Tết Nguyên Đán là lễ lớn nhất trong năm, một trong những phong tục phổ biến đến tận ngày nay là tục đi chúc Tết. Vậy vào thời xưa, đối với bậc đế vương đứng đầu thiên hạ, chuyện chúc Tết được các quần thần thực hiện như thế nào và hoàng đế sẽ ban ơn huệ gì cho bề tôi của mình nhân dịp năm mới?
Lễ quần thần chúc Tết hoàng đế
Một nhà buôn tên là Samuen Baron (cha là người Hà Lan, mẹ người Việt), trong cuốn “A Description of the King dom of Tonqueen” (Mô tả Vương quốc Ðàng Ngoài) của mình viết năm 1685, ông đã miêu tả những nét cơ bản của phong tục Tết mà ông được thấy tại Kẻ Chợ (Thăng Long) lúc bấy giờ, trong đó có nhắc đến chuyện các quan đi chúc Tết vua .
Theo Samuen Baron cho biết, dân gian có tục kiêng xuất hành ngày mồng một, trừ các đại thần vào triều chúc Tết vua: “Mồng một Tết, nói chung không ai ra khỏi nhà. Người ta kiêng xuất hành, sợ gặp vía dữ, trừ các quan liêu, phải bắt buộc đến lạy mừng Tết ở cung vua, phủ chúa”. Như vậy, theo ghi chép này thì lễ quần thần vào hoàng cung chúc Tết vua được thực hiện vào ngày đầu tiên của năm mới.
|
Nghi lễ trước sân rồng. Tranh minh họa.
|
Theo sách Lê triều hội điển và Lịch triều hiến chương loại chí thì sáng sớm ngày mồng một Tết, “Tiết chế phủ vâng lệnh chỉ của chúa đưa các vị đại thần hàng công, hầu, bá và bách quan văn võ, đầy đủ phẩm phục vào triều chúc mừng”. Lễ này được tổ chức tại điện Kính Thiên với những nghi thức long trọng, hoàng đế được rước ngự trên ngai vàng, các quan chia làm hai ban đứng hầu bên sân rồng. Quan tuyên biểu dâng biểu của chúa, của quan lại trong triều và quan chức các xứ, các đạo trong cả nước chúc như sau: “Nay gặp tiết chính Nguyên đán, chúng thần kính nghĩ rằng hoàng đế bệ hạ vâng chịu mệnh trời, sáng cầm nghiệp lớn, gặp ngày chính đán, thêm hưởng phúc lành, chúng thần khôn xiết hân hoan kính chúc Hoàng thượng sống lâu muôn năm”. Xong đến lượt quan truyền chế đọc chế mừng của vua dành cho quan lại, thần liêu. Các quan dưới sân nghe xong cảm ơn, lạy tạ 4 lần tung hô “vạn tuế”.
Khi nghi thức trên tại triều đình kết thúc, vua được rước về cung, còn các quan lui ra theo thứ tự đến phủ Chúa để lạy mừng chúc Tết.
Lệ vua ban thưởng tiền Tết và đãi yến tiệc
Sau lễ nhận những lời chúc của các bề tôi, trong dịp Tết, nhà vua sẽ ban phát ân huệ cho quần thần tùy theo thứ bậc khác nhau có thể là trang phục, vải vóc nhưng chủ yếu là ban tiền. Thời Lê Trung Hưng, tại vương phủ, chúa cũng có lệ ban tiền thưởng tết cho các quan.
Cùng với việc thưởng tiền là lễ đãi yến, không có quy định cụ thể yến tiệc tổ chức vào ngày nhất định và kéo dài bao lâu, tùy năm mà có sự khác nhau, như Tết năm Ất Mão (1435) vua Lê Thái Tông “ban yến trong 5 ngày cho các quan văn võ trong ngoài, phát tiền cho các quan làm việc ở ngoài theo thứ bậc” (Đại Việt sử ký toàn thư). Hay như Lê Nhân Tông, vào năm “Bính Tý (1456). Mùa xuân, tháng Giêng, ngày mùng Ba, ban đại yến cho các quan” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
Về sau vào thời Lê Trung Hưng, những lệ này được quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Trong sách Lê triều hội điển cho biết ngày đầu tiên của năm mới, tức ngày mồng 1 Tết, có lệ vua ban tiền thưởng và tổ chức yến tiệc thiết đãi quần thần, việc lo cỗ yến này do một cơ quan thuộc bộ Lại là Lại phiên thực hiện việc xuất tiền để bên Lễ phiên (thuộc bộ Lễ) thi hành sự vụ. Theo quy định, các quan ở Lại phiên “vâng lĩnh 500 quan tiền ban cho các quan văn võ và chuyển đến Lễ phiên để làm cỗ yến”.
Về việc ban tiền, tùy chức trách, thứ bậc mà tiền thưởng khác nhau, như ở Binh phiên thì quan “nhất phẩm được 5 quan tiền quý, nhị phẩm được 4 quan, tam phẩm được 3 quan, tứ phẩm được 2 quan; lục, thất phẩm được 1 quan rưỡi; bát, cửu phẩm và quan văn võ Phó tri, Thiêm tri, Câu kê được 1 quan”. Những người chưa có chức phẩm hoặc có chức phẩm nhưng được giữ chức Quản binh, rồi các thành phần khác trở xuống như đội trưởng, chánh đội, vệ sĩ,… trở xuống được từ 6 mạch tiền quý đến 1 mạch tiền quý (Theo Lê triều hội điển).
Lê Thái Dũng