Nếu lăng Thiên Thọ là “ngôi nhà vĩnh cửu” đã chôn cất nhục thân của vua Gia Long, thì cửa Ngọ Môn là kiến trúc mỹ thuật đặc sắc vừa đánh thức tên tuổi của vua Minh Mạng – vì cả hai nằm trong quần thể di tích đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và trong quá khứ đều được thiết kế thi công nghiêm ngặt theo phương hướng của dịch học và phong thủy học phương Đông dưới triều Nguyễn…
Nhà địa lý Lê Duy Thanh dò tìm long mạch Huế ra sao?
Lê Duy Thanh (con trai của nhà bác học Lê Quý Đôn) là nhà nghiên cứu dịch lý và địa lý học nổi danh đầu thế kỷ 19, được vua Gia Long chỉ định tìm một cuộc đất tốt để làm chỗ xây lăng sau này cho nhà vua.
Nhận mệnh lệnh, Lê Duy Thanh phóng tầm nhìn ra xa khỏi kinh thành Huế, đi thực địa và đã 7 lần gieo quẻ, cuối cùng tìm được một vị trí tốt nhất là vùng núi Thọ Sơn có 5 triền uốn khúc như rồng cuộn từ dưới vươn lên, có 34 ngọn núi cao thấp chầu về, rải đều hai bên với 14 ngọn bên phải, 14 ngọn bên trái và 6 ngọn che chở hầu cận đằng sau.
Nghe tường trình như thế, Gia Long đích thân cưỡi voi đến tận nơi xem xét và được Lê Duy Thanh chỉ địa điểm chính thức để xây lăng mộ, Gia Long nhìn bao quát toàn cảnh, ngẫm nghĩ một lúc rồi lắc đầu, nói đây không phải nơi thích đáng mà phải tìm chỗ đất khác. Và sau đó chính nhà vua chọn cho mình một huyệt địa nằm cách đó không xa, cũng trong vùng núi Thọ Sơn, rồi cùng Lê Duy Thanh gieo quẻ. Quẻ gieo xong, nhà vua quay nhìn thẳng Lê Duy Thanh, nghiêm mặt trách, đại ý:
- Xét về long mạch và cuộc đất cát tường thuận theo cung mệnh đế vương thì nơi đây mới hợp, chẳng lẽ nào khanh không biết mà lại chọn cho trẫm một nơi không thuận hợp như trước kia. Hay là khanh đã biết mà muốn dành để cải táng hài cốt của cha ông mình vào đó?
|
Lăng vua Gia Long.
|
Bị quở trách, Lê Duy Thanh sợ hãi sụp lạy hồi lâu, Gia Long tha cho, không nói gì nữa và sai thái tử Đảm tức vua Minh Mạng sau này, bói quẻ bằng mu rùa lần nữa, để biết thêm về thế đất phong thủy trên.
Quẻ được giao Thượng thư bộ Lễ là Nguyễn Hữu Thân giải đoán với kết quả là “cuộc đất rất tốt và thuận hợp” nhất để xây lăng mộ vào ngày 22.3 âm lịch nhằm 11.5.1814 (trước khi vua Gia Long qua đời 6 năm). Khoảng 300 quân Sanh thiết và 274 nhân công thuộc đạo Thủy quân được điều động để xây lăng ở núi Thiên Thọ ấy. Chung quanh núi có nhiều ngọn đồi được mang các tên cát tường do nhà vua ban cho tương ứng với địa thế và thuật ngữ phong thủy. Trong vùng có 2 con suối chính đưa nước từ cao xuống.
Theo mô tả của học giả Cadière cách đây gần một thế kỷ thì con suối thứ nhất tập hợp các dòng nước chảy xuống phía bên trái của lăng, vòng qua trước mộ và trước điện Minh Thành rồi chảy ngược lại trước mộ Gia Long để “tiếp tục chảy cho đến chiếc hồ vuông nằm trước mộ mẹ Gia Long, chảy tiếp trước mộ tháp của người chị và như thế con suối liên kết hết các thành viên của gia tộc trước khi đổ đến Môi Khê nhập lại với con suối thứ hai. Nó được gọi là Hồ Dài”.
Con suối thứ hai có tên Trường Phong dẫn nước từ núi Nhuệ về Thiên Thọ, chảy dọc theo mộ Trường Phong thành hình vòng cung, nhập với Hồ Dài để “cả hai con suối đều không chảy thẳng trực diện đến mộ, mà lại thoải mái chảy vòng vòng tạo thành những hình cát triệu – chúng kéo đi xa những ảnh hưởng xấu có thể phương hại đến sự yên tĩnh của những người quá cố” (Đỗ Trinh Huệ dịch).
|
Thế Tổ Cao Hoàng Đế Gia Long (1729 – 1820).
|
Những điều trên cho thấy vị vua đầu triều Nguyễn không chỉ quan tâm đến vai trò địa lý, dịch học và phong thủy học trong việc tìm đất và định hướng cho các công trình kiến trúc của kinh thành Huế mà còn hết sức cẩn thận coi trọng việc xây cất lăng mộ cho mình trước khi qua đời vào ngày 3.2.1820 tại điện Trung Hòa, thọ 59 tuổi.
Ông là vị hoàng đế ứng dụng phong thủy để quyết định xây kinh thành Huế xoay mặt về hướng Đông nam, đồng thời bắt tay thực hiện nhiều công trình kiến trúc đầu tiên của đất thần kinh (kinh thành tuyệt diệu) như Thái Miếu, Triệu Miếu, Hoàng Khảo Miếu, các điện Cần Chánh, Thái Hòa, Quang Minh, Trinh Minh, Trung Hòa (Càn Thành), Hoàng Nhân (Phụng Tiên), các cung Trường Thọ (Diên Thọ), Khôn Đức (Khôn Thái) và Viện Thái y…
Nối ngôi Gia Long là vua Minh Mạng với 20 năm trị vì (1820 – 1840) đã tiếp tục hoàn chỉnh công cuộc quy hoạch, bố trí hợp lý hơn nữa khu vực Hoàng thành và Tử cấm thành, xây cung Trường Ninh (Trường Sanh), Thế Miếu, Hiển Lâm các, đúc Cửu đỉnh… Một trong các công trình do vua Minh Mạng xây được xem là tiêu biểu cho kiến trúc mỹ thuật Huế xưa và trở thành một biểu tượng của Huế là cửa Ngọ Môn.
Giải mã những “ẩn số vàng”
Trước ngày xây Ngọ Môn, vua Minh Mạng hỏi Bang tá bộ Công là Nguyễn Trung Mậu về việc chọn hướng. Nguyễn Trung Mậu tâu các kinh đô của bậc vua chúa từ xưa đều phải hướng đến phía Tây bắc – Đông nam (và Đông bắc – bắc và Tây nam – nam).
Các học giả phương Tây khi đề cập nội dung liên quan đã dẫn chứng bản đồ của Ban địa lý đầu thế kỷ 20 tỷ lệ 1/25.000 để chứng minh các điện chính của kinh thành Huế đều có trục hướng về một trong các đường Càn – Tốn, chếch gần hướng Tây bắc – Đông Nam, là một trong các hướng thích hợp theo truyền thống dịch lý học và phong thủy học phương Đông. Ngoài ra, việc chọn ngày khởi công cũng rất kỹ lưỡng. Theo sử sách triều Nguyễn ghi lại , ngày bắt đầu xây cất cửa Ngọ Môn nhằm 9/3/1833.
|
Lăng vua Minh Mạng.
|
Đây không phải là một cửa ra vào thông thường, mà được sử dụng như một lễ đài uy nghiêm vào bậc nhất triều Nguyễn, mang tổng thể kiến trúc mỹ thuật có thể chia làm hai phần. Phần trên với lầu Ngũ Phụng là nơi đọc tên các tiến sĩ đỗ đạt thời trước, nơi diễn ra các đại lễ thường niên, nơi triều đình ban lịch vào mỗi năm mới, nơi nhà vua hiện diện trong các cuộc duyệt binh và chính nơi đây cựu hoàng Bảo Đại đọc chiếu thoái vị tại lễ trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng vào tháng 8/1945.
Phần dưới được xây trên một nền đài vững chắc, cao gần 5m, bằng đá Thanh và gạch vồ, đáy dài gần 58m và rộng hơn 27m. Đến nay điều nhiều người vẫn muốn biết: hai chữ “Ngọ Môn” nghĩa là gì? Có giải thích cho chữ “Ngọ” nhằm chỉ lúc mặt trời đứng bóng giữa trưa (thời gian). Nhưng nhà nghiên cứu Phan Thuận An bác bỏ ý đó, để cho rằng hai chữ “Ngọ Môn” mang nội hàm khác về phương hướng (không gian), vì khi xây kinh thành Huế các nhà kiến trúc thời Nguyễn đã đặt hệ thống thành quách cũng như cung điện ở vị thế “tọa càn hướng tốn” (Tây bắc – Đông nam), hướng này cũng như hướng bắc – nam.
Chân dung vua Minh Mạng in trong cuốn sách của John Crawfurd (1783-1868), xuất bản tại Luân Đôn 1828
Từ đó “đối với ngai vàng trong điện Thái Hòa được xem như vị trí trung tâm của mặt bằng tổng thể, Ngọ Môn nằm ở phía nam của nó – căn cứ trên la kinh (la bàn) của khoa địa lý phong thủy Đông phương, phía nam thuộc hướng “ngọ” nên trục “tý – ngọ” (nghĩa là bắc – nam – do đó cái cổng mới xây ở mặt trước Hoàng thành được đặt tên là Ngọ Môn”.
Đồng thời Phan Thuận An nêu ra những con số liên quan đến kiến trúc Ngọ Môn đã được các kiến trúc sư và các nhà dịch học, phong thủy học triều Nguyễn ứng dụng, tiêu biểu như con số 5 tượng trưng cho Ngũ hành hiện diện ở đây qua 5 lối đi gồm: một cửa dành cho vua đi ở giữa, hai cửa hai bên dành cho các quan văn võ, hai cửa tả dịch môn và hữu dịch môn dành cho binh lính với ngựa voi theo hầu.
Con số 9 ở hào Cửu ngũ ở Kinh dịch thể hiện ở 9 nóc lầu Ngũ Phụng. Con số 100 thể hiện ở 100 cây cột nhà ứng với số cộng của Hà đồ và Lạc thư: “Số của Hà đồ là 55 (do các số từ 1 đến 10 cộng lại: 1+2+3+4+5+6+ 7+8+9+10); số của Lạc thư là 45 (do các số từ 1 đến 9 cộng lại: 1+2+3+4+5+6+7+8+9). Như vậy, số thành của Hà đồ và Lạc thư cộng lại (55+45) là 100. Và nói đến Dịch học là phải nói đến âm dương, vì “Nhất âm nhất dương chi vị Đạo”. Số dương của Hà đồ là 25 (do các số lẻ từ 1 đến 10 cộng lại: 1+3+5+7+9); số âm của Hà đồ là 30 (do các số chẵn từ 1 đến 10 cộng lại: 2+4+6+8+10). Và, số dương của Lạc thư là 25 (do các số lẻ từ 1 đến 9 cộng lại: 1+3+5+7+9); số âm của Lạc thư là 20 (do các số chẵn từ 1 đến 9 cộng lại: 2+4+6+8 ). Hai số dương của Hà đồ và Lạc thư cộng lại là 50 (tức là 25+25); hai số âm cộng lại cũng là 50 (tức là 30+20). Thành ra âm và dương của Dịch là bằng nhau, đều 50. Nghĩa là: (25+25) + (20+30) = 100”. Trên thực địa, nếu dùng đường trục chính của Hoàng thành là Dũng đạo để chia mặt bằng lầu Ngũ Phụng ra làm hai phần thì chúng ta thấy mỗi bên có 50 cột đối xứng nhau.
Đạo Âm dương Ngũ hành của nền triết học Đông phương đã biểu hiện thật cụ thể trên kiến trúc Ngọ Môn. Cho hay, trong các công trình kiến trúc cổ của ta, người xưa đã gửi gắm nhiều ẩn số, ẩn ngữ, ẩn ý rất sâu xa. Ngọ môn xứng đáng được liệt vào hàng những công trình kiến trúc nghệ thuật xuất sắc nhất của triều Nguyễn nói riêng và của nền kiến trúc cổ Việt Nam nói chung” (Quần thể di tích Huế, NXB Trẻ 2007).
Nhiều năm trước ngày xây Ngọ Môn rất lâu, vào 1826, vua Minh Mạng đã nghĩ đến cái chết của mình nên triệu tập những thầy địa lý cùng các quan giỏi về phong thủy học đương thời để tỏa ra đi coi đất tìm nơi xây lăng thích hợp cho mình.
Nhưng mãi đến 14 năm sau, khi Ngọ Môn đã tượng hình, vị quan giỏi về dịch lý phong thủy là Lê Văn Đức mới tìm ra được cuộc đất cát tường vào tháng 4.1840 và trình lên. Vua Minh Mạng đích thân đến xem cuộc đất ấy ở vùng núi Cẩm Kê (Hiếu Sơn) rất vừa ý nên đã thăng cho thầy Lê Văn Đức lên hai cấp và sai các đại thần Trương Đăng Quế và Bùi Công Huyên tiến hành khảo sát địa thế, vẽ sơ đồ chi tiết về sơn thủy, đo đạc đất đai để huy động hơn 3.000 thợ thầy xây vòng đai của lăng mộ vào mùa thu 1840.
Công việc đang tiến hành hợp với quy củ của tiến trình kiết giới và an bình địa cuộc thì vua Minh Mạng qua đời ngày 20.1.1841 giữa tuổi 50, để lại tất cả thân quyến với hoàng hậu, các phi tần mỹ nữ và 142 người con chính thức gồm 78 hoàng tử và 64 nàng công chúa…
Theo Tạp chí Duyên dáng Việt Nam