Theo tài liệu của cả
Việt Nam và
Trung Quốc thì vị võ sư đã dạy Thái cực quyền cho Bác là võ sư Cố Lưu Hinh. Ông sinh năm 1908 mất năm 1990 là người Thượng Hải. Ông được biết đến như một trong những chuyên gia về Thái cực quyền nổi tiếng ở cả trong và ngoài Trung Quốc.
Các tài liệu Trung Quốc cho biết võ sư Cố Lưu Hinh học võ từ năm 11 tuổi. Trong suốt cả cuộc đời luyện võ, ngoài việc chuyên tâm luyện quyền, ông còn thăm viếng nhiều danh sư khắp nước để học hỏi thêm sở trường các môn các phái. Ông cũng từng giữ chức Phó sử nghiên cứu kiêm trưởng khoa thể dục Thượng Hải, Chủ tịch Hiệp hội võ thuật Thượng Hải…
|
Bác Hồ tập võ cùng các chiến sĩ. Ảnh tư liệu. |
Năm 2004, trên tạp chí Võ thuật Trung Hoa có đăng lại một bài tự thuật của võ sư Cố Lưu Hinh về chuyến sang Việt Nam dạy võ cho Hồ Chủ tịch. Nhờ đó chúng ta mới biết rõ về việc học Thái cực quyền của Bác Hồ.
Võ sư Cố Lưu Hinh kể rằng ông đã ở
Hà Nội từ tháng 1 đến tháng 4/1957 để dạy quyền cho Bác. Việc này bắt nguồn từ chuyến thăm của Thủ tướng
Chu Ân Lai và Phó Thủ tướng Hạ Long tháng 10/1956. Khi đó, Phó Thủ tướng Hạ Long – vốn là một người ham thích võ thuật đã giới thiệu với Bác về tác dụng dưỡng sinh và trị bệnh của Thái cực quyền. Bác Hồ nghe xong rất hứng thú nên đề nghị phía Trung Quốc cử chuyên gia sang hướng dẫn. Sau chuyến thăm này, Ủy ban TDTT Trung Quốc đã giao nhiệm vụ cho võ sư Cố Lưu Hinh.
Trước khi sang Hà Nội dạy Bác Hồ, ông Cố Lưu Hinh rất băn khoăn vì Thái cực quyền có nội dung chiến đấu mà Bác thì tuổi đã cao, hơn nữa lại là lãnh đạo Nhà nước, dạy nhẹ thì không hiệu quả mà nặng quá thì e lại là không tôn trọng. Sau cùng ông Hoàng Trung – Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Trung Quốc quyết định chỉ cần chú trọng đến phương diện y lý trị bệnh mà không cần dạy chiến đấu, kỹ tích.
Ngày 12/1/1957, võ sư Cố đến Hà Nội bằng tàu hỏa, Bác cử người của Ban Ngoại vụ ra đón. Thời gian đó Bác đang bận chủ trì một hội nghị của Đảng nhưng ngay hôm sau Người vẫn thu xếp thời gian đến gặp võ sư Cố. Người nói chuyện với võ sư bằng tiếng Quảng Đông rất lưu loát. Trong buổi gặp đầu tiên ấy, Cố Lưu Hinh đã tặng Bác 3 cuốn Thái cực quyền giản hóa do UBTDTT Trung Quốc ấn hành và toàn bộ hình ảnh Dương Trừng Phủ đi quyền.
Võ sư Cố Lưu Hinh viết: “Hồ Chủ tịch quy định thời gian tập, buổi sáng từ 6h đến 6h30, chiều từ 18 đến 19h. Trong buổi tiệc chúc mừng năm mới, tôi được Hồ chủ tịch mời tham dự và giới thiệu với một số cán bộ cao cấp, phần lớn trong số họ là xuất thân từ quân ngũ, cơ thể vạm vỡ, sức khỏe dồi dào, tôi tự nghĩ là không biết liệu mọi người có chịu tiếp thu nguyên tắc của Thái Cực Quyền được hay không? Do vậy tôi có đề nghị với Hồ chủ tịch rằng, trước tiên giảng về quyền lý, phương pháp luyện tập, để có cơ sở ban đầu, Hồ chủ tịch rất tán đồng”.
Theo kế hoạch, Bác Hồ bắt đầu tập Thái cực quyền từ ngày 5/2/1957 theo giáo trình tập luyện trong 40 ngày do võ sư Cố Lưu Hinh biên soạn. Bác rất trân trọng nhân tài và cũng rất quan tâm đến mọi người nên đã chỉ thị cho những cận vệ và các cán bộ gần gũi mình cùng tập luyện.
Theo lời tựa cuốn Thái Cực Quyền của cố võ sư Cố Lưu Hinh do ông Tạ Quang Chiến – nguyên Tổng cục trưởng Thể dục Thể thao Việt Nam và cũng là một cận vệ của Bác Hồ thời đó cho biết: “Người rất trọng nhân tài và quan tâm đến mọi người xung quanh nên chỉ thị cho chúng tôi tổ chức thành lớp học có gần 20 anh, chị em cùng tham gia học Thái cực quyền.
Chính tại cái sân rộng rãi chếch phía sau bên phải ngôi nhà một tầng nơi Người đã từng ở và làm việc gần 10 năm sau giải phóng Thủ đô, sáng sáng, Người dậy rất sớm để cùng lớp học nghiêm túc theo từng động tác của lão võ sư.
Người còn cùng lớp học, không bỏ buổi nào nghe võ sư Cố Lưu Hinh giảng giải về lý thuyết võ học, võ đạo. Người thường ân cần hỏi han trân trọng và nhiều lần giữ lão võ sư ở lại cùng ăn sáng và trao đổi ý kiến rất cởi mở, thân mật”.
Bản thân võ sư Cố cũng kể: “Thư ký Tạ Quang Kiện (có lẽ chính là ông Tạ Quang Chiến) và cận vệ trưởng Vương Văn Chương đều nói là buổi sáng Người dậy từ 4h sau đó bắt đầu bật đèn và tự tập Thái cực quyền. Buổi sáng Hồ Chủ tịch cùng với thư ký, cảnh vệ, đầu bếp tập 3 đến 4 lần quyền, buổi tối có lúc lại ngồi xem tôi hướng dẫn luyện, vừa tập theo đồng thời chỉnh tư thế cho mọi người. Hồ Chủ tịch vốn có cơ bản về võ thuật cho nên tư thế động tác gọn và chuẩn hơn những người khác, tốc độ cũng nhanh hơn chút, nhưng Người cũng kiên trì đợi tập cùng mọi người đến khi nào thuần thục mới thôi, theo kế hoạch là 40 ngày nhưng vì vậy mà phải kéo dài thêm. Từ 5/2 đến 16/4 đã trải qua 62 ngày luyện…”.
Đến cuối tháng 4, võ sư Cố Lưu Hinh về nước vì tháng 7 phải tham gia Đại hội võ thuật toàn Trung Quốc. Khi chia tay, Bác nói: “Nếu đã vậy thì chúng tôi cũng không giữ anh ở lại nữa, hy vọng sau này có cơ hội thì lại mời anh sang dạy quyền”.
Nhưng vào cuối năm đó, võ sư Cố lại có vinh dự dạy quyền cho Bác một lần nữa khi Bác sang Hàng Châu. Tại đây Bác ở tại Hoa viên Tạ Gia còn ông Cố Lưu Hinh thì được công an thành phố Thượng Hải đưa tới khách sạn Đại Hoa cạnh Tây Hồ. Dịp này Bác tập luyện với võ sư Cố thêm được nửa tháng nữa. Khi chia tay Bác tặng ông Cố Lưu Hinh một bức chạm Tháp Rùa hồ Hoàn Kiếm bằng ngà voi rất đẹp.
Bác Hồ sau khi học được Thái cực quyền rất kiên trì luyện tập. Ông Tạ Quang Chiến viết trong tài liệu đã dẫn ở trên: “Qua tập luyện của Bác Hồ những năm 1955 – 1957 so sánh với trước đó, chúng tôi thấy Thái cực quyền là bài tập mà Người ưa thích nhất, có lẽ vì nó hấp dẫn, mang lại kết quả tích cực, rất thích hợp với mọi người, đặc biệt người lớn tuổi”.
Khánh Nam