Chuyện về Trạng Lợn trong dân gian có thể nói là phong phú và rất hài hước. Tuy vậy, có hay không một Trạng Lợn trong lịch sử, hoặc truyện Trạng Lợn được sáng tác dựa trên hình mẫu nhân vật nào là điều còn ít người biết tới.
Xuất thân khác lạ
Trạng Lợn trong dân gian có xuất thân đậm nét thần thoại. Người ta bảo Trạng sinh ra ở làng Dừa thuộc tỉnh Hà Nam. Bố Trạng là ông Lương, làm nghề bán thịt lợn. Do tình cờ, ông Lương gặp được thày địa lý Tả Ao và đã đối đãi rất tử tế nên Tả Ao muốn đáp ơn mới chỉ cho một huyệt đất phát Trạng nguyên. Một thời gian sau khi Tả Ao đặt lại ngôi mộ của thân phụ ông Lương vào huyệt đất đã chọn thì gia đình ông Lương làm ăn dần thịnh vượng. Gần một năm sau thì vợ ông thụ thai và sinh ra được một đứa con trai rất thông minh. Đứa trẻ này sau đó lớn lên trở thành Trạng Lợn.
|
Bản sự tích Trạng Lợn trong kho tàng Hán Nôm của thư viện Quốc Gia. |
Trong một giai thoại khác, vẫn là gia đình ông Lương người họ Dương ở làng Dừa thuộc tỉnh Hà Nam nhưng lại nêu ra một cốt truyện khác. Người ta lại kể: có lần ông Lương đi chợ qua 1 cái gò và nghe có tiếng trẻ con bảo “Thày đi chợ mua quà cho con”. Nhìn quanh không thấy ai cả, ông Lương tưởng là mình nghe nhầm nhưng đến khi về qua đấy lại có tiếng nói: “Con đã dặn mà thầy không mua quà cho con”. Ông Lương mới nói rằng: “Có phải thế thật thì để mai thầy mua cho”.
Rồi từ hôm sau ông cứ đều đặn mua quà cho đứa trẻ. Quan sát thấy nó nhận quà xong đi đến cái gò đất thì biến mất, ông cho là thần đồng trong gò hiện ra nhưng để bụng không nói với ai. Được chừng 3 tháng thì ông bảo đứa trẻ: “Con có muốn ăn quà thì về nhà thầy chứ ở đây thì thầy chẳng lấy đâu ra mà cho mãi được”. Đứa trẻ nghĩ một hồi rồi đồng ý. Ông Lương lại hỏi: “Con ở với thầy bao lâu?”, đứa trẻ đáp: “Thầy cho con bao nhiêu lần quà thì con ở với thầy bằng ấy năm”. Từ hôm sau ông Lương không gặp đứa bé nữa, nhưng mươi hôm sau nó lại xuất hiện và theo ông về nhà. Hai người về đến nhà thì vợ ông đang sắp sinh, nhìn lại thì không thấy đứa bé đâu nữa. Ông Lương đặt tên con trai là Chung Nhi.
Một chuỗi may mắn bất ngờ
Khi Chung Nhi được 4, 5 tuổi, có hôm hai cha con gặp một ông Trạng về vinh quy bái tổ, cậu hỏi cha: “Ông kia là ai mà đội mũ đẹp thế?”, cha bảo: “Đấy là ông Trạng”. Thích chí, Chung Nhi bảo: “Lớn lên con cũng làm ông Trạng”. Rồi từ đó gặp ai Chung Nhi cũng tự xưng là Trạng. Dần dần người xung quanh cũng quen và vì nhà làm nghề thịt lợn nên người ta gọi cậu Trạng Lợn.
Không chỉ dừng lại ở chỗ tự xưng, Trạng Lợn đã trở thành Trạng nguyên được vua phong hẳn hoi. Dân gian đã khéo thêm thắt những chuyện ly kỳ để hành trình đạt được ngôi vị Trạng nguyên của Trạng Lợn rất thú vị. Khi đã thành niên thì cha mất, Trạng Lợn chỉ chơi bời lêu lổng, bị mẹ mắng thì lại bảo sau này con sẽ làm quan Trạng cho mẹ xem. Thấy mẹ không tin, Trạng quyết chí xin đi thi. Khi đi ngang qua trang trại của Bùi tướng công là một vị quan về hưu, Trạng gặp một cô gái xinh đẹp đứng trong vườn nên lân la ở đấy.
Bùi tướng công đang ngủ mơ thấy có thần nhân bảo dậy ngay ra cổng đón quan trạng. Tướng công ra thì thấy có 1 anh học trò đang đứng đó thật bèn mời vào nhà chơi. Để thử tài, Bùi công mới mời Chung Nhi ngâm vịnh. Chẳng nghĩ lâu, chàng đọc luôn 2 bài thơ mà trên đường đi đã nghe lỏm được của 2 anh chàng cũng lều chõng lên kinh. Nghe thơ, Bùi công cho là có tài năng mới có lòng muốn nhận làm rể nhưng Trạng bảo đợi đỗ Trạng nguyên rồi mới tính chuyện gia thất khiến Bùi công càng khâm phục. Cơm rượu xong xuôi, Trạng được xếp về phòng ngủ, thấy trên tường có mấy chữ “Bát đao phân mễ phấn”. Trạng chỉ đọc được chữ Phấn, đoán đấy là tên tiểu thư nên cũng tiện bút viết đại vào bên cạnh chữ Chung tên mình.
Ngờ đâu đây là câu đối của Phấn tiểu thư đưa ra, nếu ai đối được thì nàng sẽ ưng làm vợ. Thấy Trạng viết chữ Chung, tiểu thư nghĩ thành câu “Thiên lý trọng kim chung” đối với câu “Bát đao phân mễ phấn” rất chỉnh cho nên đã ưng ý Trạng Lợn. Thế là một chữ viết đại mà lấy được tiểu thư lá ngọc cành vàng của Bùi tướng công.
|
Nhờ câu đối này mà Trạng Lợn vừa được vợ đẹp vừa thành Trạng nguyên. |
Rời nhà Bùi tướng công sau khi đã đính ước với tiểu thư Phấn, Trạng bị lạc đường vào một ngôi miếu hoang. Tại đây, Trạng gặp 1 ông lão nói cho biết rằng năm nay khoa thi sẽ hoãn và dạy Trạng cách xem bói để lên kinh kiếm sống đồng thời dặn mùa xuân sang năm ra cổng phía đông kinh thành ngồi, hễ thấy có ai nhảy từ trên thành xuống thì cõng lấy chạy đi.
Y lời ông lão, Trạng lên kinh hành nghề bói toán, cũng lại may mắn nên lần nào cũng nói linh tinh mà vẫn trúng. Đến mùa xuân năm sau, Trạng ra cổng thành phía đông ngồi. Một đêm bỗng thấy có người ngã. Trạng chạy lại cõng thì quân lính đuổi tới nhưng Trạng đã nhanh chân cõng người kia chạy về trốn ở chùa Thầy. Người được cứu chính là Lê Thánh Tông sau này. Do Lê Nghi Dân cướp ngôi, giết hại trung thần nên hoàng tử Lê Tư Thành bị quân lính truy đuổi. Ít lâu sau Nghi Dân bị phế, triều đình hoàng tử Tư Thành về cung lên ngôi vua.
Để trả ơn cứu mạng, vua sẵn lòng ban bạc vàng nhưng cho gì Trạng cũng không lấy, chỉ xin vua phong là Trạng Nguyên. Triều đình can ngăn vì Trạng Nguyên là người phải thi đỗ mới được còn có công thì thưởng bạc vàng là được. Tuy vậy vua Thánh Tông vẫn đồng ý phong Trạng. Một hôm nhà Vua về chùa Thầy để lễ tạ và ban cho các vị sư trụ trì rất nhiều vàng bạc để tu bổ lại chùa. Đến khi sửa đến gác chuông, nhà vua đọc "Thiên lý trọng kim chung" rồi hỏi bách quan có ai đối được không. Tất cả đều đứng ngây như phỗng. Nhớ lại câu đối ở nhà Bùi công, Trạng Lợn đọc ngay “Bát đao phân mễ phấn”. Vua khen hay và cho là phong Trạng Nguyên cũng không quá bèn ban cho cái biển “Chân Trạng Nguyên” để về quê vinh quy bái tổ. Thế là 1 câu đối mà vừa được làm Trạng vừa được vợ.
Sau khi đã được là Trạng nguyên, truyện về Trạng Lợn vẫn còn nhiều giai thoại khác. Nào là đi sứ sang Trung Quốc và đối đáp bên ấy, nào là phân biệt đầu gốc đầu ngọn trong cây gỗ mà sứ giả Trung Quốc mang sang đố… Từ đầu đến cuối truyện Trạng Lợn đều làm nổi bật lên một nhân vật không biết gì nhưng lần nào cũng may mắn thành công. Trong khi đó, theo chính sử, ở Bắc Ninh có một người thi đỗ Trạng Nguyên đàng hoàng và cũng được gọi là Trạng Lợn. Vậy hai người là một hay khác nhau? Trạng Lợn ở Bắc Ninh và Trạng Lợn ở Hà Nam liệu có liên quan?
(Còn nữa...)
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Vũ Tiến Đức