Vị vua thông minh và giàu có
Được người đời nhắc đến là vị vua giàu nhất lịch sử nhân loại và là người được thiên chúa ban cho sự khôn ngoan đặc biệt, đó là Solomon, vị vua thứ 3 của Israel. Ông không chỉ nổi tiếng bởi trí tuệ sắc sảo, các phán đoán độc đáo, mà còn nổi tiếng bởi những kho báu nhiều vàng chứa đựng đầy bí mật.
Nhiều người nhớ tới ông bởi giai thoại ông giải quyết thông minh nghi án tìm mẹ ruột cho đứa trẻ bằng cách chặt đôi đứa bé. Ông là người xây dựng Ngôi đền Đầu tiên của người Do Thái ở Jerusalem và đã đưa đất nước Do Thái vào thời kỳ vàng son nhất trong lịch sử.
Chuyện kể rằng, năm 12 tuổi, ông được cha - vua David − truyền lại ngôi báu. Solomon lo sợ rằng mình không đủ khôn ngoan để trị vì đất nước Do Thái. Khi đó, Đức Chúa Trời xuất hiện và phán với Solomon: “Hãy xin điều ngươi muốn ta ban cho ngươi”.
Solomon thưa: “Xin Chúa ban cho con sự khôn ngoan và hiểu biết để con lãnh đạo muôn dân”. Đức Chúa Trời phán rằng: “Vì ngươi có lòng như vậy, không xin giàu có, của cải, danh vọng, mạng sống của những kẻ thù, và cả tuổi thọ cho mình, mà xin sự khôn ngoan và hiểu biết để cai trị muôn dân dưới mình nên ta sẽ ban cho ngươi. Ta cũng sẽ ban cho ngươi của cải, giàu có, danh vọng mà không một vị vua nào trước hay sau ngươi được như vậy”.
Những lời hứa của Đức Chúa Trời đã được thực hiện. Sự khôn ngoan, thành công và của cải của Solomon tăng lên ngoài sức tưởng tượng. Về của cải, nếu đổi ra đồng đô la ngày nay thì vị vua này đã trở thành "nghìn tỷ phú", thực sự ông là người giàu nhất thế gian. Ngoài số vàng dự trữ trị giá hàng trăm tỷ đô la theo giá thị trường ngày nay, ông còn sở hữu 4.000 chuồng ngựa, xe ngựa và thuê đến 12.000 người giữ ngựa.
Những người trị vì các quốc gia trên khắp thế giới tìm kiếm các lời khuyên của ông và trả thù lao hậu hĩnh. Tuy nhiên, ông cũng làm phật lòng một số người khi sự thông minh trong cách làm ăn của ông phát huy tác dụng. Một trong những người đó là nữ hoàng hậu Sheba. Chính những đoàn tàu làm phương tiện chuyên chở của vua Solomon đã khiến bà hoàng cùng những bộ lac chuyên dùng lạc đà để chở hàng hóa bằng đường bộ lúc bấy giờ bực bội.
|
Bức họa về chuyến thăm vua Solomon của nữ hoàng Sheba.
|
Chuyện kể rằng, một lần nữ hoàng Sheba, khi đó đang trị vì tại miền nam bán đảo Ả Rập, đến thành phố Jerusalem và mang theo rất nhiều hương liệu cùng vàng và đá quý làm quà trao đổi cách thức làm ăn với vua Solomon, đồng thời bà cũng chuẩn bị sẵn nhiều câu hỏi khó để nhử đức vua. Nhưng vị vua này đã trả lời tất cả một cách dễ dàng.
Nữ hoàng vô cùng ngạc nhiên trước trí tuệ thông suốt của ông và rất lấy làm cảm phục. Cũng chính vì thế mà bà đem lòng yêu vua Solomon. Tình yêu của bà lớn đến nỗi khi vua Solomon lâm nguy thì bà đã cầu xin Thiên chúa cứu ông, đổi lại bà sẽ từ bỏ hết các thần linh của mình để chỉ thờ một mình Thiên chúa.
Solomon cai trị quốc gia giỏi và tin tưởng tuyệt đối vào thiên chúa. Để giữ sự bang giao tốt đẹp với các láng giềng, ông đã thiết lập đồng minh bằng cách kết hôn với nhiều vợ nước ngoài. Tuy nhiên cũng vì điều này mà tấm lòng cống hiên của ông đối với thiên chúa dần suy giảm bởi các bà vợ thường giới thiệu cho ông những vị thần và nghi lễ khác.
Theo Kinh Thánh, kể từ đó, nước Do Thái cũng bắt đầu bị suy sụp, quan quân và những người tin vào Chúa dần rời bỏ ông khiến đất nước lâm vào tình trạng nguy kịch. Do đó, thành công và hạnh phúc ông đạt được đã tan thành mây khói. Tuy nhiên những câu chuyện về ông đã để lại cho chúng ta nhiều bài học, quy tắc sống quý giá.
Những câu chuyện mang dấu ấn của vua Solomon
Truyền thuyết người Do Thái có kể câu chuyện về vua Solomon như sau: Benaiah là một cận thần vốn thường hãnh diện cho rằng ông sẽ chu toàn mọi nhiệm vụ mà nhà vua giao phó. Một ngày nọ, vua Salomon bỗng muốn làm bẽ mặt Benaiah, bèn nói: "Benaiah này, ta muốn ông mang về cho ta một chiếc vòng để đeo trong ngày lễ và ta cho ông sáu tháng để tìm chiếc vòng đó".
Benaiah trả lời: "Nếu có một thứ gì đó tồn tại trên đời này, thưa đức vua, tôi sẽ tìm thấy nó và mang về cho ngài, nhưng chắc là chiếc vòng ấy phải có gì đặc biệt?". Nhà vua đáp: "Nó có những sức mạnh kỳ diệu. Nếu kẻ nào đang vui nhìn vào nó sẽ thấy buồn, và nếu ai đang buồn nhìn vào nó sẽ thấy vui".
Vua Salomon biết rằng sẽ không đời nào có một chiếc vòng như thế tồn tại trên thế gian này, nhưng ông muốn cho người cận thần của mình nếm một chút bẽ bàng.
Dù là người rất tài giỏi nhưng vị quan cảm thấy rất lo âu vì làm sao có thể tìm ra chiếc vòng vừa làm cho người ta hạnh phúc và đau buồn được! Mùa xuân trôi qua, mùa hạ đến nhưng Benaiah vẫn chưa có một ý tưởng nào để tìm ra một chiếc vòng như thế. Ngày qua ngày, vị cận thần này càng hiểu rằng mạng sống của mình sắp bị lấy đi vì không thể tìm cho nhà vua chiếc vòng thần kỳ được.
Vào đêm trước ngày lễ, ông quyết định lang thang đến một trong những nơi nghèo nhất của Jerusalem. Ông đi ngang qua một người bán hàng rong đang bày những món hàng trên một tấm bạt tồi tàn. Benaiah dừng chân lại hỏi: "Có bao giờ ông nghe nói về một chiếc vòng kỳ diệu làm cho người hạnh phúc đeo nó quên đi niềm vui sướng và người đau khổ đeo nó quên đi nỗi buồn không?".
Người bán hàng lấy từ tấm bạt lên một chiếc vòng giản dị có khắc một dòng chữ. Khi Benaiah đọc dòng chữ trên chiếc vòng đó, khuôn mặt ông rạng ngời một nụ cười.
Đêm đó, toàn thành phố hân hoan, tưng bừng đón mùa lễ hội. "Nào, ông bạn của ta - vua Salomon hỏi - ông đã tìm thấy điều ta yêu cầu chưa?". Tất cả cận thần có mặt đều cười lớn và cả chính vua Salomon cũng cười. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Benaiah đưa chiếc vòng ra và nói: "Nó đây, thưa đức vua".
Khi vua Salomon đọc dòng chữ, nụ cười biến mất trên khuôn mặt vua. Trên chiếc vòng đó có khắc dòng chữ: "Điều đó rồi cũng qua đi". Vào chính giây phút ấy, vua Salomon nhận ra rằng tất thảy những sự khôn ngoan, vương giả và quyền uy của ông đều là phù du, bởi vì một ngày nào đó ông cũng chỉ là cát bụi...
Kể từ đó, vua Solomon thường đeo chiếc vòng đó trên tay. Những lúc khó khăn, đau khổ, ông thường nhìn dòng chữ “điều đó rồi cũng qua đi” được khắc trên chiếc vòng để lấy lại bình tâm. Có lần do quá giận dữ về một chuyện, ông tháo chiếc vòng ra và quẳng nó xuống sàn nhà. Nhưng rồi khi thấy dòng chữ ở mặt trong, ông đã mỉm cười cay đắng và đeo lại chiếc vòng. Rồi mỗi khi có chuyện vui, dòng chữ trên chiếc vòng cũng nhắc ông không nên ngủ quên trên chiến thắng.
Lại có một câu chuyện về tài xử kiện của ông. Chuyện kể rằng một hôm có hai người phụ nữ kéo nhau tới nhà vua Solomon để mong ông giải quyết chuyện giúp họ.
Người phụ nữ thứ nhất mau mồm kể: “Thưa đức vua. Tôi và người phụ nữ kia sống chung một nhà. Tôi sinh được một đứa con trai. Ba ngày sau cô ta cũng sinh một đứa con trai, nhưng con trai của cô ta đến đêm thì chết. Cô ta đem tráo con, đặt đứa trẻ chết bên tôi, còn đứa trẻ sống thì ôm lấy trong lòng. Đến sáng, khi tôi muốn cho con bú thì thấy nó đã chết. Tôi nhận thấy nó không phải là con tôi”.
Người phụ nữ thứ hai phủ nhận việc đó: “Không phải vậy. Con bà chết rồi. Đứa trẻ còn sống là con của tôi”. Cứ như thế hai người phụ nữ lời qua tiếng lại trước mặt đức vua, ai cũng khăng khăng đứa trẻ còn sống là con mình.
Bấy giờ nhà vua mới lên tiếng bảo: “Cả hai người đều khẳng định đứa trẻ còn sống là con của mình, còn đứa trẻ đã chết là con của người kia. Vậy hãy mang gươm cho ta”. Khi lính mang thanh gươm đến cho nhà vua, nhà vua yêu cầu: “Gươm đây, hãy chặt đứa bé làm đôi. Mỗi người hãy nhận lấy một nửa, như thế là công bằng”.
Người phụ nữ thứ nhất thản nhiên nói: “Ừ thế vậy, tôi một nửa, cô một nửa”. Người phụ nữ thứ hai hoảng hốt nói: “Không! Tốt hơn hết hãy đưa nó cho cô ta, chỉ cốt làm sao nó được sống”. Khi người phụ nữ thứ hai vừa dứt lời, vua Solomon phán không chút chần chừ: “Hãy trao đứa bé cho người phụ nữ hoảng sợ. Cô ta mới là mẹ đích thực của đứa bé”.
Cho đến ngày nay, bất kỳ ai từng tiếp xúc với người Do Thái dường như đều có nhận xét họ đúng là con cháu dòng giống Solomon bởi họ luôn định hướng và tìm ra được cốt lõi của vấn đề, tìm cách giải quyết nó để tháo gỡ được mối bòng bong trăm mối của cuộc đời.
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Theo Pháp luật & Cuộc sống