Câu chuyện xảy ra vào tháng 2 năm Tân Dậu (1921) khi một người dân ở xã Vân Đô, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa tên là Lê Xuân Hàm có đơn kêu kiện gửi đến các quan từ huyện đến tỉnh tố cáo một người cùng xã tên là Lâm đã đào nhầm ngôi mộ của cha đẻ mình. Sự việc được giao xuống cho quan Tri huyện Nguyễn Toại xét xử, kết quả điều tra cho biết trước đó Lâm đã di dời cùng lúc 5 ngôi mộ, bị gọi đến công đường, hắn ta cam đoan rằng đó đều là mộ của người thân mình rồi chỉ một ngôi mộ để quân lính đào lên xét nghiệm. Tri huyện liền cho đình chỉ vụ án, mặc cho nguyên đơn là Lê Xuân Hàm đề nghị đào hết cả bốn ngôi mộ còn lại để xét nghiệm, nếu không phải thì xin chịu tội. Vì bị bác bỏ, không còn cách nào khác, Lê Xuân Hàm vào tận kinh đô Huế đón đường chờ xa giá vua Khải Định đi qua để đội đơn kêu trình.
|
Vua Khải Định phê duyệt tấu chương. |
Xem đơn, Khải Định phê rằng: “Tên Lê Xuân Hàm ở xã Vân Đô, tỉnh Thanh Hóa cho rằng người khác đào nhầm phải mộ cha mình, lặn lội nghìn dặm lên kinh đón xa giá kêu trình rằng hài cốt của cha y hiện bị lẫn lộn trong năm ngôi mộ của nhà tên Lâm, đã đào một ngôi nhưng không phải, còn bốn ngôi kia thì không cho phép đào tiếp để khám nghiệm. Xét thấy dân đen có kẻ vì người thân mà dám liều chết, không quản ngại gian khổ như tên Hàm kia thực cũng hiếm thấy, tấm lòng hiếu thảo của y thực đáng thương xót. Vậy truyền cho tỉnh thần chuẩn y cho đào hết cả bốn ngôi mộ lên khám nghiệm, nếu quả có hài cốt người cha của y thì trao trả cho y đem về mai táng để an ủi tấm lòng hiếu thảo, còn khai quật lên mà không đúng thì y phải chịu tội nặng. Truyền khám nghiệm xong, kết quả đúng sai thế nào phúc tâu lên trẫm quyết định. Truyền Cơ mật viện cung lục tuân hành”.
Theo sách Khải Định chính yếu sơ tập, các quan theo lệnh vua lập tức tiến hành khai quật khám nghiệm. Thấy vụ việc sắp bại lộ, tên Lâm sợ hãi gọi bác ruột mình là Cát ra chỉ vào một ngôi mộ, quân lính đào lên khám nghiệm thì quả đúng là hài cốt người cha quá cố của Lê Xuân Hàm. Kết quả được tấu trình lên, vua Khải Định phê rằng: “Theo lời phúc tấu thì tên Hàm kêu trình quả không sai, còn tên Lâm, tên Cát đã đào nhầm phải mộ cha của tên Hàm, truyền giao cho tỉnh thần nghị xử, đệ trình bộ Hình duyệt tâu, đợi chỉ thi hành”.
Cân nhắc tình tiết, tội trạng của từng người, quan án xử Cát bị phạt đòn 100 trượng, tội đồ 3 năm; còn Lâm bị đánh 90 trượng, đồ 2 năm rưỡi. Quan huyện Đông Sơn là Nguyễn Toại làm việc thiếu trách nhiệm, không đến nơi đến chốn nên bị khiển trách, bộ Hình đề nghị biếm chức một bậc; còn viên Kinh lịch tên là Nguyễn Huy Nhụ trực tiếp tham gia khám nghiệm cũng bị khiển trách, ghi lỗi vào lý lịch. Các quan có chức trách ở tỉnh Thanh Hóa cũng bị liên đới, đều chịu khiển trách. Bản án được dâng lên, xem xong vua Khải Định lại phê rằng: “Dân đen ngu dốt không hiểu đạo lý, đã trót nhầm rồi lại sợ bị tội đâm ra làm quẩn để thành trọng tội như tên Lâm, tên Cát ngoài đời cũng nhiều. Hạng ấy nghĩ cũng đáng thương, tỉnh thần nghị xử giảm xuống tội đồ là đúng, nhưng xét thương cho kẻ ngu tối nên tạm gia ân khoan hồng giảm hình phạt cho mỗi tên xuống một bậc, tên Cát phạt đòn 90 trượng, đồ 2 năm rưỡi; tên Lâm phạt đòn 80 trượng, đồ 2 năm, khi mãn hạn thì tha cho về. Đối với huyện lệnh được phái đi làm việc bên ngoài, vậy mà đối với việc dân sự không tận tâm, theo trình thuật thì làm việc có phần thiên vị che giấu, không tròn chức phận, đáng phải xử nặng nhưng bộ thần đã có thẩm nghị nên tạm chuẩn y. Còn tỉnh thần tỉnh Thanh Hóa, cách làm việc cũng không khác gì viên Huyện lệnh là mấy, lại còn không biết tự nhận lỗi, đáng như bộ thần đề nghị phải chịu khiển trách mới phải, nhưng lại nghĩa vì đã thể ý thi hành ngay theo chỉ dụ, đủ để bù lỗi, nên chuẩn rộng lượng tha miễn cho”.
|
Quan huyện xử án. Ảnh tư liệu.
|
Sau khi vụ án kết thúc không lâu, vua Khải Định trong một buổi lâm triều đã nhắc nhở quần thần rằng: “Vụ Lê Xuân Hàm ở Thanh Hóa kêu chuyện mất mộ cha, trẫm cứ suy nghĩ sớm hôm liền trong mấy chục ngày, mới nghĩ ra rằng tên ấy đã vì người thân mà quên cả thân mình, hiếu thảo như thế quả thực đáng khen, bèn phê giao cho tỉnh thần địa phương khai quật tất cả bốn ngôi mộ lên khám nghiệm. Chỉ là vì thấy một người dân chưa được thỏa lòng nên mới phải lo nghĩ như thế, cho nên mấy ngày gần đây bị mệt; nhân đem tờ phiến tâu trình kết quả về vụ này ra xem lại, liền cảm thấy bệnh tình giảm đi phân nửa. Ngày nay dân trí đã dần dần được mở mang nên không thể khư khư bám giữ lấy ý kiến cũ mà dùng cường quyền áp chế đi được…Thời đại ngày nay thực khó chế ngự, nhưng trên đời không có việc gì khó, chỉ cần suy nghĩ là giải quyết được cả”.
Vụ án đào nhầm mộ nói trên không phải là một trường hợp cá biệt, mà trong thực tế còn xảy ra nhiều sự việc có tính chất nghiêm trọng hơn, chính vì vậy từ thời Hậu Lê, các quy tắc, điều luật đề cập đến vấn đề này đã được ban hành, quy chuẩn. Từ đó trở thành cơ sở để ngăn chặn cũng như giải quyết các hành vi xấu, góp phần giữ gìn sự ổn định và đạo đức xã hội.