John McCain: Tướng Giáp là "một chiến lược gia quân sự lỗi lạc"
Ngay sau khi nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, Thượng nghị sỹ John McCain viết trên tài khoản mạng xã hội Twister: Tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua đời. Ông là một chiến lược gia quân sự lỗi lạc, người từng nói với tôi rằng chúng ta là 'kẻ thù danh dự'".
|
Thông điệp của ông John McCain. |
McCain là người đã từng tham chiến ở Việt Nam với tư cách là phi công hải quân. Khi thực hiện cuộc ném bom ngày 26/10/1967, máy bay của ông bị bắn trúng trên bầu trời Hà Nội. John McCain đã nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch, bị bắt sống và trở thành tù binh chiến tranh trong 5 năm rưỡi.
Ông cùng nhiều tù binh Mỹ khác được trao trả vào ngày 14/3/1973, cách đây hơn 40 năm, theo điều khoản trao đổi tù binh của Hiệp định Hòa bình Paris.
Năm 1984, John McCain đã gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một chuyến thăm Hà Nội, ngay sau khi được bầu vào Quốc hội Mỹ. Vào cuối buổi gặp mặt, Đại tướng nói với McCain rằng, người Mỹ là “kẻ thù danh dự”. McCain sau đó cho biết: “Câu nói đưa ra từ ông ấy, điều đó phải có ý nghĩa nào đó”.
Sau này, Thượng nghị sĩ John McCain đã ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995.
Tướng “Đờ Cát”: Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp
Tướng De Castries (1902-1991) là chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm, người chỉ huy cao nhất của quân Pháp trong trận Điện Biên Phủ. Việc ông bị bắt sống tại căn hầm của mình ngày 7/5/1954 đã đánh dấu sự thảm bại của quân Pháp trong cuộc chiến.
|
Tướng De Castries tại Điện Biên Phủ.
|
Trước khi được trao trả về Pháp, De Castries đã dành nhiều lời lẽ bày tỏ sự thán phục tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Viên tướng Pháp chia sẻ:
"Tướng Giáp là một người thông minh, dũng cảm, một người giỏi chỉ huy du kích. Ông ấy cũng giỏi về chính trị, về chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi đã thấy rõ điều đó. Nay qua trận Điện Biên Phủ, tôi thấy Tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích, mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương.
Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là không biết Tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào.
Quân đội viễn chinh Pháp và các tướng tá Pháp chúng tôi là một đội quân nhà nghề, thiện chiến và trang bị hiện đại. Sự kiện Tướng Giáp thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng của ông ấy. Chúng tôi biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trí thức và là một giáo sư đã từng dạy học ở Hà Nội. Nhưng không phải nguồn kiến thức nào cũng biến được thành tri thức quân sự, không phải người trí thức nào cũng biến được thành vị tướng giỏi đâu.
Tôi thừa nhận Tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn, tài giỏi hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cogny và tướng Navarre. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”.
Tướng Marcel Bigeard: “Là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Tướng Marcel Bigeard (1916 – 2010), người tham gia chỉ huy quân đội Pháp trong trận Điện Biên Phủ, đã nói về đối thủ của mình như sau: “Tướng Giáp đã lãnh đạo quân đội nước Việt Nam giành được chiến thắng trong một thời hạn thật đặc biệt kéo dài suốt 30 năm, đó là một kỳ tích chưa từng thấy. Đúng vậy, không phải hiện tại mà muôn đời sau, tôi tin rằng cuộc đời và sự nghiệp đầy huyền thoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là tấm gương, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam”.
|
Tướng Marcel Bigeard. |
Trong hồi kí của mình, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cho rắng Tướng Giáp đã cầm quân một phần tư thế kỷ trong cuộc chiến với người Pháp, người Mỹ. Đôi khi thất thế, nhưng ông luôn luôn rút ra bài học, giành lại ưu thế để đến chung cuộc trở thành một tướng lĩnh không ai bì kịp.
Năm 1993, tướng Bigeard đã có dịp thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ. Ông đã thốt lên: “Hồi ấy nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”.
Tướng William Westmoreland: Tướng Giáp sở hữu mọi phẩm chất tốt đẹp
Tướng William Westmoreland (1914 – 2005) là Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông nhận xét về Đại tướng Võ Nguyên Giáp như sau: “Mọi đức tính tạo thành một nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc như sự quyết đoán, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung trí tuệ và hành động, trí thông minh, tất cả đều có ở tướng Giáp - một vị chỉ huy vĩ đại”.
|
Tướng William Westmoreland.
|
Ông Westmoreland cũng cho rằng: “Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc đã cho thấy vai trò quyết định của các nhân vật kiệt xuất của đối phương mà vai trò cao nhất là Tướng Giáp - người lão luyện trong việc tổng chỉ huy thực hiện chiến tranh du kích”.
Cựu Bộ trưởng McNamara: Tướng Giáp lại thắng
Robert McNamara (1916 – 2009) là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới 2 đời tổng thống John F. Kennedy (1961-1963) và Lyndon B. Johnson (1963-1968). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông được xem là “công trình sư” của người Mỹ với tư cách là người hoạch định các chính sách quân sự chủ chốt.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara trong cuộc gặp đầu tiên năm 1995.
|
Sau khi chiến tranh kết thúc, ông đã hai lần tới Việt Nam hội kiến với người từng là kẻ thù ở bên kia chiến tuyến: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong cuộc gặp đầu tiên vào ngày 9/11/1995, Tướng Giáp đã hoàn toàn thuyết phục được cựu thù của mình khi chỉ ra chính xác những nguyên nhân khiến Mỹ thua cuộc ở Việt Nam. Đó là sai lầm của Mỹ khi không lường được sức chịu đựng và tinh thần quyết tâm của nhân dân Việt Nam mà hi vọng sai lầm vào việc tìm kiếm hòa bình ở Việt Nam bằng những cuộc thương lượng với các nước lớn khác.
Trong cuộc gặp mặt lần thứ 2, ngày 23/6/1997, ông McNamara chủ yếu để cho các thành viên phái đoàn mình bày tỏ ý kiến. Dù vậy, vì thời gian hạn hẹp và có những bất đồng về quan điểm, ông đã không ít lần ngắt lời Đại tướng. Tướng Giáp đáp lại bằng thái độ bình thản và lịch sự, chủ động giành lấy phần lớn thời gian để phát biểu quan điểm của mình.
Trước những lí lẽ đầy thuyết phục của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không giữ được kiên nhẫn, ông McNamara đã phải thốt lên: “Thế là ngài lại thắng về thời gian rồi”. Đại tướng vẫn thản nhiên đáp lại: “Các ngài thua vì chưa hiểu, muốn hiểu nên lắng nghe”.
Trong cuốn sách Nhìn lại tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, McNamara đã phải thừa nhận rằng một trong những nguyên nhân Mỹ thua ở Việt Nam là do không hiểu về dân tộc Việt Nam, và nhất là không hiểu về chủ nghĩa yêu nước của người Việt.
Hoàng Phương