Con trai vua Trần Thái Tông làm quan cho nhà Nguyên?

Google News

 
(Kiến Thức) - Trong khi vua tôi nhà Trần đồng tâm hiệp lực cùng toàn dân chống quân Nguyên Mông thì một hoàng tử của Trần Thái Tông sang tận Trung Quốc làm quan cho Hốt Tất Liệt.

Trong niềm kiêu hãnh về hào khí Đông A thể hiện ở chiến thắng trước quân xâm lược Nguyên Mông, vương triều Trần vẫn không quên được một mối nhục đến từ một thành viên nổi trội của hoàng tộc, con trai của vua Trần Thái Tông.
 
Vị hoàng tử tài hoa mà vô hạnh
 
Đó Trần Ích Tắc, một người cực kỳ thông minh, văn tài bậc nhất, tinh thông lục nghệ, thậm chí cả những nghề chơi vặt vãnh như đánh cờ, đá cầu… cũng đều xuất sắc.
 
Nhà Trần xuất thân từ nơi thôn dã, lập nên cơ đồ nhờ binh nghiệp và tài chính trị nhưng ít học. Đến thế hệ thứ hai sau khi nắm quyền, nhờ việc giáo dục bài bản cho xứng với địa vị hoàng gia, lập tức đã có ngay một loạt nhân vật học vấn uyên bác, sành về văn thơ như Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn… nhưng “nghề chính” của họ vẫn là võ chứ không phải văn. Các vị vương gia thế hệ này hầu hết đều là tướng giỏi và/hoặc là nhà quân sự xuất sắc, bên cạnh Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn còn có Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư… Nhưng riêng Trần Ích Tắc lại là thuần là con người của văn chương, chữ nghĩa.
 
 Tượng thờ vua Trần Thái Tông. Ảnh: Baodatviet.vn.

Chiêu Quốc vương nổi tiếng là người tài hoa, hào hoa phong nhã bậc nhất kinh kỳ, một người sành sỏi và tinh tế trong cả văn chương và các ngón chơi, kết giao với những bậc văn nhân học rộng tài cao nhất thời ấy. Phía bên phải phủ đệ của mình, ông mở học đường để chiêu tập văn sĩ khắp nơi về ăn học miễn phí. Trong số người từng qua phủ Chiêu Quốc có cả Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu.
 
Ích Tắc lại là người có tham vọng lớn. Tự cho tài nghệ của mình chẳng kém ai, trong lòng ông ngầm bất phục khi hoàng huynh Trần Hoảng được vua cha trao ngôi báu (chính là Trần Thánh Tông). Là phận em nhưng Ích Tắc vẫn nghĩ ngai vàng phải thuộc về mình. Việc ông ta đầu hàng giặc Nguyên sau này vẫn được đánh giá là do hèn nhát, nhưng chắc hẳn một phần cũng vì tham vọng. Chiêu Quốc vương tính toán rằng, nhờ thế lực của quân Nguyên, ông sẽ chiếm được ngai vàng. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, thực ra ngay từ trước đó, ông từng gửi thư cho nhà Nguyên qua tay thương nhân phương Bắc xúi giục quân Nguyên vào, ông ta sẽ làm tay trong giúp đỡ.
 
Khi quân Nguyên sang xâm lược, vua Trần mở hội nghị Bình Than để hỏi ý kiến các vương hầu, trong khi phần lớn tôn thất xin đánh, kể cả cậu thiếu niên “miệng còn hơi sữa” Trần Quốc Toản, thì Ích Tắc cầm đầu một nhóm nhỏ muốn hàng.
 
Vào năm 1285, cả nước đang gồng lên chống lại 50 vạn quân Mông Nguyên thế mạnh như chẻ tre, nghiền nát bao nhiêu cánh quân Việt và khiến kinh thành Thăng Long thất thủ. Hai vua rời kinh đô, cùng toàn dân chống giặc, dù tình thế nguy nan nhưng tinh thần Sát Thát vẫn dâng ngút trời. Trong khi đó, Trần Ích Tắc mang cả gia quyến, cùng một số người khác trong hoàng tộc, dâng thư hàng giặc. Lập tức, chàng hoàng tử tài hoa của vua Trần trở thành con bài quý trong tay nhà Nguyên.
 
Ích Tắc tính rằng, thế nước nguy nan đến thế, quân Nguyên mạnh đến thế, vó ngựa của chúng đã làm cỏ khắp gầm trời, ngay cả nhà Tống ở “thiên triều” cũng bị chúng nuốt chửng thì sá gì chút Đại Việt cỏn con. Đại Việt chắc chắn thua trận, vua tôi nhà Trần đều thành tù binh cả thì lấy ai trị tội làm phản của ông ta. Việc ông ta sớm ra hàng là một nước cờ khôn ngoan, bởi khi đó ông ta sẽ là người duy nhất có thể ngồi lên ngôi báu. Ông hoàng Chiêu Quốc càng tin vào điều đó khi vừa hàng giặc, ông đã được hứa sẽ tâu với hoàng đế nhà Nguyên cho làm An Nam quốc vương.
 
Một nước cờ sai, trọn đời vong quốc
 
Trần Ích Tắc không thể nào ngờ nổi, chỉ mấy tháng sau khi ông ta hàng giặc, đại quân Nguyên Mông đã bị đánh tan tác, Thoát Hoan tháo chạy về nước, Trần Ích Tắc và những kẻ đầu hàng khác lóc cóc chạy theo.
 
Không cam lòng, chưa đầy một năm sau, nhà Nguyên lại một lần nữa đưa quân vào Đại Việt, với lý do đưa “An Nam quốc vương” là Trần Ích Tắc lên ngai vàng. Rồi chỉ ít lâu sau, vị vương gia của nhà Trần đã lại theo quan thầy chạy trối chết về phương Bắc, không một lần còn thấy lại quê hương. Thực ra sau lần đó, vào cuối năm 1293, nhà Nguyên vẫn có kế hoạch đưa Trần Ích Tắc về nước một lần nữa trong đợt xâm lược thứ tư,  nhưng vào đầu năm 1294, hoàng đế Hốt Tất Liệt qua đời nên việc này bị hủy và không bao giờ được nhắc đến nữa.
 
 Bị quân dân Đại Việt đánh cho đại bại, tướng giặc Nguyên là Thoát Hoan phải chui vào ống đồng chạy trốn. Tranh của họa sĩ Nguyễn Bích. Ảnh: Daidoanket.vn.

Số phận của Ích Tắc ra sao trên đất Trung Quốc khi dã tâm xâm lược Đại Việt của những kẻ mà ông ta liếm gót đã bị đè bẹp? Sách “Đại Việt sử kí toàn thư” chỉ viết một câu ngắn gọn: “Sau khi quân Nguyên thất bại, Ích Tắc trong lòng hổ thẹn, chết ở đất Bắc”. Tuy nhiên, sách “Nguyên sử” của Trung Quốc lại chép khá nhiều thông tin về nhân vật này của nước Việt, với nội dung hoàn toàn khác. Theo đó, trong hơn 40 năm dằng dặc sống trên đất khách, Trần Ích Tắc làm quan cho nhà Nguyên. Ông ta giữ chức Hồ Quảng bình chương chính sự, sống tại Ngạc Châu (nay thuộc Hồ Bắc), được lần lượt gia phong đến chức Ngân Thanh vinh lộc đại phu rồi Kim tử quang lộc đại phu, nghi đồng tam tư. Thậm chí một năm sau khi ông ta chết ở tuổi 76, nhà nguyên còn truy phong vương tước cho ông ta, gọi là Trung Ý vương.
 
Kể ra, một kẻ hàng thần ở xứ nhược tiểu, lại đã “hết hạn sử dụng”, được đối xử như thế kể cũng không bạc, nhất là nếu so với thân phận thảm hại của vua Lê Chiêu Thống mấy trăm năm sau. Nhưng nếu so với thân phận một vương gia, một hoàng tử trên đất nước  mình, sống tiêu dao tự tại, được muôn người kính ngưỡng, thì cái thân phận hàng thần lơ láo của kẻ man di bán nước cầu vinh nơi xứ lạ hẳn khiến Trần Ích Tắc dày vò, nhục nhã. Là một người đọc sách, một người kiêu căng và từng có thân phận tôn quý, ông ta không thể không cảm nhận được nỗi nhục ấy.
 
Còn ở đất Việt, hoàng thất nhà Trần cũng không quên được vết nhơ mang tên Trần Ích Tắc. Vào năm 1289 sau khi định công ban thưởng cho những anh hùng trong cuộc kháng chiến, Trần Nhân Tông cũng đưa ra hình phạt với những kẻ phản bội. Theo đó, những người trong tôn thất nếu phạm tội này ngoài việc kết án đi đày hay tử hình, tịch thu điền sản đều bị tước bỏ quốc tính (họ Trần), đổi sang họ Mai. Chẳng hạn, Trần Kiện (con trai Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang) dù bị bắn chết trên đường chạy theo quân Nguyên về Trung Quốc từ mấy năm trước vẫn bị kết án và đổi họ thành Mai Kiện. Riêng với Trần Ích Tắc, vì là chỗ cốt nhục quá gần (chú ruột đương kim hoàng đế) nên không nỡ đổi họ xóa tên, mà gọi là Ả Trần, có ý chê ông ta hèn nhát như đàn bà vậy.
 
Về thân thế của Ích Tắc, có một huyền thoại được chép trong “Đại Việt sử kí toàn thư” như sau: Khi Ích tắc sắp ra đời, Trần Thái Tông mộng thấy một vị thần ba mắt từ trời xuống, nói với nhà vua rằng ông ta bị Thượng đế quở trách bắt xuống trần, vậy xin làm con vua, sau sẽ lại về phương Bắc. Khi Ích Tắc ra đời, vua thấy trên trán con trai mình cái vết lờ mờ giống như con mắt thứ ba. Và mấy chục năm sau khi Trần Ích Tắc theo giặc sang Trung Quốc, người ta mới hiểu cái ý “sau lại về phương Bắc” mà vị thần kia đã nói. Người đời sau cho rằng, câu chuyện trên có lẽ chỉ được đặt ra để “chữa ngượng” phần nào cho hoàng thất mà thôi.

TIN BÀI LIÊN QUAN

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Phan Trần