Ai là hình mẫu thật của Trạng Lợn? (2)

Google News

(Kiến Thức) - Nếu Trạng Lợn trong dân gian danh nổi như cồn, chính sử cũng ghi nhận một “Trạng Lợn” người Bắc Ninh nhưng hình ảnh rất mờ nhạt trong lịch sử.

Có một trạng nguyên tên Trư

Sách Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ vua Lê Nhân Tông chép rằng: “Tháng 8 năm Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448), Tổ chức khoa thi để chọn hiền tài. Đến khi thi Đình, vua thân ra đề văn sách, hỏi về lễ, nhạc, hình, chính. Cho Nguyễn Nghiêu Tư đỗ Trạng Nguyên, Trịnh Thiết Trường đỗ Bảng Nhãn, Chu Thiêm Uy đỗ Thám hoa lang”.

Về xuất thân, bài “Trạng “lợn” – Nguyễn Nghiêu Trư” trên báo Bắc Ninh tháng 3/2007 cho biết: Ông hiệu là Tùng Khê người xã Phù Lương, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Lúc nhỏ theo cha làm nghề thịt lợn, lại đẻ vào tháng 10 tức tháng Hợi nên đặt tên là Nguyễn Văn Trư và thường gọi là cậu Lợn (chữ Hán “Trư” nghĩa là lợn).

 Truyện Trạng Lợn được in thành sách rất nhiều, là một trong những truyện nổi tiếng trong kho tàng truyện cười Việt Nam.

Nguyễn Văn Trư sớm nổi danh thông minh. Lúc nhỏ học cụ đồ ở gần nhà. Đến khi “biết chữ”, thầy đồ gửi ra học cụ Vũ Mộng Nguyên người xã Đông Sơn, huyện Tiên Du, từng đỗ Thái học sinh triều Hồ nhưng không ra làm quan mà về dạy học. Năm 1448, Nguyễn Văn Trư đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1448) đời vua Lê Nhân Tông. Tương truyền đêm trước ngày thi đình vua Nhân Tông nằm mơ thấy lợn đỗ trạng, vua sai xa giá xem bảng thấy trạng tân khoa là Nguyễn Văn Trư dân gian coi yết bảng cứ kháo thành vè “Long đầu lợn-Nguyễn Văn Trư”.  Vua liền đổi tên cho Trạng là Nguyễn Nghiêu Tư.

Bài báo cũng cho biết Nguyễn Nghiêu Tư làm quan đến chức An phủ sứ Hàn lâm Trực học sỹ, sau khi đi sứ nhà Minh về được phong Chưởng lục bộ thượng thư. Khi vinh quy bái tổ, dân làm nghè ở Phù Lương thị (chợ làng Phù Lương), tức làng Giùng, chợ Giùng để đón, nghè còn đến thời kháng chiến chống Pháp dân vẫn gọi là Nghè quan Trạng.

Tuy là một trạng nguyên song tên tuổi Nguyễn Nghiêu Tư rất ít được nói đến. Sách Đại Việt sử ký toàn thư – bộ chính sử của nước ta chỉ nhắc đến ông 2 lần. Lần đầu là năm 1448 khi ông đỗ Trạng nguyên. Lần thứ 2 chép vào tháng 12 năm 1448, Nguyễn Nghiêu Tư cùng với tiến sĩ Trịnh Kiêm được phong chức Hàn Lâm trực học sĩ. Lần sau cũng nhắc đến tên ông là trong phần phụ lục thời Lê Nghi Dân, năm 1459. Trong phần phụ lục này, sử ký chép về Nghiêu Tư như sau: “ Tháng ấy (tức tháng 10/1459) Nghi Dân sai bọn Lê Cảnh Huy, Nguyễn Như Đỗ, Hoàng Thanh, Nguyễn Nghiêu Tư sang nhà Minh nộp cống hàng năm và xin bỏ việc mò ngọc trai”.

Theo diễn biến lịch sử, cuối năm 1459, Nghi Dân giết Lê Nhân Tông rồi tự lên ngôi Vua nhưng chỉ được 8 tháng thì bị 2 đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt phế truất rồi tôn hoàng tử Tư Thành lên ngôi vua – tức vua Lê Thánh Tông. Kể từ đó, không thấy sử sách nhắc đến Nguyễn Nghiêu Tư nữa. Bởi thế nên đến nay, năm sinh năm mất và những công việc, chức vụ của Nguyễn Nghiêu Tư sau năm 1460 không biết ra sao.
.
Mối liên quan giữa Trạng thật với trạng giả

Như vậy là tồn tại 2 nhân vật Trạng Lợn. Một Trạng do dân gian nhào nặn nên còn một là có thật. Vậy hai trạng này có liên quan gì đến nhau hay không. Nếu lấy bài viết trên báo Bắc Ninh làm chuẩn cho tiểu sử của Trạng Nguyễn Văn Trư để so sánh với truyện dân gian thì ta thấy có khá nhiều chỗ giống nhau trong các giai thoại. Đó là truyện Trạng đối lại câu hỏi “Lợn cấn ăn cám tốn” bằng câu “Chó khôn chớ cắn càn”. Hay việc Trạng đi sứ sang Tàu, khi đến quan ải, quan coi ải viết một chữ thập dán ở cổng thành và đóng cửa không cho đoàn sứ qua. Trạng sai người vẽ một vòng tròn ra ngoài chữ thập khiến quan coi ải hiểu thành câu đối “Tung hoành vũ trụ” với “Bao quát càn khôn”… Điều đó cho thấy hai nhân vật này hẳn là phải có mối liên hệ như cách ông bà ta vẫn nói: “Không có lửa làm sao có khói”.

Phần kết bài báo nói trên, tác giả có phân tích về mối liên quan giữa trạng thật và trạng của dân gian. Đại ý là “vì ông sinh ra trong nhà bán thịt lợn, tên là Trư và gọi là Lợn, đã là lợn thì phải học dốt cho nên dân mới bịa ra mọi chuyện may mắn đến lạ lùng để khẳng định Trạng Lợn chỉ ăn may mà thành Trạng nguyên”.

 Truyện Trạng Quỳnh Trạng Lợn. 

Tuy nhiên trong Đại Việt sử ký toàn thư, ở sau phần chép việc Nguyễn Văn Trư đỗ trạng nguyên, các sử quan đã mở ngoặc nói thêm một đoạn rằng: “Nghiêu Tư từng thông dâm với mẹ vợ, bấy giờ, có người ghi vào chuồng lợn là “phường trạng nguyên”, có người hát ở đường cái rằng: “Trạng nguyên Trư Nguyễn Nghiêu Trư” là chế diễu hành vi xấu xa đó”.

Từ mấy dòng ngắn ngủi này của sử ký, ta có thể đặt một giả thiết về mối quan hệ giữa truyện dân gian với nhân vật thật. Đó là vì Nguyễn Văn Trư từng có hành vi xấu xa mà nay lại đỗ Trạng nguyên – địa vị đứng đầu sĩ tử thì người dân bất bình. Bởi thế người ta chế diễu và phủ nhận ông. Hành động viết vào chuồng lợn 3 chữ “phường trạng nguyên” nhằm mỉa mai ông Trạng cũng như con lợn, không có cương thường lễ nghĩa (vì đã thông dâm với mẹ vợ).

Dân ta vốn có truyền thống bài xích rất mạnh, cái gì đã không ưa thì phải đả kích sâu cay cho chết thì thôi. Từ ghét bỏ về đạo đức, dân gian đi đến chỗ phủ nhận năng lực và không tin một người như thế mà đỗ Trạng nguyên. Bởi thế, họ đã sáng tác nên những giai thoại về những may mắn kiểu “mèo mù vớ cá rán” đã đưa Trạng Lợn thành Trạng nguyên. Tất cả chỉ nhằm một thông điệp rằng Trạng lợn dốt đặc nhưng ăn may nên đỗ đạt.

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Vũ Tiến Đức