Tính trong khoa cử nước Nam ta, có khoảng 46 trạng nguyên được biết đến kể từ thời Lý mở đầu dòng khoa cử. Trong số ấy, một quan trạng bằng tài năng, sức vóc của mình, đã làm rạng danh nước nhà, được biết đến là “
lưỡng quốc trạng nguyên” của hai nước Việt, Trung. Trường hợp của trạng Bịu Nguyễn Đăng Đạo là một trong số ấy. Quanh cuộc đời ông trạng đất Kinh Bắc, có vài giai thoại hay được hậu thế lưu truyền, nhưng giai thoại về việc lấy vợ của ông không phải ai cũng được hay.
Dòng họ Nguyễn Đăng khoa bảng. Đất làng Hoài Bão trạng nguyên
Nguyễn Đăng Đạo (1651 - 1719) giành học vị
trạng nguyên tại khoa thi năm Quý Hợi (1683), tức năm Chính Hòa thứ tư đời vua Lê Huy Tông thời Lê Trung hưng. Tiểu sử, sự nghiệp của quan trạng làng Bịu được sách
Tam khôi bị lục của Hồ Ngu Thụy đời Tự Đức cho hay: “Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh: Nguyễn Đăng Đạo. Người làng Hoài Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, 33 tuổi đỗ, ứng chế cách; mùa thu năm Giáp Tuất, làm Lại Bộ Thượng thư. Mùa xuân năm Đinh Sửu, đi sứ Tàu. Năm Bính Tuất niên hiệu Vĩnh Thịnh, làm chức Bồi thần, Đô ngự sử vào hầu Kinh Diên, tước Thọ lâm tử. Coi việc thi cử, đổi tên Đăng Liễn, mùa đông năm Giáp Tý, vua niệm ân thăng cho Binh bộ Thượng thư, tước Bá, giữ chức Bồi thần như cũ. Kỳ thi về mùa xuân năm Ất Mùi, lại được phụng sung cống cử. Năm Mậu Tuất làm chức Tham tụng kiêm Đông các Đại học sĩ, cùng với Đàm công Hiệu đồng nắm chính quyền. Ông Đăng Đạo chết được tặng Thượng thư”.
|
Thi Đình thời Lê Trung Hưng. |
Làng Hoài Bão được nói tới trong Tam khôi bị lục, có tên Nôm là làng Bịu. Lại nói về dòng dõi tông tộc của Nguyễn Đăng Đạo, thân tộc đều ghi danh khoa bảng cả. Thân phụ ông là Nguyễn Đăng Mịch đỗ tiến sĩ, làm Sơn Tây hiến sát sứ, sau làm Quốc Tử Giám tế tửu, bác là Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo. Chắt nội Gia Vận đỗ tiến sĩ đời Chiêu Thống.
Tương truyền, mẫu thân của Đăng Đạo bởi cảm điềm ngôi sao lớn sáng như bó đuốc sa vào bụng mà sinh ra ông. Sinh thời, bác ông là Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo rất yêu quý đứa cháu ruột, thường hay ẵm bế, lại vỗ bụng chú bé Đạo mà nói: “Triều đình ghét ta không lấy cho đỗ Trạng nguyên chứ như thằng nhỏ này, dù muốn không cho, cũng không được”, quả nhiên lời ông bác vận đúng vào học vị đứng đầu tam khôi của đứa cháu yêu. Không những thế, khi Đăng Đạo mới được khoảng 3, 4 tuổi, Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo khi đón tiếp sứ Trung Hoa ở cửa ải, đem cả Đăng Đạo đi theo. Sứ nhà Thanh vốn giỏi tướng số, trông thấy thần tướng chú bé họ Nguyễn Đăng tóc để chỏm đào bèn nói: “Thiên sơn vạn thủy, lam chướng bất xâm, chơn kỳ đồng dã” (tức là: Dặm ngàn non nước mà lam chướng không xâm phạm nổi, thì cũng là đứa trẻ quá lạ). Ấy, những điềm vận vào bậc tài danh như ông được biết đến kể cũng nhiều.
Cha ông, cũng danh vọng lắm, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Bính Tuất (1646) niên hiệu Phúc Thái thứ tư đời vua Lê Chân Tông. Nhưng khi con đậu cao hơn mình, thì tỏ ra khiêm nhường. Lúc ở nhà thì giữ nghĩa cha con, nhưng ở chốn quan trường thì không bao giờ lấy danh thân phụ mà tỏ ra trên con mình. Mỗi lần trạng Bịu Nguyễn Đăng Đạo vái lạy, là ông Đăng Minh lại tránh đi mà nói rằng không dám. Nếu đi đường, lỡ gặp xe ngựa của con đi qua là tránh đi như mọi người khác. Cha con cùng làm quan, chỗ ở mỗi người một nơi, khi đến thăm con, ông Đăng Minh lại cho người tin trước rồi mới vào. Khi có kẻ hỏi tại sao lại làm như thế, ông Đăng Minh lại rằng: “Con người đỗ đầu thiên hạ, trời cho thác sinh vào nhà mình, thì dám nào mà không kính nể?”.
Tài năng nức tiếng khắp Việt – Trung. “Bái nguyệt” đưa danh trải khắp cùng
Nguyễn Đăng Đạo, sinh thời khi còn nhỏ đã tỏ rõ là một bậc tài năng hơn người, tính khí lại phóng túng, không chịu gò vào khuôn phép, chẳng kiêng nể quyền thế. Có dạo vào dịp mùa đông trời rét mướt, ông vào trong chiếc cầu “thượng gia hạ kiều” ở gần làng làm một giấc cho đỡ bị gió lùa. Đương lúc say mộng, có viên quan huyện đi qua, Đăng Đạo chẳng buồn dậy. Lấy làm phật ý, quan huyện mới chau mày, hỏi:
- Ngươi là ai mà vô lễ thế, thấy bản chức đến mà không đứng lên thi lễ?
Khi nghe Đăng Đạo trả lời là học trò trong huyện, lạnh quá nằm co nên không kịp dậy chào, viên huyện quan bảo:
- Được, đã là học trò thì phải xem chữ nghĩa thế nào. Làm cho ta bài thơ có đề tài “rét nằm co” xem nào.
Chẳng ngần ngại, Đăng Đạo ứng khẩu thành lời:
Vi vu gió thổi, bụi lầm đường,
Rét phải nằm co, há phải cuồng!
Cá chửa giương vây miền Bắc Hải,
Rồng còn cuộn khúc bãi Nam Dương.
Cất đầu ngón đợi kiền khôn đế,
Uốn gối mong chầu cảnh thổ vương,
Bĩ hệ cực rồi, rồi đến thái,
Sang xuân đầm ấm lại nghênh ngang.
Nghe khẩu khí bài thơ, viên quan huyện vốn dân chữ nghĩa, cảm được, tấm tắc khen tài ông. Đến khi vào trong triều làm quan, thấy cảnh vua Lê bị chúa Trịnh lấn quyền, ông lấy làm không vui. Khác với đa số bạn đồng liêu, Đăng Đạo chẳng sợ cường quyền, thế nên, theo Bắc Ninh phong thổ tạp ký cho biết: “Lúc bấy giờ trăm quan muốn dùng triều phục bệ kiến vua vào chầu ở phủ chúa Trịnh, ông cho là phi lễ. Chúa Trịnh khen thưởng vì tính cương trực, tặng cho 200 lạng vàng”.
Sau khi thi đỗ, vào kinh làm quan, Trạng nguyên Đăng Đạo hai lần đi sứ
nhà Thanh, lần nào cũng làm rạng rỡ cho hào khí Đại Việt bằng tài năng của mình. Trong lần đi sứ đầu tiên, trong cuộc thi làm thơ giữa sứ Việt với sứ Cao Ly (Triều Tiên), ông làm bài phú “Bái nguyệt” xong trong chốc lát, vua nhà Thanh sau khi xem xong, đã phê cho trạng Bịu là “Bắc triều đệ nhất trạng nguyên”, ông trở thành “Lưỡng quốc trạng nguyên”. Trong Bắc Ninh phong thổ tạp ký cũng ghi nhận ông là vị Trạng nguyên duy nhất của nước ta qua đôi câu đối:
Tiến sĩ Thượng thư thiên hạ hữu,
Trạng nguyên Tể tướng thế gian vô.
Tức là:
Tiến sĩ làm Thượng thư trong thiên hạ cũng có,
Tạng nguyên làm Tể tướng thế gian này không có ai.
Yêu ai khoét vách đục tường….
Ngoài chuyện danh vọng, khoa cử được nói tới ở trên, đường
tình duyên của trạng Bịu cũng có điều khác lạ. Điều này trong
Lan Trì kiến văn lục của Tri phủ Quốc Oai Vũ Trinh (1759 - 1828) có ghi lại sự thể. Dạo ấy, gặp dịp Tết Nguyên tiêu, Nguyễn Đăng Đạo áo nhà nho đạm bạc, cùng hai kẻ tiểu đồng và nhóm bạn đi thăm kinh thành. Đến cổng chùa Báo Thiên bỗng đâu đi tới một chiếc kiệu hoa, nữ tì, lính lệ theo hầu. Bước xuống kiệu là một mỹ nhân mặt hoa da phấn, vẻ đẹp mặn mà. Nguyễn Đăng Đạo ngây người ra ngắm nàng, quên cả việc cắm cảnh. Người đẹp vào chùa hồi lâu rồi ra, lại lên kiệu mà đi, nhưng ông trạng tương lai vẫn cứ bồi hồi đứng trước kiệu, lính lệ quát tháo, giơ roi đòi đánh mà Đăng Đạo cũng chẳng màng tới. Trong kiệu, tiếng người thiếu nữ ấy cất lên:
- Hội vui cảnh đẹp, mọi người cùng du chơi thưởng ngoạn, các ngươi chó nạt nộ người ta như thế.
Lại bảo quân khiêng kiệu dẹp đường mà đi. Đăng Đạo thấy thiếu nữ vừa đẹp người, lại hay nết, cứ thế đi theo đến mấy dặm. Đến khi phu khiêng kiệu vào một dinh thự lớn, ông mới dừng bước, lại vào quán nước ngoài cổng, lân la hỏi bà chủ quán, được đáp:
- Đây là dinh nhà Võ quan Ngô Hiến hầu. Hầu vì có công lớn được cử coi cấm binh, chỉ huy việc quân cả kinh thành.
Lại biết được Ngô Hiến hầu chỉ có mỗi mụn con gái là thiếu nữ vừa gặp, nhan sắc xinh tươi hiếm ai bì kịp, giỏi chữ nghĩa, đến tuổi cập kê rồi mà chưa lấy ai.
Từ ấy, về xóm trọ, Nguyễn Đăng Đạo, cả đêm mơ tưởng đến
người đẹp. Đến sáng mai, ông lại tới cổng nhà quan họ Ngô, tìm cách đánh bạn được với đứa hầu nhỏ, đem tiền và quà bánh đút lót nó. Khi đã quen thân, ông hỏi kỹ đường ra lối vào, cổng cửa các phòng trong dinh, ghi lại trong dạ cho thật nhớ.
Đêm hôm ấy, ông ăn mặc gọn ghẽ, vượt mấy lớp tường, lần thẳng đến chỗ buồng người đẹp, khoét tường chui vào buồng cô gái, lên ngay giường nằm chung với cô, rồi lay cô dậy. Đang say giấc nồng, giật mình tỉnh giấc thấy có người lạ trên giường, nhưng cô gái không lấy thế làm hoảng hốt, mới hỏi ông. Đăng Đạo tỏ hết lòng dạ mình:
- Từ bữa gặp nhau ở chùa, tôi trằn trọc thương nhớ khôn nguôi, định tìm mai mối, lại sợ làm nhơ đến quan tể tướng, chưa chắc được ngài đoái hoài tới. Nay cả gan ở đây, định đính ước trăm năm với tiểu thư đây.
Người đẹp cả thẹn mà rằng:
- Quân canh bao nhiêu lớp, lầu các sâu thăm thẳm, ông làm sao vào đây được? Cha tôi tính nóng như lửa, ông sẽ bị băm vằm thành bùn cho mà xem.
Đăng Đạo cả cười. Cô gái không biết thế nào, lấy hai tấm lụa trao cho ông, lại tiếp:
- Ông chết cũng đáng. Nhưng nếu để người ta biết thì tiết hạnh của tôi cũng mang vết. Cho ông cái này, nhân lúc bọn đầy tớ cha tôi chưa biết, mau tìm đường mà đi.
Nguyễn Đăng Đạo lại cười mà nói:
- Nàng đừng đem cái chết dọa ta. Nếu sợ chết, ta đã không đến đây. Nếu đại nhân có tới, tôi cũng thành thực mà thưa, cớ sao đem cái chết ra dọa nhau?
Giọng Đăng Đạo to như trống, làm bọn đầy tớ thức giấc, ùa đến bắt ông. Kẻ đánh, người trói mà Đăng Đạo si tình cứ nói cười không thôi. Ngô Hiến hầu hay biết, đùng đùng nổi giận. Nhưng thấy ông mặt mũi nho nhã, nói năng đàng hoàng, thẳng thắn thì không nỡ đánh đập, cho người giải đến quan pháp luận tội.
May sao, lúc ấy có quan đồng liêu họ Phạm làm ở Nội viên đến thăm biết việc, nói với Hiến hầu:
- Kẻ làm việc phi thường ắt có tài khác thường. Tên này chắc có tài cán, hoài bão gì đây. Chi bằng xem nó có tài gì không. Nếu có thì nhân đó tác thành cho nó. Còn là loại côn đồ thì đánh chết chưa muộn.
Nghĩ thế cũng hợp lý, Ngô Hiến hầu cho gọi ông vào, bắt làm văn để thử tài. Nhận được đề, chẳng cần suy nghĩ, Đăng Đạo hạ bút viết liền một mạch xong ngay, lại tự tin bảo bọn người hầu:
- Bay đi nói với tiểu thư sửa soạn cơm nước, nếu có chút khinh lờn là ta nhất định không làm khách quý nhà các người nữa.
Bọn hầu nghe thế bưng miệng cười, ngẫm đây là kẻ ngông cuồng. Bài làm xong trình lên, quan họ Phạm bạn đồng liêu với Ngô Hiến hầu đọc xong, hết lời ngợi khen, nói riêng với quan võ:
- Ngàn vàng cũng chẳng tìm được đứa rể quý như thế đâu!
Thấy tên đục tường, khoét vách giỏi văn chương, thơ phú, Ngô Hiến hầu lệnh tha tội cho, hỏi quê quán, họ tên, làm phòng riêng cho ở, cấp dầu đèn cho học. Năm sau, Nguyễn Đăng Đạo đi thi đỗ đầu kỳ thi Hương, được Ngô Hiến hầu đón về ở rể, tác thành nhân duyên phu phụ với con gái mình.
|
Xướng danh yết bảng. |
Vài năm sau, Đăng Đạo thi Đình, đỗ thứ nhất. Trong
Đại Việt sử ký tục biên cho biết: “Mùa xuân, tháng Giêng, thi Đình. Cho Nguyễn Đăng Đạo, Phạm Quang Trạch, Quách Giai ba người đỗ tiến sĩ cập đệ, Nguyễn Đương Hồ tiến sĩ xuất thân (hoàng giáp); bọn Trần Thiện Thuật 14 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân”.
Về sau, hai vợ chồng Nguyễn Đăng Đạo ăn ở với nhau hết nghĩa. Người đẹp con quan Hiến hầu năm nào không phụ lòng thương yêu của chồng, xứng với nghĩa phu thê. Trong Giai thoại làng Nho có cho biết, khi Đăng Đạo làm quan ở kinh, buổi ấy dân mấy làng Tam Tảo, Khắc Niệm và Hoài Bão quê ông mất mùa, đói kém. Ông cho lính chạy thư về bảo vợ “nuôi những người đói khổ ở mấy làng, tìm cách phát chẩn và phát thóc giống để cho họ cày cấy làm ăn”. Nghe lời chồng, bà ra tay cứu độ dân làng.
Năm Kỷ Hợi (1719) đời vua Lê Dụ Tông, “Lưỡng quốc trạng nguyên” Nguyễn Đăng Đạo qua đời, vua Lê buồn thương viết tứ thơ:
Núi chè cao ngất, sông Đức trong,
Người tài chung đúc bởi non sông.
Một cành tươi tốt muôn cành đẹp,
Bảy lá hương thơm vạn lá hồng.
Lớp lớp quan giai nhờ lộc nước,
Đời đời nghiên bút giữ gia phong.
Nền nhân, cỗi phúc nay còn mãi,
Xe ngựa làng xưa vẫn đợi mong.
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Trần Đình Ba