Luận giải lá số tử vi của Khổng Tử

Google News

(Kiến Thức) - Sinh thời, Khổng Tử luôn phiêu bạt khắp nơi, chỗ nào cũng bị gièm pha, ấy là vì Thiên Lương ở cung Tý, như cây đại thụ bồng bềnh biển cả. 

“Có tài mà cậy chi tài”

Khổng Tử hay còn gọi Khổng Phu Tử, tên thật là Khổng Khâu, tự là Trọng Ni. Ngài sinh tại nước Lỗ vào năm 551 (tr CN) thời Xuân Thu ở Trung Quốc. Từ nhỏ ngài đã rất ham học hỏi. Năm 19 tuổi ngài lập được bổ một chức quan nhỏ lo quản lý kho tàng, xuất nạp tiền lương. 

Luan giai la so tu vi cua Khong Tu
 Bức chân dung Khổng Tử. 

Ngày nay nhắc đến Khổng Tử là nhắc đến một đại danh. Tên tuổi của ông gắn liền với Nho học – một học thuyết đã hưng thịnh hàng nghìn năm với chế độ khoa cử không chỉ ở Trung Quốc mà còn phổ biến ở cả các lân bang. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Khổng Tử là những bộ kinh do ông biên soạn từ sách vở, tri thức đời trước gồm: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu. 

Vì Kinh Nhạc bị đốt thời Tần Thủy Hoàng nên sau này chỉ còn lại ngũ Kinh. Bên cạnh đó, bộ Luận Ngữ là quyển sách ghi chép lại những bài giảng, những câu chuyện ngắn cách ngôn của Khổng Tử để dạy học trò cũng là một cuốn sách căn bản trong Nho học.

Khổng Tử đã biên soạn những bộ sách đồ sộ, tỏ ra tài năng xuất chúng đáng làm quan trụ cột của quốc gia. Tuy nhiên cuộc đời của ngài có nhiều vất vả long đong. Năm 22 tuổi ngài bắt đầu mở lớp dạy học. Cho đến năm 34 tuổi thì ngài dẫn các học trò đi khắp các nước chư hầu trong vùng để truyền bá tư tưởng của mình và tìm vị minh quân để dùng các tư tưởng đó. Tuy nhiên, có nơi ngài được trọng dụng có nơi bị coi thường và kết quả là cho đến ngoài 50 tuổi ngài vẫn chưa tìm được nơi thích hợp để đem tư tưởng của mình ra ứng dụng.

Năm 51 tuổi, Khổng Tử lại trở về nước Lỗ và được giao coi thành Trung Đô. Năm sau thì được thăng chức Đại tư khấu (coi việc hình pháp) kiêm quyền Tể Tướng. Chỉ 3 tháng trị nhậm của Khổng Tử, nước Lỗ trở nên thịnh trị. Nhưng rồi ngài bị quần thần đố kị gièm pha nên lại từ chức bỏ đi ngao du một lần nữa.

Năm 68 tuổi, Khổng Tử trở về nước Lỗ chuyên tâm dạy học và soạn sách vở. 5 năm sau ngài mất, hưởng thọ 73 tuổi trong khi vẫn còn điều nuối tiếc vì những tư tưởng của mình chưa có chỗ đắc dụng.

Luận giải lá số của Khổng Tử

Cụ Thiên Lương – một nhà Tử vi có tiếng của nước ta những năm 1970 đã viết những dòng giải đoán lá số của Khổng Phu Tử trong cuốn Tử vi nghiệm lý như sau: "Đời ngài trôi nổi khắp nơi ...chỗ nào cũng bị gièm pha chỉ vì Lương ở Tý: một đại thụ bồng bềnh trên biển cả đắc Mã Khốc Khách mà ngộ Kị song song như có sự an bài với Đồng ở cung Quan(thìn)cũng bất ổn rày đây mai đó với Bệnh phù (không được trọng dụng). Mặc dù ngài có đủ Hữu – Âm – Mã Khốc Khách là những yếu tố để đời phải kính trọng thực sự .Không như Thọ đắc Quyền - Lộc: người đời chỉ nể sợ e dè bên ngoài và bợ đỡ vì nhiều tiền bạc.

Luan giai la so tu vi cua Khong Tu-Hinh-2
 Tạo hình Khổng Tử trên phim. Ảnh: Vietbao.vn. 

Thân Mệnh của ngài đứng ở cái vị trí của người có ưu thế (thân tý thìn khắc dần ngọ tuất) mà không hài lòng (tang), vì người đời không để cho mình thực hiện theo đường lối phải đi, mà lòng vẫn vấn vương lo tính làm sao cho dân cho nước được cảnh thanh bình lạc nghiệp. 

Cái tài của ngài phải đắc dụng vào chỗ tướng quốc (Lương -Tướng -Ấn) chăn dắt muôn dân .Nếu như ngài được sinh ra đời trước đó 10 năm là năm Canh Tý thì có lẽ cái mộng của ngài đã đạt. Biết rằng ngài là người không phải ôm mộng công hầu, mà mê say về mộng lấy đức (Lương) để biến đổi thiiên hạ, thế cho nên ngài mê say giảng giải cho môn đệ là việc thường ngày. 

Cái khổ của ngài là vị trí Tang môn nó không làm cho ngài yên trí làm việc, luôn luôn ngăn cản gây bất mãn.

Ngay đại vận 26-35 ở Dần là giai đoạn đắc thời nổi tiếng xuất thân ra làm quan, cũng chỉ được ít năm vì muốn gặp 1 vị danh sư (Lão tử) ở Lạc dương, là thủ đô nhà Chu có những kho tàng về lịch sử, văn hóa rất phong phú, một cơ hội tốt để tham quan. Ngài đành bỏ dở công việc đang có kết quả tràn trề hy vọng. Phải chăng cũng vì vị trí bất mãn sai khiến, đừng nói gì sang giai đoạn ở Mão, Thìn cho đến Tị : ngài phải đóng vai trò cái thoi trong máy dệt của hóa công luôn phiên đưa đẩy không đạt được ý muốn. Trở về cung Ngọ có Thái dương đã đưa ngài bước đến đường “Vạn Thế Sư biểu” và cũng vì Thái dương đó kết thúc cuộc đời với 73 (cả cung lẫn sao).

Nhìn kỹ lại lá số của ngài là cả một bức tranh mà tạo hóa đã hạ bút bằng những nét ẩn hiện phối hợp rất tài tình ở trong cái thế tam hợp Thân Tý Thìn mà tuổi lại là Canh Tuất, hiển nhiên là đứng trên địa vị ưu thế mà bất mãn: người ta vẫn trọng vọng ước ao gặp mình, nhưng khi gặp thì họ lại ngại ngùng làm mình phải tự rút lui”. 

Ở khía cạnh tài trí, Khổng Tử và Khổng Minh sau này đều là những bậc đại tài trí nhưng Khổng Minh được thỏa chí sử dụng tài trí còn Khổng Tử thì long đong khắp nơi mà không được dùng là vì bộ Âm Dương của Khổng Minh hết sức quang huy (Mão-Hợi) và bộ Tả Hữu cư Mệnh. Còn Khổng Tử chỉ có một Hữu bật. Tuy vậy Khổng Tử thành danh hơn Khổng Minh khi ngài trở thành ông tổ đạo Nho còn Khổng Minh thì sự nghiệp dở dang là vì ngài có Mã ở Thân ở vào vị trí Mã khốc khách. 

Trên phương diện sự thích hợp nghề nghiệp, cuốn Tử Vi Thực Hành của tác giả Dịch Lý Huyền Cơ cho rằng sở dĩ Khổng Tử không làm quan lâu dài là vì ngài vốn dĩ không đắc cách ở cung Quan Lộc. Ở cung này của ngài chỉ có Xương khúc, Tướng ấn, Lộc mã nên chỉ làm về nghề văn hóa chứ không đắc ở đường quan trường được, nhất là Cự đồng ở đó, nên Khổng Tử không thể chọn con đường làm quan bền bỉ.

Vũ Tiến Đức