Giải mã ứng dụng binh pháp Tôn Tử vào thương trường

Google News

(Kiến Thức) - Ngày nay, “Tôn Tử Binh Pháp” chẳng những được ứng dụng trong quân sự mà còn được vận dụng rộng rãi trong kinh tế, thương mại, quản lý, ngoại giao.

Rất nhiều cuộc cạnh tranh gay gắt, quyết liệt trên thương trường đã làm cho nhiều doanh nghiệp khuynh gia bại sản, phá sản, trở thành nạn nhân trong các cuộc đấu trí, đấu pháp. Không tiếng súng, không tiếng bom, nhưng nhiều chủ doanh nghiệp kể cả chủ doanh nghiệp của các Công ty, Tập đoàn lớn thế giới đã phải tìm đến cái chết trước cảnh đổ vỡ phá sản của công ty.
Chính vì vậy, nhiều chủ doanh nghiệp hiện nay đang tìm tới binh pháp, kể cả binh pháp cổ trước đây để học hỏi kinh nghiệp đấu pháp, chiến lược chiến thuật quân sự vận dụng vào kinh doanh buôn bán.
Nhiều cuốn binh pháp mà các nhà quân sự trước đây từng gối đầu giường để học hỏi áp dụng trong chiến trận, thì nay đã được nhiều chủ doanh nghiệp trên thế giới tìm đến cũng để làm cẩm nang gối đầu giường cho mình trong kinh doanh buôn bán và cạnh tranh với các đối thủ trên thương trường.
Cuốn “Tôn Tử Binh Pháp” ra đời cách đây 2519 năm dạy cho các tướng lĩnh cách cầm quân đánh thắng đối phương, chẳng những là cuốn cẩm nang của các nhà quân sự Trung Quốc xưa, hiện được xem là cuốn cẩm nang của các nhà doanh nghiệp và thương nhân dùng để chỉ đạo kinh doanh và cạnh tranh trên thương trường.
Ngày 13/5/2013, nhân kỉ niệm 2.524 năm ngày cuốn “Tôn Tử Binh Pháp” ra đời, Trung Quốc tổ chức cuộc hội thảo về “Binh pháp” của nhà quân sự lỗi lạc Tôn Tử. Điều đáng lưu ý là ngoài đông đảo các nhà quân sự các nước trên thế giới tham gia, còn đông đảo doanh nhân và thương nhân từ các nước tới dự. Bởi vì, cuốn sách của ông chẳng những dạy cho các nhà quân sự về chiến lược chiến thuật tác chiến trên chiến trường mà giờ đây cũng được các doanh nhân và thương nhân trên thế giới vận dụng trong kinh doanh và cạnh tranh.
Tôn Tử có tên là Vũ, vì vậy tên đầy đủ của ông là Tôn Vũ Tử. Ông sinh năm 535 trước Công nguyên tại Huyện Lạc An nước Tề, thời Xuân Thu Chiến Quốc (nay là Huyện Bác Hưng Bắc tỉnh Sơn Đông). Nhưng ông mất năm nào không rõ. Ông nguyên là hậu duệ của dòng họ Điền, nước Tề, nhưng bị vua quan nước Tề truy nã, nên đổi thành họ Tôn để chạy trốn. Ông lưu lạc sang nước Ngô, được Ngô Vương là Ngô Hạp Lưu trọng dụng, nên đã dâng cho Ngô Vương Hạp Lư bộ “Binh Pháp” và giúp Ngô Vương tiến hành công cuộc cải cách đất nước về tất cả các lĩnh vực, nhất là cải cách quân sự, xây dựng được một quân đội hùng mạnh, lại có học thuyết quân sự đúng đắn, có đường lối chiến lược chiến thuật, có nguyên tắc chỉ đạo, nên quân đội nước Ngô liên tục giành được thắng lợi, từ đó làm cho nước Ngô trở nên hùng mạnh mà nhiều nước phải quy thuận thành chư hầu.
Tôn Tử. Ảnh minh họa. 
Với sự phò tá của Tôn Tử, Ngô Vương đã chinh phục nước Sở ở phía tây và chinh phục nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn ở phía nam. Phía bắc uy hiếp nước Tề, nước Tấn buộc hai nước này phải thần phục làm chư hầu. Nước Ngô trở thành nước cường thịnh nhất thời đó. Sau khi giúp nước Ngô hưng thịnh, ông xin về ở ẩn tại vùng núi Khung Long thuộc tỉnh Giang Tô.
Cuốn “Binh Pháp” với 13 thiên của ông đã tổng kết những kinh nghiệm chiến tranh thời kỳ cuối Xuân Thu Chiến Quốc (năm 770 tới năm 256 trước Công nguyên). Những cuộc chiến tranh liên miên giữa các nước thời kỳ này đã được ông so sánh, đánh giá, đúc kết và hệ thống hóa từ thực tiễn chiến trường trở thành những nguyên tắc chỉ đạo, rồi nâng lên thành học thuyết quân sự cổ Trung Quốc. Đây là bộ kinh điển quân sự lâu đời nhất, hoàn chỉnh nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử Trung Quốc và cả các nước trên thế giới. Một số người tôn sùng tới mức gọi cuốn “Tôn Tử Binh Pháp” là “Thánh kinh quân sự”. Cuốn sách này đã được dịch ra hơn 100 thứ tiếng và lưu truyền khắp thế giới, được giới quân sự các nước rất coi trọng.
Khi nền kinh tế thế giới phát triển, cuộc cạnh tranh trên thương trường khốc liệt thì cuốn “Binh Thư” này đã được giới chủ doanh nghiệp và thương nhân Trung Quốc vận dụng rất thành công, vì “Thuyết đấu tranh quân sự” có nhiều điểm tương đồng với “Văn hóa cạnh tranh trên thương trường”, như đường lối chiến lược, sách lược, tính quyết đoán, nắm bắt thời cơ, biện pháp khống chế đối phương cũng như chiếm lĩnh thị trường... Đấu tranh trên chiến trường của “Tôn Tử Binh Pháp” được vận dụng linh hoạt và hiệu quả vào đấu tranh trên thương trường ngày nay. Đây là một đặc điểm rất độc đáo của “Tôn Tử Binh Pháp”, chính vì vậy cuốn sách này được cả giới quân sự lẫn giới thương nhân các nước sùng bái.
Cuốn “Tôn Tử Binh Pháp” được ghi trong các sách cổ Trung Quốc như “Sử Ký”, “Hán Thư - Hình pháp ký”, “Tùy thư – Kinh tịch ký”, nhưng nguyên bản thì chưa tìm thấy. Tháng 4/1972, khi các nhà khảo cổ Trung Quốc tiến hành khai quật mộ Tây Hán ở núi Ngân Tước thuộc Huyện Lâm Nghi tỉnh Sơn Đông mới phát hiện thấy nguyên bản cuốn “Tôn Tử Binh Pháp” và “Tôn Tẫn Binh Pháp” được viết trên những thanh trúc chôn theo vua chúa ở dưới mộ. Thông tin này gây chấn động giới khảo cổ cũng như giới quân sự các nước. Huyện Lâm Nghi, một huyện hẻo lánh vùng núi từ trước tới nay không tên tuổi bỗng nhiên được cả nước và cả thế giới biết tới. “Tôn Tử Binh Pháp” với 13 thiên lập tức được in ấn và phổ biến rộng rãi tại Trung Quốc, đồng thời Trung Quốc cho thành lập “Viện Tôn Tử Binh Pháp”.
 Giảng dạy Tôn Tử binh pháp.
Do cuốn sách rất nổi tiếng, nên lập tức được dịch ra hơn 100 ngôn ngữ khác nhau ra mắt các nước trên thế giới và đều được dư luận hoan nghênh, đánh giá cao. Hội trưởng Hội nghiên cứu “Tôn Tử Binh Pháp” Trung Quốc - ông Diêu Hữu Trí cho biết tới nay có trên 30 Viện nghiên cứu Tôn Tử Binh Pháp trên thế giới, chủ yếu tập trung ở Nhật Bản, Mỹ, các nước Châu Âu. Học viện khoa học quân sự Nga cũng thành lập “Phân viện Tôn Tử Binh Pháp”. Cuốn sách kinh điển đã được giới nghiên cứu các nước đánh giá rất cao chẳng những về giá trị khoa học quân sự mà cả trong lĩnh vực kinh tế, buôn bán và chính trị.
Tuy nhiên, cho tới nay các nhà nghiên cứu Trung Quốc vẫn tranh luận về tác giả của cuốn “Tôn Tử Binh Pháp”. Theo sử sách Trung Quốc một số phiên bản “Tôn Tử Binh Pháp” có đôi chút khác nhau về nội dung, vì vậy những phần nào là của Tôn Tử, những phần nào là của tác giả khác biên tập thay vào?
Một số học giả cho rằng, cuốn sách cách đây hơn 2.500 năm có thể lúc đầu do Tôn Tử soạn ra, nhưng sau đó được nhiều tướng lĩnh cổ Trung Quốc áp dụng, nên có thể được nhiều chuyên gia, tướng lĩnh trước đây cùng bổ sung thêm, làm phong phú thêm “Tôn Tử Binh Pháp”, như Ngũ Tử Tư của nhà Ngô, Tôn Tẫn của nước Tề qua nhiều chiến trận cũng đúc kết thêm kinh nghiệm rồi biến thành học thuyết bổ sung vào cuốn sách này. Năm 1996, khi khai quật một số mộ cổ ở Tây An (tỉnh Thiểm Tây), các nhà khảo cổ phát hiện “Tôn Tử Binh Pháp” có tới 82 thiên.
Qua tranh luận, các nhà nghiên cứu cơ bản nhất trí rằng, “Tôn Tử Binh Pháp” nguyên bản có 13 thiên, nhưng khi các nước khác vận dụng có thể bổ sung thêm nội dung hoặc thêm một số thiên thích ứng với điều kiện của họ khi đó. Sau khi Tôn Tử qua đời hơn 100 năm có Tôn Tẫn, đây cũng là một nhà quân sự thiên tài cổ đại của Trung Quốc. Ông có thể là hậu duệ của Tôn Tử và đã bổ sung thêm làm cho “Tôn Tử Binh Pháp” hoàn chỉnh hơn, phong phú hơn.
Ngày nay, “Tôn Tử Binh Pháp” chẳng những được ứng dụng trong lĩnh vực quân sự mà người ta còn thấy “Tôn Tử Binh Pháp” vận dụng rộng rãi trong kinh tế, thương mại, quản lý và ngoại giao. Nhiều chủ doanh nghiệp và chủ xí nghiệp đã vận dụng những đường lối chiến lược, sách lược, nguyên tắc chỉ đạo, phương pháp quản lý quân đội của Tôn Tử vào quản lý, kinh doanh và cạnh tranh trên thương trường, như công tác quản trị kinh doanh, quay vòng vốn, sử dụng nguồn nhân lực, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, chiến thuật giành giật thị trường... Kết quả, họ thu được thành công lớn.
Bởi vậy, một số nước thành lập các Trường, Viện huấn luyện vận dụng “Tôn Tử Binh Pháp” vào kinh doanh và thương trường. Chương trình đào tạo cho các chủ doanh nghiệp và nhà kinh doanh hiện gồm có 12 bài cơ bản như sau:
1. Từ tầm cao chiến lược lĩnh hội tinh hoa “Tôn Tử Binh Pháp” vào thương
trường.
2. “Tôn Tử Binh Pháp” với chiến lược phát triển của xí nghiệp.
3. “Tôn Tử Binh Pháp” với quản lý nguồn nhân lực của xí nghiệp.
4. “Tôn Tử Binh Pháp” với tinh thần hợp tác phối hợp của các nghiệp đoàn.
5. “Tôn Tử Binh Pháp” với biện pháp mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.
6. “Tôn Tử Binh Pháp” với con đường dẫn tới thắng lợi của doanh nhân.
7. “Tôn Tử Binh Pháp” với biện pháp quản lý tài chính, tiền tệ.
8. “Tôn Tử Binh Pháp” với biện pháp thống lĩnh, chỉ đạo cuộc chiến thương mại.
9. “Tôn Tử Binh Pháp” với biện pháp kinh doanh từ nguồn vốn có hạn.
10. “Tôn Tử Binh Pháp” với cạnh tranh trên thương trường.
11. “Tôn Tử Binh Pháp” với quản lý, xử lý nguy cơ đối mặt với xí nghiệp.
12. “Tôn Tử Binh Pháp” với việc tạo ra thương hiệu của xí nghiệp.
Kiều Tỉnh