Vua Minh Mạng nổi tiếng là người có tri thức uyên thâm, biết nhìn xa thấy rộng. Ngoài ra, ông cũng nổi tiếng là vị vua lắm vợ, nhiều con. Ông có đến 43 bà vợ và 142 người con.
|
Vua Minh Mạng nổi tiếng là người lắm vợ, nhiều con. |
Các con của vua Minh Mạng cũng rất đông con cháu. Vì thế, hậu duệ của ông vẫn được duy trì đến ngày nay. Điều đáng nói, trong số đó, có rất nhiều người tài năng, nổi tiếng
Hà Kiều Anh - công chúa đời thứ 7
Mới đây, Hoa hậu Hà Kiều Anh gây bất ngờ khi tiết lộ mình là hậu duệ của vua Minh Mạng.
Theo đó, bà nội Hà Kiều Anh, bà Nguyễn Tăng Diệu Hương, là cháu ngọai của nhà thơ Tuy Lý Vương - Nguyễn Phúc Miên Trinh – con trai vua Minh Mạng.
Bà Nguyễn Tăng Diệu Hương nổi tiếng xinh đẹp và sau này là phu nhân của đại sứ, nhà ngoại giao nổi tiếng Hà Văn Lâu.
|
Hà Kiều Anh bên con gái và bà nội dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn. |
Ông Hà Văn Lâu từng cho biết, gia cảnh mình nghèo nhưng trót yêu thầm cô nữ sinh Đồng Khánh Nguyễn Tăng Diệu Hương. Lấy nhau rồi, ông chỉ thương “cô vợ trẻ vốn dòng dõi cháu ngoại thi nhân Tuy Lý Vương nay lại phải lận đận bán hàng xén phụ chồng kiếm thêm tiền sinh nhai”.
Tuy nhiên, tình yêu đã làm nên điều kỳ diệu. Bà Diệu Hương chẳng màng khổ cực luôn cùng sát cánh cùng chồng. Cho đến ngày nay nhiều người vẫn cho rằng, đằng sau sự thành công của đại sứ Hà Văn Lâu, có bóng dáng của Công chúa triều Nguyễn.
Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương - Quận chúa giữ kỷ lục về thơ
Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương là cháu trực hệ năm đời của vua Minh Mạng và theo như cách gọi ở miền Trung chính là “quận chúa”.
|
Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương là cháu trực hệ năm đời của vua Minh Mạng. |
Bà được biết đến là một nhà thơ có tiếng. Cho đến nay, bà đã in hàng chục tập thơ như “Đợi mùa trăng”, Mộng thanh bình, Còn gặp nhau, Bâng khuâng tình khúc, Tuyển tập thơ Tôn Nữ Hỷ Khương…
Thơ bà rất có duyên với lịch, vì thế bà là người giữ kỷ lục “Nhà thơ nữ có thơ in trên lịch nhiều nhất” của Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam.
Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương là con út của nhà văn hóa Ưng Bình Thúc Giạ Thị, tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình, là cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh – con vua Minh Mạng.
Sinh thời Ưng Bình Thúc Giạ Thị viết rất nhiều thể loại thơ chữ hán và quốc ngữ, tuồng và hò Huế, thể loại nào cũng nhuân nhị yếu tố nghệ thuật bác học với dân gian. Nhiều câu hò của ông đã thấm sâu vào lòng người một cách tự nhiên và trở thành câu hò dân gian phổ biến cả trong lẫn ngoài nước.
Công Tôn Nữ Trí Huệ - Nghệ nhân làm gối dựa cung đình
Công Tôn Nữ Trí Huệ là cháu nội hoàng tử Miên Lâm - người con thứ 57 của vua Minh Mạng, quan phụ chánh thân thần các đời vua Hàm Nghi, Thành Thái.
Lớn lên trong giai đoạn cuối triều Nguyễn, bà được một vị quan trong Bộ lễ truyền dạy nghề thêu thùa, may vá trong cung.
|
Công Tôn Nữ Trí Huệ là cháu nội hoàng tử Miên Lâm - người con thứ 57 của vua Minh Mạng. |
Năm 17 tuổi, bà Trí Huệ chính thức vào cung làm nghề may gối dựa (trái dựa) và đảm trách luôn việc may áo cho Đức Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại.
"Trái dựa" là loại gối gấp nếp, được nối lại với nhau bốn hoặc năm lá (tấm) đệm nhỏ hình chữ nhật, mỗi lá dày khoảng 4-5cm. Mỗi lá gối được làm từ bốn ống lụa độn bông mềm rồi khâu lại với nhau bằng chỉ, bên ngoài bọc lụa quý, có thể trải dài ra hoặc gấp lại thành chồng.
Các bậc quyền quý hoàng gia thường dùng "trái dựa" để tựa khuỷu tay ngồi ngâm thơ, thưởng trà, đàm đạo văn chương, biểu hiện cho sự giàu sang, cao đạo.
Hiện nay, ở tuổi xế chiều, mong ước lớn nhất của bà Công tôn Nữ Trí Huệ là truyền dạy, bảo tồn được nghề làm gối trái dựa của cha ông.
Nghệ nhân Vĩnh Tuấn - Quái kiệt cổ cầm, cổ nhạc
Nghệ nhân Vĩnh Tuấn là cháu đời thứ 4 của Tuy Lý Vương Miên Trinh, con trai thứ 11 của vua Minh Mạng.
|
Nghệ nhân Vĩnh Tuấn, hậu duệ của vua Minh Mạng. |
Sinh trưởng trong phủ Tuy Lý Vương, Vĩnh Tuấn đã sớm được học những bài học về tinh thần dân tộc. Bố của Vĩnh Tuấn từng được Pháp đào tạo để về làm những chức vụ lớn, nhưng ông thoái thác, đi dạy học ở trường Quốc học Huế.
Vĩnh Tuấn được học nhiều về âm nhạc. Để giữ vốn liếng văn hóa của dân tộc, Vĩnh Tuấn từng giảng dạy ở Nhạc viện Huế trước 1975, bộ môn nhạc cổ truyền.
Sau này, chàng quý tộc khi xưa quyết định sống bằng nghề đóng đàn. Ông và vợ cặm cụi đóng những cây đàn bằng phương pháp cổ, vật liệu cổ.
Rời xa kinh thành phố, ông chọn vùng đất xa xôi để dựng nhà, nhạc cho vợ, con. Ông thành lập ban nhạc, lấy tên là Duyệt Thị Trang. Mặc dù không biểu diễn trong nhiều năm qua, tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong và nước ngoài vẫn tìm tới ông để học hỏi về âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Mời độc giả xem video:Bộ trưởng Bộ Y tế Brazil từ chức. Nguồn: THDT.
Thu Hà (TH)