Một trong những hoàng đế ở ngôi trong thời gian ngắn nhất, phải kể đến Lê Trung Tông, vị vua thứ 2 của nhà Tiền Lê. Vì thời gian cầm quyền quá ngắn ngủi nên những thông tin về hoàng đế này gần như không có, nếu có cũng chỉ là vài dòng ghi chép sơ lược nên người đời ít ai hay về một số điểm lý thú về vị vua bạc mệnh này.
Việc làm duy nhất của vua Lê Trung Tông
Trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam có hai vị vua đều mang miếu hiệu là Lê Trung Tông, một người là vua thứ hai của triều Tiền Lê và một người là vua thứ hai của triều Lê Trung Hưng.
Về vua Lê Trung Tông của nhà Tiền Lê, ông tên thật là Lê Long Việt, sinh năm Qúy Mùi (983) tại kinh đô Hoa Lư, con trai thứ ba của Lê Đại Hành. Ông vốn có tước hiệu là Nam Phong vương, là người khoan hòa, hiền lành, được vua cha lập làm Thái tử tháng giêng năm Giáp Thìn (1004) khi người anh cả của ông là Thái tử Long Thâu bị bệnh mất.
|
Tuyên chiếu lên ngôi. Tranh minh họa.
|
Năm Ất Tị (1005), Lê Đại Hành mất để lại di chiếu cho Long Việt lên nối ngôi, nhưng các hoàng tử khác đem quân tranh ngôi với ông, các bên đánh nhau 8 tháng, trong nước không có chủ. Tranh chấp chính xảy ra giữa thái tử Long Việt và hoàng tử thứ hai là Đông Thành vương Long Tích (còn gọi là Ngân Tích), hoàng tử thứ 9 là Trung Quốc vương Long Kính và người em trai cùng mẹ là hoàng tử thứ 4 Khai Minh vương Long Đĩnh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Sau khi Đại Hành Hoàng Đế băng hà, vua (Trung Tông) cùng hai vương Đông Thành, Trung Quốc và em cùng mẹ là Khai Minh vương tranh nhau lên ngôi, giằng co 8 tháng, trong nước không có chủ. Mùa đông, tháng 10, Đông Thành Vương (Long Ngân) thua chạy vào đất Cử Long. Vua đuổi bắt, lại chạy sang Chiêm Thành, chưa đến nơi thì bị người châu Thạch Hà giết ở cửa biển Cơ La. Khi ấy, người nước cũng quy phụ Ngự Bắc Vương ở trại Phù Lan. Vua lên ngôi được 3 ngày thì bị Long Đĩnh giết. Bầy tôi đều chạy trốn, duy có Điện tiền quân là Lý Công Uẩn ôm xác mà khóc. Long Đĩnh lên ngôi, truy đặt thụy cho vua là Trung Tông Hoàng Đế”.
Vì ở ngôi trong thời gian rất ngắn nên Lê Trung Tông hầu như chưa kịp làm một việc gì trong cương vị một hoàng đế, thậm chí cả niên hiệu của mình cũng chưa kịp đặt. Tuy nhiên theo Ngọc phả các hoàng đế Tiền Lê được bộ Lễ thời Hậu Lê biên soạn thì Lê Trung Tông làm được một việc duy nhất đó là truy phong cho vua cha, lệnh cho dân lập đền thờ phụng.
Ngọc phả viết: “Vua chỉ kịp làm một việc: truy phong cha là Đại Hành hoàng đế, sắc chỉ xuống khắp mười đạo, cho dân lập đền thờ Lê Đại Hành. Bấy giờ nhân dân Bảo Thái cũng đến kinh thành Hoa Lư, rước sắc về dựng đền, ghi thần hiệu để thờ cúng. Trung Tông làm vua chỉ được mấy ngày, thọ hai mươi ba tuổi, vì bị em là Lê Long Đĩnh giết để tự làm vua”.
Vị vua mang hai dòng máu Việt – Chiêm
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, Lê Trung Tông và Lê Ngọa Triều là anh em cùng một mẹ sinh ra, bà là Chi hậu Diệu Nữ. Đây là một điều rất lạ vì khi nhắc đến thân mẫu của các vị vua, sử sách thường chép họ và thân thế, nhưng ở đây lại không cho biết họ, xuất thân mà chỉ viết kèm theo tên một chức vụ trong nội cung là Chi hậu và tên bà có thể là Diệu.
Vua Lê Đại Hành có 5 hoàng hậu là Đại Thắng Minh Hoàng Hậu (Dương Vân Nga), Phụng Càn Chí Lý Hoàng hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng hậu, Trịnh Quốc Hoàng hậu và Phạm Hoàng hậu; ngoài các hoàng hậu nói trên, vua còn có nhiều phi tần khác và bà Diệu Nữ là một người trong số đó. Tuy ở hàng thấp trong nội cung nhưng chắc chắn bà là người được Lê Đại Hành sủng ái, yêu mến nhiều nhất vì bà có với vua hai người con trai là Lê Long Việt (Lê Trung Tông) và Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa Triều), đó không phải là chuyện dễ dàng và ngẫu nhiên. Điều đáng quan tâm là xuất thân của bà phi tần này, trong sách Việt sử lược chép bà là “sơ hầu di nữ” (con gái người hầu gái người Di), còn sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chú thích rằng bà là con gái quan Chi hậu, tên là Diệu, không rõ họ gì.
Có quan điểm cho rằng, bà Diệu Nữ là người Chiêm, bà sinh hoàng tử Lê Long Việt năm Quý Mùi (983) sau khi Lê Đại Hành ở ngôi được ba năm và sau khi vua chinh phạt Chiêm Thành trở về với chiến công được sử sách mô tả như sau: “Chiêm Thành thua to, bắt sống quân sĩ không biết bao nhiêu mà kể; bắt được kỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn” (Đại Việt sử ký toàn thư). Nếu đúng bà Diệu Nữ là một cung nữ bị bắt về nạp vào trong cung từ năm Nhâm Ngọ (982) thì có thể nói hai vua Lê Trung Tông và Lê Ngọa Triều mang trong mình một nửa dòng máu Chiêm Thành và có lẽ đây là nguyên nhân dẫn đến những xáo trộn trong cung đình nhà Tiền Lê. Sau khi Lê Đại Hành mất, con ông là Long Việt, Long Đĩnh thay nhau làm vua, mẹ của họ được truy tôn hiệu là Hưng Quốc quảng thánh Hoàng thái hậu.
Bấy giờ, liệu quần thần nước Đại Cồ Việt với quan điểm về chủng tộc có thể chấp nhận hoàng đế của mình mang một nửa dòng máu của “người Man Di” và để yên cho một vị mẫu nghi thiên hạ là một phụ nữ Chiêm Thành hay không? Có phải người phụ nữ mang tên Hầu di nữ hay Diệu Nữ là một trong những người phụ nữ Chiêm Thành mà Lê Đại Hành đưa về sau cuộc chinh phạt phương Nam hay không? Có phải cái chết của Lê Trung Tông và Lê Ngọa Triều có nguyên nhân sâu xa từ xuất thân của mẹ hai vị vua này? Tất cả đều là những câu hỏi khó có câu trả lời. Một điều cũng nên biết, đó là sau khi Lê Ngọa Triều băng hà, con còn nhỏ, triều đình ngả theo ý kiến của một số người có ảnh hưởng như Thiền sư Vạn Hạnh, Chi hậu Đào Cam Mộc, Hữu Điện Tiền Chỉ huy sứ Nguyễn Đê... thì chính bà Thái hậu này cũng khuyên Lý Công Uẩn lên ngôi; lời nói của bà hiển nhiên là cũng có trọng lượng trong buổi giao trời giữa hai vương triều.
Điềm báo bi thảm từ trong giấc mộng của người mẹ
Lê Long Đĩnh giết anh, cướp ngôi, xưng là Khai Thiên Ứng Vận Thánh Vân Thấn Vũ Tắc Thiên Sùng Đạo Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng Đế. Trong 4 năm ở ngôi, tuy có một số việc làm có ích lợi như khai sông lập cảng, mở rộng buôn bán, trấn áp phản loạn,… nhưng Lê Long Đĩnh lại bị coi là bạo chúa, do “làm việc càn rỡ, giết vua cướp ngôi, thích dâm đãng, tàn bạo” (Đại Việt sử ký toàn thư), sử chép về ông với biệt danh là Ngọa Triều.
|
Lưỡng long tranh châu. Tranh minh họa.
|
Tương truyền sự việc đau lòng về chuyện vì ngôi báu mà anh em chém giết lẫn nhau, dường như đã có điềm báo trước trong giấc mơ của thân mẫu hai vua Trung Tông, Ngọa Triều.
Theo dã sử, mẹ của hai vua sau một lần đi cầu tự, lúc trở về cung nằm mơ thấy hai con rồng từ trên trời bay xuống hóa thành hai đứa bé trai tranh nhau mặt trời, một đứa nói: “Ta là anh, sao dám tranh giành với ta?”, đứa bé kia ngần ngừ một lát rồi trao trả mặt trời sau đó quay đi, nhưng suy nghĩ một lát nó chạy lại cầm dao đâm anh gục xuống mà nói: “Mặt trời là của báu của thiên hạ, anh thì anh ta cứ giành cho được”, sau đó cướp lấy mặt trời chạy đi.
Bà Diệu Nữ giật mình tỉnh giấc, lòng lo lắng bất an. Ít lâu sau bà có mang, đến năm Quý Mùi (983) sinh một người con trai, nhớ lại giấc mơ rồng giáng hạ mới đặt tên con là Long Việt; năm Bính Tuất (986) sinh thêm một người con trai nữa đặt tên là Lê Long Đĩnh. Hai người con sau này đều làm vua, đó chính là Lê Trung Tông và Lê Ngọa Triều, và bi kịch em giết anh cướp ngôi đã diễn ra đúng như trong giấc mộng năm xưa của người mẹ.
(Còn nữa...)
Lê Thái Dũng