Nộp mạng cho thần để giúp chồng dựng nghiệp
Sau 10 năm kháng chiến chống đầy gian khổ để quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi nước ta, Lê Lợi lên ngôi vua lập ra triều Lê. Thời đó ông đã cho bàn định và lập danh sách các công thần khai quốc. Tuy nhiên có một người dù không có trong danh sách đó nhưng có lẽ trong lòng Lê Lợi thì lúc nào cũng là công thần. Đó chính là một người thiếp tên là Ngọc Trần.
Bà Ngọc Trần tên đầy đủ là Trần Thị Ngọc Trần đã hy sinh mạng sống của mình để giúp nhà vua gây dựng cơ nghiệp. Câu chuyện hy sinh của bà có mang yếu tố thần bí và được sách "Lam Sơn thực lục" chép thế này:
“Năm 1425, cuối tháng giêng, Lê Lợi tiến ra Nghệ An. Khi tới thành cửa sông Hưng Nguyên, chỗ ấy có đền thờ thần (tục gọi là thần Quả). Nhà vua đêm chiêm bao thấy thần nhân nói với nhà vua rằng: “Xin một người vợ lẽ của tướng quân sẽ xin phù hộ tướng quân đánh được giặc Ngô để gây nên nghiệp Đế”. Hôm sau nhà vua với các vợ lẽ đến hỏi rằng: “Ai chịu làm vợ lẽ cho Thần? Ta được thiên hạ sẽ truyền cho con làm Thiên tử!
|
Tranh minh họa vua Lê Lợi và công thần Nguyễn Trãi. |
Khi ấy mẹ vua Thái Tông húy là Trần Thị Ngọc Trần, quỳ xuống nói với nhà vua rằng: “Túc hạ giữ đúng lời giao ước, thiếp xin chịu nhận việc ấy. Ngày sau chớ phụ con thiếp”.
Nhà vua bèn giao ước với các quan văn võ y như lời ấy. Ngày 24 tháng 3, nhà vua giao Ngọc Trần cho thần Phổ Hộ bắt lấy, chết ngay trước mắt! Đến khi bình giặc Ngô, nhà vua lên ngôi, nói rằng: “Ta là chúa bách thần”.
Sau đó sai người động Nhân Trầm là Lê Cố đem hài cốt (của phu nhân Ngọc Trần) về đến xã Thịnh Mỹ. Chiều đến chưa kịp qua sông, ngủ ở nơi chợ. Một đêm mối đùn thành đống đất, lấp lên huyệt thành mộ. Sứ giả thấy điềm lạ về tâu. Nhà vua nói: “Thần nhân đã y lời hẹn!”. Do vậy liền truyền để hài cốt lại đấy, lập điện Hiển nhân để phụng thờ. Sau đó bà cũng được sắc phong là đức Cung từ hoàng thái hậu.
Nửa nén vàng một mối tình son sắt
Thời vua Gia Long còn long đong có một người vợ họ Tống. Bà tên gì không rõ, chỉ biết là con gái của Thái bảo Quốc công Tống Phúc Khuông. Tống Phúc Khuông quê ở huyện Tống Sơn (Thanh Hóa), cho nên, sử vẫn chép bà là người ở Quý huyện. Bà sinh năm Tân Tị (1761), mất năm Giáp Tuất (1814), thọ 53 tuổi.
Năm Mậu Tuất (1778), bà 17 tuổi, theo cha là Tống Phúc Khuông và chúa tôi họ Nguyễn chạy vào Gia Định. Nguyễn Phúc Ánh (lúc bấy giờ 18 tuổi) đã cưới bà, phong bà làm Nguyên phi. Do lúc bấy giờ quân Nguyễn Ánh đối địch không lại quân Tây Sơn nên phải bôn tẩu khắp nơi. Vì thế bà Nguyên phi cũng phải long đong lận đận nay nơi này mai nơi khác.
|
Chân dung vua Gia Long. Ảnh: Internet. |
Năm 1783 bị Tây Sơn truy đuổi gắt gao trong khi binh mã chẳng còn là bao, Nguyễn Ánh đã sang cầu cứu quân Xiêm La, đồng thời cậy nhờ Bá Đa Lộc đem Hoàng tử Cảnh (con bà Nguyên phi) sang Pháp xin thêm ngoại viện. Trước khi đi, Nguyễn Ánh giao trọng trách trông nom mẹ già và mọi việc gia thất cho bà Nguyên phi.
Theo sách "Việt sử giai thoại", lúc đó, Nguyễn Ánh lấy một nén vàng tốt đem chặt ra làm đôi đưa cho Nguyên phi một nửa và mình giữ một nửa rồi nói: “Con ta đi rồi và ta cũng sẽ đi đây. Phi hãy phụng dưỡng Quốc. Ngày gặp lại cũng chẳng biết là vào lúc nào và ở đâu, bởi vậy, Phi hãy lấy nửa nén vàng tốt này làm của tin”.
Sau đó Nguyễn Ánh rước được năm vạn quân Xiêm La về hòng đè bẹp Tây Sơn nhưng lại bị Nguyễn Huệ đánh cho tan tác trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút nên Nguyễn Ánh lại tiếp tục những tháng ngày bôn tẩu. Về phần bà Nguyên phi, sau khi Nguyễn Ánh đi rồi, bà đã đưa mẹ chồng chạy ra đảo Phú Quốc náu mình.
Đến năm 1788, Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định bà mới đưa mẹ chồng về đoàn tụ. Cũng từ đây bà luôn đi theo Nguyễn Ánh để phụ giúp mọi việc. Sách "Kể chuyện các ông vua nhà Nguyễn" của Tôn Thất Bình còn nói rằng có lần gặp lúc đánh nhau với quân Tây Sơn bất lợi, bà đã tự thân đốc chiến giúp quân của Nguyễn Ánh hăng hái giành thắng lợi.
Sách đó viết: “Một lần, quân Nguyễn giao chiến với quân Tây Sơn, đến hồi quyết liệt, quân Nguyễn núng thế, muốn rút lui, bà tự tay nổi trống thúc quân, quân Nguyễn Ánh hăng hái trở lại, xông lên và cuối cùng thắng lợi”.
Sau khi Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn lập ra triều Nguyễn, nhớ công lao của bà, năm 1803 đã phong bà làm Vương hậu và 3 năm sau thì lập làm Hoàng hậu. Tác giả Nguyễn Khắc Thuần trong sách "Việt sử giai thoại" khi chép chuyện về bà đã có những lời nhận xét rằng: "Xét đạo làm vợ, bà là người tiết hạnh và thủy chung son sắt, một lòng một dạ chăm lo cho cơ nghiệp của chồng, cho nên không thể vì việc trách cứ chồng bà là Nguyễn Ánh mà quên việc ghi nhận chút lòng trung trinh của bà được. Xét dạo làm dâu, bà là người ăn ở chí tình, lúc bôn tẩu đó dây cũng như khi yên hưởng thái bình đều một lòng cung kính mẹ chồng, cho nên, chẳng thể vì coi nhẹ triều Nguyễn mà quên mất đức lớn của bà kể từ khi xuất giá."
Nam Khánh