Nam Sơn chủ nhân
Nguyễn Đức Đạt, tự Khoát Như, sinh năm 1824 tại làng Hoành Sơn, xã Nam Hoa Thượng, tổng Trung Cần, nay là xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn - một vùng núi sông hùng vĩ, có nhiều di tích lịch sử và thắng cảnh đẹp. Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng: cha là Nguyễn Đức Diện đỗ cử nhân năm 1824, con là Nguyễn Đức Hiển đỗ cử nhân năm 1912 và cháu là Nguyễn Đức Vân đỗ phó bảng năm 1906.
Từ thuở nhỏ Nguyễn Đức Đạt nổi tiếng thông minh, học giỏi và uyên bác về nhiều mặt. Ông đỗ cử nhân khoa Đinh Mùi (1847) đến khoa thi Quý Mão đời Tự Đức (1853), ông cùng Nguyễn Văn Giao, người làng Trung Cần đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh tức Thám hoa. Các vị trúng đệ nhất giáp đều được vua mời gặp. Nguyễn Đức Đạt được gọi vào trước nên gọi là Thám Nhất.
Buổi đầu Nguyễn Đức Đạt được bổ làm quan ở Viện Tập Hiện làm thị giảng rồi bổ làm Cấp sự trung. Được một thời gian ông xin triều đình về quê mở trường dạy học và phụng dưỡng cha mẹ già. Nghe tiếng về trình độ học vấn và đức độ của ông, sĩ tử gần xa đến xin học rất đông. Trường học không đủ chỗ ngồi, những buổi bình văn, thầy Đạt phải chuyển trường lên núi Nam Sơn, cách nhà khoảng 500m.
Tại đây, thầy lợi dụng những bậc đá cao thấp làm thành một giảng đường tự nhiên, rất thuận tiện và thoáng đãng. Hàng trăm học sinh đã đến nghe thầy bình văn, giảng sách nên đường gọi là trường Nam Sơn, còn bản thân thầy được gọi là Nam Sơn chủ nhân. Những giáo trình thầy soạn ra để cho học sinh học được gọi là giáo trình của trường Nam Sơn như Nam Sơn song khoá phú tuyển, Nam Sơn song khoá chế nghĩa, Nam sơn Tùng thoại...
|
Lều chõng đi thi Hương dưới thời triều Nguyễn. |
Đốc học Nghệ An
Năm Tự Đức thứ 16 (1863) Triều đình thấy Nguyễn Đức Đạt có tiếng trong nghề dạy học nên bổ nhiệm ông làm Đốc học Nghệ An. Khi cha mẹ mất, ông về cư tang và tiếp tục dạy học. Hết tang, Triều đình triệu ông về kinh thành Huế, giao cho việc dạy học ở Quốc Tử Giám, sau thăng Án sát Thanh Hoá, rồi tuần phủ Hưng Yên. Năm Tự Đức thứ 26 (1873), bốn tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình lần lượt bị rơi vào tay thực dân Pháp và lần lượt sau đó là các tỉnh khác ở Bắc Kỳ. Trong bối cảnh ấy Nguyễn Đức Đạt cáo quan trở về núi Nam Sơn tiếp tục con đường dạy học.
Để dạy học, ngoài Nam Sơn song khoá phú tuyển, Nam Sơn song khoá chế nghĩa, Nguyễn Đức Đạt soạn thêm Đăng Long văn tuyển, Khả Am văn tập, Nam Sơn di thảo, đáng chú ý nhất là bộ sách Nam Sơn tùng thoại. Đây là bộ sách gồm 32 chương, viết theo lối vấn đáp, phát triển, bàn giải những vấn đề quan trọng trong các sách kinh điển của Nho gia, đó là vấn đề nhân hoà, đức độ, học vấn, pháp chế... đương thời.
Chính trong những ngày ngồi dạy học, trước những câu hỏi đặt ra của học sinh, ông đã suy nghĩ ghi chép lại một cách sinh động, hấp dẫn. Qua Nam Sơn tùng thoại, ngoài những ý kiến còn chịu ảnh hưởng của Khổng, Mạnh, Nguyễn Đức Đạt đã đưa ra nhiều quan điểm riêng, phù hợp với đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.
(Còn nữa...)
Chí Đức