Đòn đánh phủ đầu khiến quân Tống choáng váng

Google News

(Kiến Thức) - Trong nhiều thắng lợi trước giặc phương Bắc của tiền nhân, chiến thắng của Lý Thường Kiệt có nét đặc sắc riêng biệt với tư tưởng đánh đòn phủ đầu.

Trị loạn từ lúc còn manh nha
Khoảng đầu những năm 1070, triều đình nhà Tống quyết định xâm lược nước ta. Mục đích của việc phát động chiến tranh nhằm giải quyết mối nguy cơ về đối nội và đối ngoại. Tống Thần Tông và Tể tướng Vương An Thạch chủ trương “nếu đánh thắng thì thế Tống sẽ tăng, các nước Liêu, Hạ sẽ phải kiêng nể”.
Do vậy nhà Tống chuẩn bị chiến tranh rất chu đáo. Vua Tống lập ra “An Nam chiêu thảo sứ” với Quách Quỳ làm Chánh tướng, Triệu Tiết làm Phó tướng. 10 vạn quân, 1 vạn ngựa và 20 vạn dân phu được tập trung để chuẩn bị phát động chiến tranh. Quân đội và lương thảo chuẩn bị cho chiến tranh được tập trung ở các căn cứ Ung, Khâm, Liêm gần biên giới nước ta.
Những hành động của vua quan nhà Tống đã được các thám báo của ta tức tối báo về triều đình. Trong triều lúc này Lý Thường Kiệt làm Thái úy nắm quân đội. Ông chủ trương “Ngồi im đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn thế mạnh của giặc”. Vua Lý Nhân Tông chuẩn y cho Thường Kiệt và Tông Đản đem 10 vạn quân sang đánh phá châu Ung, Khâm, Liêm bên đất Tống.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vương An Thạch nhà Tống cầm quyền, tâu với vua Tống rằng nước ta bị Chiêm Thành đánh phá, quân còn sót lại không đầy vạn người có thể dùng kế chiếm lấy được. Vua Tống sai Thẩm Khởi và Lưu Di làm Tri châu Quế Châu ngầm dấy binh người Man động, đóng thuyền bè, tập thủy chiến, cấm các châu huyện không được mua bán với nước ta.
Vua biết tin sai Lý Thường Kiệt, Tông Đản đem hơn 10 vạn binh đi đánh. Quân thủy, quân bộ đều tiến. Thường Kiệt đánh các châu Khâm, Liêm; Đản vây châu Ung. Đô giám Quảng Tây là Trương Thủ Tiết đem quân đến cứu bị Thường Kiệt đón đánh ở cửa ải Côn Lôn (nay là phủ Nam Ninh tỉnh Quảng Tây) phá tan được, chém Thủ Tiết tại trận. Tri châu Ung châu cố thủ không hàng.
 Quân nhà Lý tấn công sang đất Tống. Ảnh chụp từ sách "Kể chuyện lịch sử Việt Nam bằng tranh".
Quân ta đánh đến hơn 40 ngày, chồng bao đất trèo lên thành mới hạ được… Bọn Thường Kiệt bắt sống dân 3 châu ấy đem về”.
Các nguồn tư liệu khác cho biết thêm là khi mang quân vào đất Tống, Lý Thường Kiệt cho treo bảng cáo thị nêu rõ lý do xuất quân là để triệt tiêu những cơ sở chiến tranh của triều Tống chứ không quấy phá dân lành nên tranh thủ được ít nhiều sự ủng hộ của dân Tống.
Quân Lý cũng thực hành triệt phá các cơ sở cầu cống, kho tàng lương thảo, vũ khí mà nhà Tống đã tích trữ ở 3 châu kể trên. Mục đích của việc này nhằm phá hoại một phần tiềm lực chiến tranh của nhà Tống để bẻ gãy mũi nhọn của địch.
Nhờ thành công của chiến dịch này, quân Tống đã phải vất vả chuẩn bị thêm 1 năm nữa mới mang quân sang đánh Đại Việt được. Trong 1 năm đó, nhà Lý đã tranh thủ thời gian để củng cố lực lượng về mọi mặt và xây dựng phòng tuyến vững chắc ở sông Như Nguyệt.
Nắm thế chủ động hoàn toàn
Cùng với việc chuẩn bị, Lý Thường Kiệt cũng rất chú trọng sử dụng thám báo trên đất Tống. Sách Những trận đánh hay trong lịch sử dân tộc của Nxb QĐND cho biết: “Lý Thường Kiệt đặc biệt chú trọng tổ chức thám báo trên đất Tống. Ông đã dùng nhiều cách trinh sát như: lấy dân thuyền chài đi sang đất Tống sống lẫn với dân Tống, giả làm nhà sư, lái buôn… để vào sâu trong nội địa nước Tống do thám tình hình. Do công tác trinh sát của ta tổ chức tốt nên nhiều thám tử của ta đã hoạt động mạnh khiến triều đình nhà Tống phải lo ngại.
Tháng 4/1076, Tống triều chỉ thị cho các lộ ven biển Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến: “Khi mộ quân, phải đề phòng bọn gian trà trộn vào”. Tháng sau đó lại có nhắc nhở: “Nghe tin Giao Chỉ cho nhiều kẻ gian tới do thám vùng Lưỡng Quảng. Vậy các chỉ huy, các tướng lĩnh phải coi chừng, chớ để nó dò biết được phép công, thủ, tiến thoái của ta”.
 Quách Quỳ và các tùy tướng rầu rĩ trong thế tiến thoái lưỡng nan ở phòng tuyến Như Nguyệt. Ảnh chụp từ sách "Kể chuyện lịch sử Việt Nam bằng tranh".
Cũng nhờ có thám báo, nhà Lý biết được âm mưu của nhà Tống định liên kết với Chiêm Thành để cùng đánh ta. Vẫn với tư tưởng đánh đòn phủ đầu, Lý Thường Kiệt lại đem quân vào đánh Chiêm Thành ở châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh.
Đại Việt sử ký toàn thư chép việc này ngắn gọn: “Mùa thu, tháng 8, sai Lý Thường Kiệt tổng lĩnh các quân đi đánh Chiêm Thành, không thắng được. Thường Kiệt bèn họa địa đồ hình thế núi sông của ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh rồi về. Đổi châu Địa Lý làm châu Lâm Bình, châu Ma Linh làm châu Minh Linh, và chiêu mộ dân chúng đến đấy ở”.
Như vậy trước khi bước vào trận đấu chính với quân Tống, quân đội nhà Lý dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt đã thực hiện hai đòn phủ đầu vào quân Tống và quân Chiêm Thành. Đánh vào 3 châu Ung, Khâm, Liêm là 3 nơi tích trữ lương thảo quân trang quân dụng của nhà Tống nhằm phá thế mạnh của địch còn đánh Chiêm Thành là để cảnh báo cho Chiêm Thành biết ta đã có chuẩn bị buộc họ phải xem xét lại việc liên kết với Tống đánh ta. Thực tế trong cuộc kháng chiến chống Tống sau đó, quân Chiêm Thành đã không dám xuất binh liên thủ với Tống vì biết ta đã có đề phòng.
Cuộc kháng chiến diễn ra sau đó đã được nhiều sử sách đề cập tới. Quách Quỳ bị chặn đứng ở phòng tuyến Như Nguyệt, tiến không được lùi không xong mà quân thì thiếu lương ăn và bị chết vì dịch bệnh, và bị các toán quân Đại Việt tiêu hao, tình thế ngày càng khốn đốn.
Nắm bắt cơ hội, Lý Thường Kiệt sai sứ giả sang thuyết khách để giảng hòa. Hết cách Quách Quỳ đành nhận lời giảng hòa để rút lui.
Như vậy cuộc kháng chiến chống Tống năm 1076-1077 nổi bật lên tư tưởng chiến lược chủ động của Lý Thường Kiệt. Ông chủ động đánh phủ đầu, chủ động lập phòng tuyến và khi thấy có cơ hội để kết thúc chiến tranh lại chủ động đề nghị giảng hòa. Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, duy nhất lần này quân nước ta chủ động đánh trước khi phát hiện đối phương có âm mưu xâm lược ta và đòn đánh phủ đầu này đã khiến địch quân choáng váng.
Khánh Nam

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Lê Tiến Dũng -

Xem lại chính tả
"..Những hành động của vua quan nhà Tống đã được các thám báo của ta tức tối báo về triều đình..." ...> Xem lại chính tả, từ ngữ đoạn này.. Sao lại là "tức tối báo về triều đình? Chắc định dùng từ "tức tốc"? Ý nghĩa 2 từ khác hẳn nhau đấy!

Hiển thị thêm bình luận