Từ cậu bé mồ côi, Yết Kiêu trở thành một vị tướng lừng danh của nước Đại Việt. Những câu chuyện lưu truyền trong dân gian về danh tướng Yết Kiêu khá nhiều nhưng thiếu đồng nhất. Lần giở lại qua ghi chép của chính con cháu vị danh tướng huyền thoại này để hiểu rõ hơn về con người và chiến công của ông.
Đi lại dưới nước như trên mặt đất
Ông Vũ Xuân Chiến, thủ nhang đền Quát, thôn Hạ Bì (xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) cho biết: Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, sinh ra trong gia đình nghèo của thôn. Năm ông lên 8 tuổi cha đột ngột qua đời. Từ đó, mẹ con ông tần tảo nuôi nhau. Mẹ ông bán hàng nước ở bến đò, còn ông đánh bắt cá bằng chài lưới.
Giải thích cho sự tài ba hơn người trong bơi lội của Phạm Hữu Thế, ông Chiến kể câu chuyện huyền thoại. “Người dân chúng tôi còn lưu truyền câu chuyện năm Yết Kiêu 16 tuổi vào một đêm thanh vắng ra sông gánh nước thấy đôi trâu trắng đang húc nhau chí tử. Ông nghĩ nếu không can ngăn trâu sẽ thương vong. Vì thế, ông liền dùng đòn gánh can ngăn. Thấy vậy hai trâu chạy xuống sông biến mất để lại hai chiếc lông trắng trên đầu đòn gánh. Lạ thay, khi ông dùng đòn gánh khua xuống nước, ông thấy hai chiếc lông lấp lánh ánh hào quang. Ông nghĩ đó là điềm tốt trời cho và nuốt luôn vào bụng, từ đó thân hình trở nên vạm vỡ, chắc nịch, khoẻ mạnh phi thường. Đặc biệt, ông có khả năng đi lại dưới nước như trên mặt đất.
|
Nhờ cụ Yết Kiêu mà dân trong vùng có cuộc sống ấm no. |
Năm 1258, giặc Mông Cổ phương Bắc lăm le xâm lược nước ta, chàng thanh niên Phạm Hữu Thế từ biệt quê hương hăm hở lên đường tòng quân bảo vệ đất nước. Anh được nhà Trần tuyển vào đội thủy quân thủy chiến.
Khi đó, nhà Trần mở các hội thi để tuyển chọn người tài. Ở Vạn Kiếp có Đô Châu - một gia nhân của Trần Ích Tắc là đô vật vô địch toàn vùng, không có đối thủ để thách đấu. Biết được thông tin đó, tân binh Phạm Hữu Thế đã đến xung phong lên võ đài thử sức. Mới đầu Đô Châu nhìn chàng trai cười khẩy, hắn định lao vào nuốt tươi đối thủ. Ai ngờ Phạm Hữu Thế bình thản, dùng sức nhấc bổng hắn lên và quật xuống sàn đấu khiến hắn chỏng vó lên trời. Mọi người đứng xem vỗ tay reo hò. Còn Đô Châu tâm phục khẩu phục. Sau hội thi đó, Phạm Hữu Thế được Trần Hưng Đạo mời làm gia nô và trở thành danh tướng thủy quân tài giỏi. Lý do chàng trai có cái tên Yết Kiêu cũng là do Hưng Đạo Vương đặt – tên loài cá kình ngư khổng lồ ở biển”, ông Chiến kể.
|
Để ghi nhớ công ơn, người dân đời đời thờ phụng cụ. |
Khoan thuyền tiêu diệt địch
Ông Chiến cho biết, trong cuộc chiến chống quân Nguyên nhiều trận quân ta thắng nhờ sự mưu trí dũng cảm của Yết Kiêu. Khi đêm đến Yết Kiêu dẫn quân lặn xuống khu vực tàu thuyền giặc neo đậu, nhẹ nhàng khoan đáy thuyền, khoan đến đâu, dùng giẻ nút lỗ đến đó rồi dùng dây nối các nút với nhau. Chờ quân giặc ngủ say, Yết Kiêu ra lệnh cho mọi người giật dây nút lỗ khoan thuyền địch, thuyền cứ thế mà chìm dần, được nước quân ta kéo đến tiêu diệt sạch quân địch. Kẻ thù khiếp sợ vì kế sách đó của Yết Kiêu.
Ông Chiến cho hay, có lần Yết Kiêu khoan thuyền bị giặc bắt. Nhưng với tài trí hơn nguời, ông đã thoát sự truy sát của tướng giặc Phạm Nhan. Lưu truyền lần đó ông bị giặc bắt và trói vào cột buồm đêm đến có tiếng hạc kêu trên trời, ông liền thưa: Dạ có em đây. Phạm Nhan thấy lạ liền hỏi: Tiếng hạc kêu sao mày lại thưa? Ông nói: Anh tao đi tìm tao đó. Tướng giặc nói tiếp: Mày gọi anh mày xuống đây tao thưởng. Yết Kiêu bình tĩnh nói: Bọn mày cởi trói cho tao, làm cơm rượu ngon tao mời anh tao xuống. Anh tao thấy tao bị trói thế này, chắc chúng mày hết đường sống. Phạm Nhan hí hửng sẽ bắt thêm được tướng giỏi nhà Trần liền cởi trói cho ông. Chỉ chờ có thế Yết Kiêu vùng dậy, tóm luôn tướng Phạm Nhan nhảy xuống sông biến mất, sau đó ông mang tướng giặc về cho Trần Hưng Đạo trị tội.
|
Theo ông Chiến, sức mạnh cụ Yết Kiêu có được một phần nhờ đôi trâu trắng. |
Xin cho dân chài lưới ba thước đất
Sau khi đất nước khải hoàn chiến thắng vua Trần tổ chức lễ mừng công ban lộc, ban thưởng cho các tướng lĩnh có công diệt giặc. Yết Kiêu được vua phong đệ nhất Đô soái thủy quân tước hầu, được hưởng nhiều vinh hoa, phú quý. Nhưng ông không nhận. Ông tâu lên vua xin cho ấp Hạ Bì - nơi ông sinh ra xin cho người dân làm nghề chài lưới trên sông ba thước đất hai bên bờ sông để người dân phơi chài lưới, không phải đóng thuế, hào lý địa phương không được ngáng trở. Vua khen ông biết lo cho dân và phê chuẩn. Chính những đóng góp của Yết Kiêu cho dân, cho nước mà người dân nơi đây tôn ông là Thành hoàng làng. Nhờ ông mà nghề chài lưới dân làng nơi đây phát triển, đời sống dân ấm no.
Từ chối tình cảm ba nàng công chúa
Ông Phạm Hữu Sang, Trưởng thôn Hạ Bì cho biết: Người dân kính trọng Yết Kiêu không chỉ sự mưu trí, tài ba hơn người mà còn ở sự thủy chung, một lòng một dạ vì người mình yêu. Ông từng từ chối làm chồng của ba cô công chúa để giữ tình cảm với người con gái ông lái đò tên Vân ở bến sông Bạch Đằng Quảng Ninh.
Tương truyền khi Yết Kiêu phò tá Trần Hưng Đạo đánh giặc trên sông Bạch Đằng, ông đã gặp người lái đò, người này sở hữu tấm bản đồ dẫn đến khu vực có nhiều sắt, kẽm. Nhờ thế mà ông cho quân lính mang kim loại về gia cố vào đầu cọc cắm trên sông tiêu diệt thuyền giặc. Ông lão lái đò có cô con gái tài sắc vẹn toàn, hai người gặp và cảm mến nhau. Tuy cả hai chưa ai nói tình cảm dành cho nhau, nhưng dường như họ đã xác định gắn bó bó với nhau. Trong một lần Yết Kiêu bị giặc phục kích, chính cô gái dùng thân mình làm bia đỡ mũi tên của địch, cô chết trên tay của Yết Kiêu. Có lẽ ông có tình cảm sâu đậm với cô gái đó mà ông từ chối tình cảm của cả con vua.
Theo người già trong làng truyền lại, Yết Kiêu từng từ chối làm chồng của ba cô công chúa. Công chúa An Tư, Quận chúa Đinh Lan đều mến mộ tài đức hơn người của Yết Kiêu. Hai người từng xin phép vua cha cho Yết Kiêu đổi từ họ Phạm sang họ Trần để lấy làm chồng. Yết Kiêu bảo, triều đình dù có chém đầu ông cũng nhận chứ ông không thể làm chồng công chúa.
|
Tấm bia đá trước ngôi đền Quát ghi lại công trạng của vị tướng lừng danh đất Việt. |
Ông Chiến dẫn chúng tôi vào trong phòng thờ danh tướng Yết Kiêu, đồng thời kể lại câu chuyện đầy cảm động về mối tình của công chúa Ngọc Hoa - con gái vua nhà Minh với Yết Kiêu.
Ông Chiến bảo, Yết Kiêu có nhiều người tình, nhưng chỉ duy nhất công chúa Ngọc Hoa được tạc tượng thờ bên cụ. Chuyện kể rằng, khi Yết Kiêu được triều đình cử sang đi sứ nhà Minh, nhìn thấy vẻ tuấn tú, đạo mạo của người, quan quân nhà Minh đều muốn giữ ông ở lại. Công chúa Ngọc Hoa, con gái vua Minh say Yết Kiêu như điếu đổ. Biết vậy, vua Minh mời Yết Kiêu vào Triều dụ dỗ ông ở lại. Nhưng ông đáp, việc đó tùy thuộc vào vua Trần quyết định. Ông lấy lý do về nước xin phép vua Trần để tìm đường thoát lui.
Thời gian dài không thấy Yết Kiêu trở lại, Ngọc Hoa bỏ cung sang nước Nam tìm Yết Kiêu. Khi thuyền sang đến Móng Cái có người nói Yết Kiêu đã “về trời”. Nghe tin ông mất, công chúa Ngọc Hoa lập đàn thờ ông 7 ngày, 7 đêm. Khi cúng, nàng nói: "Trên đời không nên chàng và thiếp, thiếp xin nguyện xuống để gần chàng mãi mãi", sau đó, nàng gieo mình xuống sông. Thấy nàng gieo mình tự vẫn, 9 nàng hầu cùng hai bá quan theo hầu cũng gieo mình xuống sông theo nàng.
Ông Chiến cho biết, bức tượng gỗ thờ tự công chúa Ngọc Hoa, được tìm thấy nơi công chúa gieo mình tự vẫn. Dân làng thờ tự công chúa một phần quý trọng tình cảm sắt son công chúa dành cho cụ Yết Kiêu, cũng một phần để giữ mối giao bang giữa nước Đại Việt ta với phương Bắc.
Đền thờ Yết Kiêu có tên là đền Quát được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1989. Người dân tôn thờ, tôn cụ Yết Kiêu là Thành hoàng làng. Cụ được các đời vua tặng 14 sắc phong.
Trọng Đức