm Thành, làm bàn đạp đánh chiếm đất Thanh, Nghệ rồi ép Đại Việt từ hai phía Bắc - Nam.
|
Tranh minh họa. |
Môn khách đặc biệt
Trong số các danh tướng của nhà Trần, Bạch Liêu là người gắn bó mật thiết với Trần Quang Khải vì hai người có sự tương đắc trong xướng họa văn chương và cả trong đạo lý ứng xử. Theo thường lệ, các sĩ tử sau khi vinh quy bái tổ đều có chiếu chỉ nhà vua mời vào triều nhậm chức. Riêng Bạch Liêu lại không mong vua trao cho chức vị. Bạch Liêu đã bái tại chiếu chỉ nhà vua và khấu đầu: “Xin bệ hạ rủ lòng thương cho thần được ở lại quê nhà báo hiếu song thân, thần xin đem tài lược lo giúp việc công trong bản xứ”.
Ý nguyện đó của Bạch Liêu được vua Trần chấp nhận, vì bấy giờ Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải quản hạt Nghệ An rất mến tài năng của Bạch Liêu đã nhận vị trạng nguyên làm môn khách đặc biệt. Sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch cũng ghi rõ lý do Bạch Liêu không nhận chức quan tước và một vế câu đối ở đền thờ Bạch Liêu ở làng Nguyên Xá cũng ghi rằng “Sinh tiền bất dĩ Đông A đế” (lúc sống ông không nhận chức quan của vua Trần).
Bạch Liêu không ra làm quan, chỉ giúp Trần Quang Khải, nhưng lòng yêu quê hương đất nước, tài văn chương của ông đã được sử sách truyền tụng lâu dài. Ông được Trần Quang Khải coi là thượng khách, biệt đãi hơn hẳn mọi người. Bạch Liêu đưa trí tuệ tài năng giúp Trần Quang Khải không chỉ là sự tâm đắc với một vị tướng tài, mà ông còn nặng tình quê hương. Trần Quang Khải quý trọng tận dụng đức tài của Bạch Liêu phần lớn là do trọng trách trước vua, trước muôn dân trăm họ.
(Còn nữa...)
Dương Tuấn