Hoàng đế có biệt danh “vua Lợn” có liên quan đến chuyện một hoàng hậu nhảy vào lửa là Lê Tương Dực, tên thật là Lê Oanh, cháu nội của vua Lê Thánh Tông.
Thời Lê Uy Mục làm vua, triều chính dần suy vi, nhiều người bị giết hoặc cầm tù, kể cả người trong tôn thất. Bản thân Lê Oanh cũng bị bắt giam, sau trốn được chạy vào Tây Đô (Thanh Hóa ngày nay) và được một số quan tướng đứng đầu là Nguyễn Văn Lang lập làm minh chủ, dấy nghĩa lật đổ Lê Uy Mục.
Đầu tháng 11 năm Kỷ Tị (1509), đại quân của Lê Oanh kéo ra Bắc, chiếm được kinh đô, vua Lê Uy Mục bị quân của Lê Oanh bắt được đem giam vào ngục và ép uống thuốc độc tự tử. Ngày 4 tháng 12 cùng năm, Lê Oanh lên ngôi hoàng đế (sử gọi là Lê Tương Dực).
Trong thời gian ở ngôi, Lê Tương Dực đã làm được một số điều ích lợi, đáng khen ngợi, nhất là giai đoạn đầu làm vua, như ban Trị bình bảo phạm để khuyên răn, nhắc nhở từ quan lại đến dân chúng phải biết giữ lòng trung lương, làm những điều có ích cho xã hội, giữ lẽ công bằng, làm tốt trách nhiệm. Cho sửa chữa, trùng tu lại Quốc Tử Giám; tổ chức nhiều khoa thi Nho học, lấy đỗ 90 Tiến sĩ; cho dựng bia Tiến sĩ; sai bề tôi biên soạn sách sử là bộ Đại Việt thông giám thông khảo gồm 26 quyển…
Tuy nhiên, Lê Tương Dực lại sớm sa vào hưởng lạc, thích xây dựng nhiều công trình to lớn làm tổn hao ngân khố, kiệt quệ sức dân; vua còn là người háo sắc nên bị gán biệt danh xấu là “Trư vương” (vua lợn).
Tất cả những điều đó đã dẫn đến cơ nghiệp của Lê Tương Dực bị sụp đổ, lời nhận xét trong sách Đại Việt sử ký toàn thư ngắn gọn nhưng rất khách quan: “Vua khi mới lên ngôi, ban hành giáo hóa, cẩn thận hình phạt, cũng đáng gọi là có làm. Song ham chơi mà không quyết đoán, việc thổ mộc bừa bãi, nhân dân thất nghiệp, trộm cướp nổi dậy, dẫn đến nguy vong là bởi ở đấy!”.
Nhiều đại thần đã can ngăn, dâng sớ tâu xin nhà vua nên hồi tâm chuyển ý, chú trọng vào việc nước việc dân nhưng Lê Tương Dực đều không nghe, kết cục vua đã gặp họa lớn vào tháng 4 năm Bính Tý (1516).
Sử sách ghi lại chuyện này như sau: “[Trịnh] Duy Sản vì thường can ngăn, làm trái ý vua nhà vua tức giận, sai đánh bằng trượng. Duy Sản bèn cùng Lê Quảng Độ, Trình Chí Sâm bàn mưu bỏ vua này lập vua khác. Họ chuẩn bị sửa soạn binh thuyền khí giới, hội hợp ở bến Thái Cực, nói phao là đem đi đánh giặc; rồi nhân ban đêm họ đem quân Kim Ngô hộ vệ hơn ba ngàn người vào cửa Bắc Thần. Lúc lửa cháy, nhà vua ngờ là giặc kéo đến, đi lẻn ra ngoài cửa Bảo Khánh; lúc tờ mờ sáng, đi qua cửa Thái Học đến hồ Chu Tước ở phường Bích Câu, gặp Duy Sản, nhà vua hỏi: "Giặc ở đâu?". Duy Sản không trả lời, quay mặt đi đằng khác và cười ầm lên. Nhà vua quay ngựa chạy sang mặt tây, Duy Sản sai võ sĩ tên là Hạnh đâm nhà vua ngã ngựa rồi giết đi” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
|
Bà hoàng trong ngọn lửa (Tranh minh họa). |
Sau khi giết vua, Trịnh Duy Sản sai mang xác Lê Tương Dực đem thiêu ở quán Bắc sứ (khu vực Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ngày nay), sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi thêm thuyết khác, theo đó “có thuyết nói để xác vua ngang trên mình ngựa đem về cửa Nam, thiêu ở viện Đãi Lậu, chỗ phủ Tể tướng”.
Trong cảnh bi thương của Lê Tương Dực, chính sử cho biết chỉ có hai người chết theo vua, đó là Thượng thư bộ Hình Nguyễn Vũ và người thứ hai Khâm Đức hoàng hậu.
Về Khâm Đức hoàng hậu, sử sách ghi chép rất sơ lược; sách Đại Việt sử ký toàn thư viết rằng khi vua bị giết, “Khâm Đức hoàng hậu cũng tự nhảy vào lửa chết…. Hậu họ Nguyễn húy là Đạo, con gái viên quản lĩnh hương Văn Giang”; sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì chỉ ghi ngắn gọn: “Khâm Đức hoàng hậu cũng tự nhảy vào đống lửa để chết”…
Thân thế Khâm Đức hoàng hậu được ghi chép rõ hơn trong sách Đại Việt thông sử: “Khâm Đức hoàng hậu họ Nguyễn, húy là Đạo, người huyện Văn Giang, là con gái viên quản lĩnh họ Nguyễn. Bà là người có đức hạnh. Khoảng năm Hồng Thuận (1509-1516) được lập làm hoàng hậu. Sinh ra ba hoàng nữ, con cả tên là Thọ Túc, phong là Bảo Phúc công chúa; con thứ hai là Thọ Nguyên, con thứ ba là Thọ Kính, đều chưa kịp phong.
Năm thứ 8, nhà vua bị Trịnh Duy Sản giết, đem thiêu ở quán Bắc sứ, bà nghe có biến loạn, theo nghĩa không muốn sống thừa, bèn nhảy vào lửa ở điện Mục Thanh mà mất. Quan quân đem hai quan tài về táng ở Nguyên Lăng thuộc xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên. Về sau được truy tôn tên thụy là Khâm Đức Thuận Liệt Đôn Tiết hoàng hậu”.
Theo Phunuonline