Trước khi chết không lâu, Tôn Quyền vì muốn đoạt lấy Kinh Châu, giết Quan Vũ, trở mặt với nhà Thục nên phải lấy lòng Tào Tháo, ông liền xúi Tào Tháo sớm lên ngôi, nhưng Tào Tháo biết rõ Tôn Quyền chỉ muốn ông tự nằm lên lò nướng. Tào Tháo cả đời không dám “chấm mút xà xẻo” hai chữ hoàng đế.
|
Tạo hình Tào Tháo. Ảnh: qulishi. |
Thực chất, không phải Tào Tháo không muốn lên làm hoàng đế, chỉ là không dám giẫm lên vết xe đổ của kẻ đi trước mà thôi.
Hán Hiến Đế Lưu Triệt lúc đầu bị Đổng Trác tiếm quyền, sau lại bị Tào Tháo thao túng, suốt đời phải cam chịu làm ông vua bù nhìn, Lưu Triệt yếu bóng vía đến nỗi trông thấy Đổng – Tào đều run như cầy sấy.
Nhưng rõ ràng, nếu Lưu Triệt không có Đổng Trác đã không thể làm hoàng đế, không có Tào Tháo, chưa biết chừng đã bị bọn Lý Thôi và Quách Dĩ kết liễu từ lâu. Muốn ngồi vững trên ngai vàng, ắt phải trao quyền lực cho kẻ có thể đưa mình lên ngôi, cam phận làm con rối của Đổng Trác và tù binh cao cấp của Tào Tháo.
Đương nhiên Hán Hiến Đế muốn có được quyền lực cao nhất, cũng chính là tham vọng và cám dỗ lớn nhất, nhưng bọn người “trông coi” chính quyền cũ, trước có Đổng Thừa, Vương Tử Phục, Phục Hoàn, Mục Thuận, sau có đám lưu manh gây bạo loạn ở Hứa Đô là Cảnh Kỷ, Vi Hoảng, chúng thậm chí còn muốn lật đổ sự kìm kẹp của Tào Tháo hơn cả nhà vua. Vì vua trở thành tù binh cao cấp, còn được hưởng chế độ đãi ngộ tốt, còn những kẻ hạng dưới được lợi ở chính quyền cũ thì từ lâu chỉ muốn giành lại đất nước đã mất, một lòng muốn phục quốc, thậm chí muốn làm hoàng đế, điều này chẳng cần nói cũng rõ mười mươi.
Cho nên, không chỉ có mình Tào Tháo nhăm nhe, mà khối kẻ đang ngấp nghé quyền lực 'chí cao vô thượng' này và đương nhiên kẻ nào cũng sẽ liều mạng vì nó.
Vì vậy, trong lòng Tào đầy những mâu thuẫn, thấy nuốt không nổi mà chẳng chịu nôn ra.
Cho dù Hán Hiến Đế chắp tay xin nhường ngai báu, ông ta cũng quyết không xưng đế, đây chính là phương châm đã định từ mấy chục năm từ khi ông khởi binh diệt quân Khăn Vàng cho đến nay.
Người đời sau nói Tào Tháo là một kẻ gian hùng, hành vi gian trá nhất của ông chính là không chiếm đoạt ngôi vị hoàng đế, nhưng lại nắm quyền của một hoàng đế, ông được tiếng lẫn miếng.
Tào Tháo có thể phế hoàng đế lên làm vua ngay từ khi ông đưa quân từ Sơn Đông vào Lạc Dương.
Nhưng Tào Tháo cả đời không xưng đế, chính là nhờ có tấm gương tày liếp là Đổng Trác. Ông biết rõ, cuối thời nhà Hán thiên hạ đại loạn, quần hùng nổi dậy như ong, kìm kẹp thiên tử ra lệnh cho chư hầu còn danh chính ngôn thuận hơn là xưng đế mà đem quân đi thảo phạt bầy ong.
|
Tào Tháo - một chính trị gia mưu cao kế sâu, giỏi kìm nén tham vọng,
tỉnh táo cho đến cuối đời. |
Nếu ông ta phế đế soán ngôi, thứ nhất, các chư hầu sẽ bắt tay nhau chống lại ông; thứ hai, cho dù có thể dùng vũ lực tiêu diệt từng thế lực cát cứ ở địa phương, nhưng, ông không thể khiến tất cả giới quý tộc ngoan ngoãn nghe lời. Bọn họ sẽ làm được cái lò nướng để quay thơm ông nếu ông ham hố ngai vàng một cách mù quáng, đây cũng chính là mưu cao kế sâu của một nhà chính trị gia như ông. Một khi ông đăng cơ, những người này sẽ chĩa giáo vào ông ta ngay lập tức. Cho dù ông ta có giết được nhiều nhân vật máu mặt trong đám người đó, nhưng không thể coi thường cả một tầng lớp.
Sự thật thì không phải ông chưa từng “có đam mê” làm hoàng đế, nhưng ngay cả mưu sĩ hàng đầu rất đỗi trung thành của mình là Tuân Úc cũng tỏ thái độ phản đối việc ông định xưng đế, thì ông chỉ biết kìm nén lại cái tham vọng của mình.
Việc ông tỉnh táo đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời, quả thực không phải chuyện dễ dàng.
Khi con trai ông là Tào Phi lên thay cha nắm quyền tình thế khác hẳn, so với việc xưng thần phò chủ, chẳng thà soán ngôi tự làm vua. Trước tình hình khách quan lúc đó, phần lớn đám chư hầu đều đã ngoan ngoãn phục tùng họ Tào, bọn quý tộc về cơ bản cũng đều quy phục, cơ cấu quân thần cũ kỹ kia chỉ còn là hình thức, kéo dài thêm cái ngai vị hữu danh vô thực của nhà Hán đã chẳng còn ý nghĩa gì nữa, cho nên hất cẳng vua Hán xuống khỏi ngai vàng cũng là điều tất yếu của lịch sử.
Nếu không có sự gây dựng của Tào Tháo trong suốt mấy chục năm, thay mới phần lớn đám người phụng sự nhà Hán thành đám người phụng sự nhà Ngụy, thì Tào Phi không thể ngồi lên ngai vị hoàng đế, không thể hoàn thành giấc mơ mà suốt cả cuộc đời cha mình chưa làm được.
Vì vậy, với những kẻ muốn chiếm lấy quyền lực, nếu có được một phần sự tỉnh táo của Tào Tháo thì chắc không đến nỗi gặp phải trắc trở gì.