Tuổi nhỏ phi thường
Nguyễn Xí sinh năm Đinh Sửu (1397) là con của ông Nguyễn Hội và bà Vũ Thị Hạnh. Ông nội của Nguyễn Xí là Nguyễn Hợp vốn quê ở làng Cương Gián (nay là xã Xuân Song, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) ở phía Nam sông Lam dưới chân núi Hồng Lĩnh, làm nghề ruộng và làm muối. Sau đó Nguyễn Hợp đã dời ra ở làng Thượng Xá (nay thuộc xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc) khai khẩn ruộng hoang và tiếp tục nghề làm muối. Từ nhỏ Nguyễn Xí cùng với anh cả là Nguyễn Biện theo cha đem muối ra vùng thượng du Thanh Hoá bán và nghe tiếng tăm của Lê Lợi ở đất Lam Sơn.
Năm 1405, Nguyễn Xí mới 9 tuổi thì mồ côi cha và sau đó không lâu mẹ cũng qua đời. Hai anh em Nguyễn Biện và Nguyễn Xí tìm ra Lam Sơn xin làm gia thần của Lê Lợi. Lê Lợi thu nạp hai anh em Nguyễn Biện và Nguyễn Xí, nuôi dưỡng như người trong nhà. Lê Lợi giao cho Nguyễn Xí nuôi dạy đàn chó săn gần 100 con. Nguyễn Xí đã dùng tiếng chuông, tiếng mõ làm hiệu lệnh để điều khiển bầy chó khi cho ăn, khi nằm, khi tiến khi lùi. Dần dà đàn chó nghe tiếng chuông, tiếng mõ đều răm rắp làm theo hiệu lệnh của chủ.
Nhìn thấy đàn chó vâng lệnh chủ, Lê Lợi rất mừng, khen ngợi Nguyễn Xí và nói: "Loài vật vô tri còn nuôi dạy được như thế, huống hồ là việc luyện tập và cai quản quân sĩ. Ngày nay có việc làm phi thường thì ắt mai sau sẽ có hành động phi thường".
|
Tranh minh họa. |
Gia thần thân tín
Năm Bính Thân (1416), Lê Lợi cùng 18 người bạn chiến đấu đã làm lễ thề tại Lũng Nhai, nguyện dốc sức đồng lòng, sống chết có nhau, đuổi giặc cứu nước. Từ đó một bộ chỉ huy khởi nghĩa đã hình thành và một cuộc chiến tranh yêu nước đang được xây dựng lên. Đầu năm Mậu Tuất (1418), ngọn cờ khởi nghĩa của Bình Định vương Lê Lợi đã bắt đầu giương lên ở núi rừng Lam Sơn. Nguyễn Xí với tư cách là gia thần thân tín của Lê Lợi, đã tham gia vào công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa và được chủ soái Lê Lợi giao cho chỉ huy một đội quân thiết đột là lực lượng xung kích nòng cốt của nghĩa quân.
Từ năm 1418 đến năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn hoạt động ở vùng núi rừng Thanh Hoá trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn gian khổ. "Quân lính chỉ độ vài ngàn, khí giới thật là tay không, cơm không đủ ngày hai bữa, áo không phân biệt đông hè". Trong hoàn cảnh gian khổ đó, Nguyễn Xí luôn có mặt bên cạnh Lê Lợi và thường được giao nhiệm vụ bảo vệ chủ soái và bộ chỉ huy.
Ngày 14 tháng 4 năm Mậu Tuất (21/5/1418), quân Minh được tên phản bội là Lê Ái dẫn đường mở một cuộc vây quét lớn vào căn cứ địa Lam Sơn. Quân giặc lùng bắt thân nhân của Lê Lợi (trong đó có người con gái 9 tuổi), vợ con của nghĩa quân hòng uy hiếp tinh thần chiến đấu của nhân dân ta. Nguyễn Xí cùng các tướng Đinh Lễ, Phạm Vấn, Đỗ Bí, Trương Lôi... đã chỉ huy nghĩa quân chống trả quyết liệt bảo vệ Lê Lợi và bộ chỉ huy rút lên núi Chí Linh an toàn.
Cuối năm Canh Tý (1420), tổng binh Lý Bân và đô đốc Phương Chính đem 10 vạn quân tiến công căn cứ Mường Thôi. Được tên đồng tri Quỳ Châu là Cầm Lãn dẫn đường cho quân giặc. Lê Lợi phái Nguyễn Xí và các tướng Lý Triệu, Phạm Vấn, Nguyễn Đình Lý đem quân ra mai phục sẵn ở Bồ Mộng. Quân giặc lọt vào trận địa mai phục của Nguyễn Xí bị giết hơn nghìn tên. Trận Bồ Mộng đã giáng một đòn phủ đầu bất ngờ vào quân giặc, tạo điều kiện cho nghĩa quân sau đó thừa thắng xông lên đập tan một cuộc tiến công lớn của quân Minh.
(Còn nữa)...
Trịnh Dương