Sau khi đại phá quân Nguyên, Mông (1258 – 1288), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được dân chúng khắp nơi coi như vị thánh giúp dân thoát kiếp lầm than. Nhưng tại sao Đức Thánh Trần lại gia nhập vào hàng Tứ Phủ trong Đạo Mẫu? Đó là vấn đề được người dân và cả giới nghiên cứu đặc biệt quan tâm.
Vị Thánh – Tướng
Trong hệ thống biểu tượng tâm linh Việt, không ít nhân vật có thật được dân chúng huyền thoại hóa, tôn làm thánh và trở thành đấng quyền năng siêu việt, có ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và tâm linh của mỗi người. Trong số đó, Đức Thánh Trần (Trần Quốc Tuấn) là nhân vật đã gia nhập Tứ Phủ và trở thành chư vị thần thánh giúp dân thoát khổ, thoát nạn.
|
Ảnh minh họa. |
Đến nay, giới nghiên cứu văn hóa vẫn chưa tìm ra được dấu mốc thời gian cụ thể trong việc gia nhập Đạo Mẫu của vị tướng thời nhà Trần. Trong sách “Đạo Mẫu Việt Nam”, tập I, GS Ngô Đức Thịnh chủ biên có nói: “Trong đạo Mẫu Tứ Phủ đây đó người ta còn nhắc tới Phủ Trần Triều, một phủ thuần tuý mang tính chất nhân Thần. Bởi thế cần xem xét Đức Thánh Trần cùng với các thuộc hạ của Ông trong hệ thống điện thần Tứ Phủ cũng như trong thực hành tín ngưỡng”. Như vậy, việc chỉ ra thời gian cụ thể khi Đức Thánh Trần đi vào Đạo Mẫu là chưa chắc chắn. Tuy nhiên, có người cho rằng. Không nên đặt ra vấn đề như trên. Bởi lẽ việc thần thánh hóa một nhân vật lịch sử phải trải qua thời gian nhất định. Có thể nhân vật lịch sử đó được nhân dân yêu quý, người này nói tốt, người kia nói tốt... thì tự trong tâm tưởng người dân đã coi nhân vật đó như một vị thần rồi. Cái sự yêu quý ấy cứ ngày một lan ra, thấm sâu vào quần chúng và dần dần, người ta lập đền thờ ở nhiều nơi. Nơi thờ chính, nơi thờ vọng... Cứ như thế Trần Quốc Tuấn đã đi vào đạo Mẫu Tứ Phủ một cách tự nhiên nhất, hợp lòng người nhất.
Theo truyền thuyết về Đức Thánh Trần thì ông là con của Đức Long vương Bát Hải Đại Vương cai quản vùng sông nước. Do dân chúng gặp kiếp nạn mà đầu thai vào Trần Quốc Tuấn để cứu dân khỏi nạn giặc ngoại xâm, giết người, cướp của.
Đức Thánh Trần “được đặt riêng một phủ Trần Triều. Về hàng bậc, có lúc Ông được đồng nhất với Vua Cha trong đối sánh với Thần Mẹ, ngày giỗ và lễ hội kèm theo của Ông cũng đồng nhất với ngày giỗ Cha "tháng Tám giỗ Cha" cùng với Bát Hải Đại Vương. Nơi thờ Ông ở Kiếp Bạc, có ngọn núi xèo rộng ra ôm lấy thung lũng trước mặt ngôi đền là núi Nam Tào và Bắc Đẩu. Như vậy trong tâm thức dân gian, nghiễm nhiên Ông được coi như là Ngọc Hoàng, một Vua Cha cao hơn, bên trên cả Thánh Mẫu. Tuy nhiên, không giống như Vua Cha Ngọc Hoàng hay Vua Cha Bát Hải, các vị chỉ ngự trên điện thần chứ không giáng đồng, các Thánh hàng Mẫu cũng chỉ giáng chứ không nhập đồng, còn Đức Thánh Trần và một số thuộc hạ của Ông thì lại giáng đồng chuyên để trừ tà, cứu chữa con bệnh, tạo nên hẳn một dòng Thanh đồng phân khác với hình thức hầu đồng của dòng đồng cốt thờ Mẫu. Trong thứ tự giáng đồng của những người có căn Trần Triều thì thường là sau khi Mẫu giáng, và trước các vị Thánh hàng Quan. Đấy là chưa kể hình thức lên đồng để trừ tà thường diễn ra trong dịp lễ tiết của Đức Thánh Trần ở những nơi thờ tự chính của Ông” – theo sách “Đạo Mẫu Việt Nam”.
Đức Thánh Trần trở thành đạo sĩ?
Việc Đức Thánh Trần được người dân đặt vai trò như một đạo sĩ đã gây ra sự khó hiểu trong cộng đồng. Bởi ông xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc, thân làm tướng, thống lĩnh ba quân, đánh Đông, dẹp Bắc, phong thái uy nghi và chỉ tương xứng với những việc cao quý, hợp với đấng quân vương. Còn công việc xua đuổi ma tà, quỷ quái thuộc về các đạo sĩ, những nhân vật thường có thân phận thấp bé trong xã hội. Nhưng ở đây, Đức Thánh Trần lại đóng vai của một bậc hạ lưu. Tại sao vậy?
Trước đây, cố GS Trần Quốc Vượng đã nghiên cứu và chỉ ra rằng: “Thời nhà Trần, bên cạnh đạo Phật, Đạo giáo khá thịnh hành, nhiều người thuộc giới quý tộc, hoàng thân cũng là những đạo sĩ, tín đồ đạo giáo, trong đó có Trần Hưng Đạo. Từ sau khi chiến thắng giặc Nguyên, Mông, được phong vương, Ông quay trở về sống ở Kiếp Bạc, vui thú với cảnh sắc thiên thiên, làm thuốc chữa bệnh cứu người. Huyền thoại về việc Ông dùng ma thuật để trừ tà Phạm Nhan chỉ là sự lịch sử hóa, huyền thoại hóa một thực tế Ông là một thầy thuốc có tài chữa bệnh hậu sản, bệnh của phụ nữ. Với lại, trong dân gian, việc chữa bệnh bằng thuốc luôn đi liền với các hành động có tính ma thuật. Bởi vậy, sau khi Trần Hưng Đạo qua đời, danh tiếng và uy tín của Ông đã được huyền thoại hóa, khoác ra ngoài cái vỏ tín ngưỡng và lưu truyền mãi về sau, cho tận tới ngày nay”.
Không những thế, cố GS Trần Quốc Vượng còn giải mã luôn những điều kỳ lạ khi đặt Đức Thánh Trần ngang hàng với vua cha là Bát Hải Đại Vương. Đó là bởi cuộc đời của Trần Quốc Tuấn gắn liền với những chiến công oanh liệt ở sông nước, ba lần đánh tan giặc Nguyên Mông thu phục giang sơn về một mối... Cho nên, người dân coi ông như một vị thần cai quản miền sông nước là điều dễ hiểu.
Theo các nhà nghiên cứu Văn hóa thì Đức Thánh Trần hiện đang được nhân dân tứ phương phụng thờ dưới 2 hình thức hoàn toàn khác nhau. Hình thức thứ nhất, người dân thờ Trần Quốc Tuấn với vai trò là một anh hùng dân tộc, người đã góp công lớn vào sự kiện 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, bảo vệ lãnh thổ Quốc gia. Hình thức thứ hai là người dân coi Trần Quốc Tuấn như vị vua cha, ngang hàng với Bát Hải Đại Vương. Cách phân biệt hai hình thức này dựa vào điện thờ. Hình thức thứ nhất thì ngoài điện thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ra không có điện thờ Mẫu và điện thần thờ Mẫu. Hình thức thứ hai thì ngược lại.
Mời quý độc giả xem video:
Quách Văn