Bà hoàng Từ Hy đón Tết thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Khi triều Thanh đã tới hồi mạt vận, Từ Hy vẫn không bỏ thói quen ăn chơi hưởng lạc, nhất là thú “tống cựu nghênh tân” dịp Tết cổ truyền.

Những năm cuối triều Thanh, dù chính quyền đã bên bờ tuyệt diệt nhưng chốn cung đình vẫn duy trì cuộc sống xa xỉ, hoan lạc. Giáp Giao thừa năm 1901, sau lễ cúng Táo quân 23 tháng Chạp, Phủ Nội vụ bèn thông báo cho tổng quản các cung về việc phong ấn chuẩn bị nghi lễ đón năm mới. Sau khi tấu bẩm thái hậu, Phủ Nội vụ chiểu quy định cũ trong cung truyền cáo tới các phúc tấn, mệnh phụ, cách cách và ngọc nữ con quan nhất phẩm, nhị phẩm tiến cung ngày 25 tháng Chạp để nghênh đón tân xuân.

Thử tài cách cách dịp cuối năm

8 giờ sáng ngày 25, sau khi an tọa, Từ Hy thái hậu cho đám cách cách vào chầu. Hành lễ xong, các công chúa phân theo thứ bậc mà ngồi bên bà hoàng. Từ Hy chúc họ vài câu tốt lành, hỏi han tuổi tác, học vấn từng người rồi cho lui.

Tốp thứ hai vào triều kiến là những phúc tấn, mệnh phụ. Đám người này được hoàng hậu, phi tử và cách cách trong cung phụ trách đón tiếp.

 Chân dung Từ Hy thái hậu.

“Đón năm mới, đương nhiên phải vui vẻ chúc tụng nhau, nhưng mọi người cũng không nên quá nhàn rỗi. Triều đình ta gia pháp nghiêm ngặt, nhất là đàn bà con gái nên hiểu cái đạo trong nhà, trước tiên phải biết thêu thùa may vá. Xưa nay, phàm là y lý (ý chỉ quần áo và giày) ngự dụng của đấng quân vương đều do hoàng hậu, quý phi đích thân may vá. Ta thấy cách cách các phủ ai nấy đều ưa hòa nhoáng xa hoa, có khi cầm kim còn không thạo chứ đừng nói chuyện thành thục khâu vá. Toàn những người chỉ ngồi đó mà hưởng thụ, sau này xuất giá thì biết làm gì? Nay ta lệnh cho hoàng hậu, phi tử, phúc tấn, mệnh phụ mỗi người cắt một bộ quần áo rồi cho cách cách mỗi người khâu một bộ. Hạn trong 2 ngày phải xong và giao nộp lại”, Từ Hy lên tiếng.

Vừa nghe xong ý chỉ của Lão Phật gia, có  vị phúc tấn hoảng sợ mất mật, mồ hôi túa ra đầm đìa bởi thừa hiểu khả năng khâu vá của con gái mình. Nhưng cũng có vị khấp khởi mừng thầm vì hy vọng ngọc nữ nhà mình có dịp trổ tài khéo tay trong đường kim mũi chỉ.

Từ Hy lệnh cho Lý Liên Anh chuẩn bị vải vóc, kim chỉ cùng những mẹt đựng để sẵn trên bàn. Tiếp đó, bà hoàng lên tiếng: “ Cắt xong thì có thể đi xem kịch. Các cách cách hôm nay cứ thoải mái mà đi xem, tới ngày 26 và 27 làm xong cho ta là được, không phải vội vã, lo lắng”.

Những cách cách không biết khâu vá nhân cơ hội Từ Hy và các phúc tấn đi chơi bài thì âm thầm đưa vải cho đám chị em thạo việc làm hộ rồi ung dung đem những bộ y phục đã hoàn chỉnh đặt lên bàn.

Cũng có cách cách “thật như đếm”, không muốn làm chuyện giả dối điêu ngoa, đã tự tay khâu khâu vá vá, sản phẩm thế nào thì cứ vậy bày ra. Cuối cùng, thái hậu “cưỡi ngựa xem hoa”, quan sát một lượt các bàn rồi cho đám hoàng hậu, phi tử bình phẩm và ban thưởng theo đẳng cấp.

Thú “tống cựu, nghênh tân” rất riêng của bà hoàng

Ngày 30 tháng Chạp, thái hậu dậy sớm hơn bình thường. Hoàng hậu cũng tỉnh giấc từ mờ sáng và đã lên điện. Riêng đám cách cách thì quần là áo lượt, trang điểm xong xuôi từ khi trời chưa sáng.

Đợi cho Từ Hy thái hậu ra khỏi tẩm thất, an tọa đâu vào đấy, Long Dụ hoàng hậu dẫn đám người cùng hành lễ thỉnh an bà. Xong xuôi, Từ Hy lệnh cho hoàng hậu dẫn các phúc tấn đến dâng hoa trước Phật; Đại công chúa thì dẫn đám cách cách bày biện vật phẩm cúng lễ trước Phật. Mọi người cùng làm đến tận trưa mới xong.

 Tạo hình Từ Hy thái hậu trên phim.

Bà hoàng tự tay viết 20 bức có chữ Phúc, chữ Thọ hình vuông cả thước rồi cất lời: “ Ai thích viết chữ thì viết như ta đây, đừng sợ xấu, càng luyện sẽ càng đẹp , nhát gan thì chẳng làm được gì”. Từ Hy vừa dứt lời đã có cách cách mạnh dạn cầm bút, nhưng chữ viết nghuệch nghuệch ngoạc ngoạc. Thấy vậy, thái hậu cười nói: “Vẽ hổ bất thành, thành ra vẽ chó”.  Nghe thấy vậy, cả đám cách cách cười ồ lên khiến người vừa trổ tài đỏ chín mặt vì xấu hổ.

Tới 5 giờ chiều, Hoàng đế Quang Tự dẫn theo đám tông thất, các Vương công Mãn, Mông và đám quan viên Mãn, Hán từ hàng nhị phẩm đến cung Ninh Thọ làm lễ từ tuế với Từ Hy thái hậu. Trang Baike lý giải về lễ từ tuế như sau: Trước phút giao thừa, họ hàng thân thuộc sẽ tới thăm hỏi, khấu bái các bậc tôn trưởng, những đấng bề trên của gia tộc và dành cho họ lời chúc bình an, cát tường trong giây phút “tống cựu, nghênh tân”.

Sau khi tiếng chuông điểm giao thừa 12 giờ đêm vang lên, thái Hậu lệnh cho mọi người lên điện. Bố trí bàn dài xong xuôi, Ngự thiện phòng bê những rau, đậu đã chuẩn bị sẵn đặt lên bàn. Bà hoàng lúc này ra lệnh cho mọi người cùng làm bánh nhân chay. Thế là người cắt, người băm…xong xuôi đâu đấy thì dâng lên thái hậu. Đám hoàng hậu, phi tử và đại công chúa có trách nhiệm trộn nhân, còn khẩu vị mặn nhạt ra sao sẽ do Từ Hy quyết định.  Khi trời tang tảng sáng cũng là lúc bánh chẻo (sủi cảo) đã xong. Bà hoàng lại lệnh cho mọi người trở về thay y phục, trang điểm chải chuốt lại. Một lúc sau, ai nấy đều quay lại điện.

Từ Hy ngồi trước bàn, còn hoàng hậu và những người khác đứng cạnh. Sau khi cung nữ đem bánh đã hấp chín lên, bà hoàng cất lời: “Đây là thời khắc bắt đầu năm mới, tháng mới, giờ mới, chúng ta không được quên giờ này ngày này của năm cũ. Hôm nay, chúng ta có thể ăn bát cơm ăm ắp hai chữ “thái bình” ấy là nhờ Thần Phật phù hộ, liệt tổ liệt tông che chở”. Nói xong, Từ Hy lệnh cho mọi người cùng ăn. Tất thảy đều dập đầu tạ ơn ân biển của Lão phật gia. Ăn xong bánh thì trời mới sáng rõ, bà hoàng lại lệnh cho phúc tấn, mệnh phụ ai nấy trở về phủ của mình…

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Lệ Hằng (theo China.com.cn, Baike)