1. Con đầu lòng của Hoàng tử William và Công nương Kate dù là gái hay trai đều đứng thứ 3 theo thứ tự kế vị ngai vàng, sau bố và ông nội - Thái tử Charles.
|
Hoàng tử William cùng Công nương Kate rạng rỡ bên con trai bé nhỏ mới chào đời.
|
Trước khi Công nương Kate hạ sinh hoàng tử George, luật lệ của Hoàng gia Anh từ nhiều thế kỷ trước thường ưu tiên cho nam giới giành quyền thừa kế ngai vàng. Vương miện sẽ chỉ được trao cho con gái của nhà vua nếu như hoàng hậu không sinh hạ được hoàng tử. Tuy nhiên, đến năm 2011, các nhà lãnh đạo của 16 quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung Anh trong đó có Nữ hoàng Elizabeth II - người được coi là nguyên thủ quốc gia đã đồng ý sửa đổi các quy tắc trên. Theo đó, con của vua dù là công chúa hay hoàng tử đều có quyền thừa kế ngôi báu. Nếu như hoàng tử sinh sau công chúa thì cậu cũng không được “vượt mặt” chị gái để xếp ở hàng nối ngôi cao hơn, đương nhiên, người chị cũng không phải nhường ngôi cho em trai mình.
Các quy định mới trong luật kế vị ngai vàng của Anh cũng xóa bỏ lệnh cấm người thừa kế ngai vàng kết hôn với một người theo Công giáo La Mã. Trước khi có sự thay đổi này, hành động trên là một trong những điều tối kỵ mà người thừa kế ngôi báu không được phép phạm phải. Tuy nhiên, lệnh cấm một người theo Công giáo trở thành quốc vương vẫn được duy trì.
2. Hoàng tử William là người thừa kế ngai vàng đầu tiên được sinh ở bệnh viện
Con trai của Thái tử Charles và Công nương Diana là hoàng tử William đã chào đời tại Bệnh viện St Mary’s ở London vào ngày 21/6/1982. Sau đó, bản thông báo về sự chào đời của hoàng tử William có chữ ký của các bác sĩ đã được niêm yết trên một chiếc giá lộng lẫy đặt ngay tại sân trước Cung điện Buckingham, theo đúng truyền thống. Tương tự, khi hoàng tử George chào đời, Hoàng gia Anh cũng làm điều đó với thông tin Công nương Kate và hoàng tử mới chào đời hoàn toàn khỏe mạnh. Họ đặt thông cáo đó trên chiếc giá lộng lẫy.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, hoàng gia Anh thông báo tin vui về sự chào đời của hoàng tử George với thế giới thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Người ta dự đoán rằng, dù là hoàng tử hay công chúa mới chào đời đều sẽ được rửa tội bằng nước lấy từ sông Jordan (theo đạo Kitô giáo, Chúa Giêsu được rửa tội bằng nước lấy từ dòng sông đó), theo truyền thống của Hoàng gia Anh.
3. Trước khi Thái tử Charles chào đời năm 1948, các ngoại trưởng Anh (quan chức cấp cao trong chính phủ) đã chứng kiến sự chào đời của thành viên Hoàng gia
Một trong những trường hợp đáng chú ý là năm 1930, Ngoại trưởng John Robert Clynes đã đến Scotland để chứng kiến sự ra đời của công chúa Margaret tại lâu đài Glamis. Margaret là con gái của Vua George VI và em gái của Nữ hoàng Elizabeth II . Ông Clynes đã phải ở lại Scotland trong hai tuần vì công chúa Margaret chào đời muộn hơn so với dự kiến.
4. Con của Hoàng tử William và Công nương Kate là chắt thứ 3 của Nữ hoàng Elizabeth II - người có thời gian cai trị lâu thứ hai ở Vương quốc Anh
Người con thứ ba và thứ tư của nữ hoàng Elizabeth là Hoàng tử Andrew và Hoàng tử Edward đều được sinh tại Cung điện Buckingham, giống như anh trai là Charles. Khi hai hoàng tử này chào đời thì Nữ hoàng Elizabeth vẫn là một cô công chúa. Mãi đến năm 1952, Nữ hoàng mới lên ngôi báu sau khi vua George VI băng hà. Bà nắm quyền cai trị đất nước từ đó cho đến nay - 61 năm.
5. Nữ hoàng Victoria (1819-1901) 9 lần lâm bồn nhưng lại ghét mang thai và sinh con
Năm 1840, Nữ hoàng Victoria lần đầu mang thai. Khi đang mang thai tháng thứ 4, bà bị một người London thất nghiệp tên là Edward Oxford cố gắng ám sát khi đang ngồi trong xe ngựa với chồng là Hoàng tử Albert. May mắn là Nữ hoàng Victoria bình an vô sự. Sau đó, Oxford được xác định là bị tâm thần nên không bị phán tội mà được đưa đến bệnh viện tâm thần để điều trị.
Nữ hoàng Victoria là người đầu tiên sinh con nhờ chloroform – chất có tác dụng gây mê được phát hiện trong những năm 1840. Bà đã sử dụng đến loại thuốc đó khi sinh người con thứ 8 và thứ 9 là Hoàng tử Leopold năm 1853 và Công chúa Beatrice năm 1857. Cũng từ đây, việc sử dụng thuốc gây mê được trở nên phổ biến trong trong giới thượng lưu London. Mặc dù 9 lần mang thai và sinh nở, nhưng Nữ hoàng Victoria lại rất ghét việc mang bầu. Bà thường có ý nghĩ rằng những đứa trẻ mới sinh đều xấu xí và đã quyết định không cho con bú sữa mẹ.
6. Những đứa trẻ hoàng gia mới chào đời nhận được sự quan tâm, chúc phúc của công chúng trong nhiều thế kỷ.
Hoàng tử xứ Wales James Francis Edward là một trong những nhân vật hoàng gia nhận được sự chú ý của dư luận bởi lẽ trước khi ông chào đời, Mary of Modena – người vợ thứ hai theo Công giáo của Vua James II từng bị sảy thai nhiều lần và có người nói rằng bà không thể sinh con.
Nhưng kể từ khi Mary of Modena hạ sinh Hoàng tử Edward vào năm 1688, công chúng tiếp tục bàn tán và cho rằng, vị hoàng hậu trên đã lén lấy một đứa bé giả mạo làm người thừa kế ngai vàng để đưa một người thừa kế theo Công giáo nên nắm quyền cai trị đất nước. Đó là một viễn cảnh đáng báo động đối với nước Anh theo đạo Tin Lành. Cũng trong năm đó, vua James II bị lật đổ và hoàng hậu Mary of Modena cùng hoàng tử Edward bị trục xuất. Khi trưởng thành, hoàng tử Edward đã chứng minh được thân phận dòng dõi quý tộc của mình và lấy lại vương miện cao quý vốn thuộc về mình.
7. Vua Henry VIII (1491-1547) nổi tiếng với việc cưới 6 vợ chỉ vì cố gắng sinh được hoàng tử kế vị
Mặc dù vua Henry VIII là cha của ba cô công chúa với hoàng hậu Catherine of Aragon và Anne Boleyn. Ngoài ra, ông còn có hoàng tử khi lấy Seymour nhưng bà đã qua đời ngay sau khi sinh con. Hoàng hậu Catherine of Aragon và Anne Boleyn từng nhiều lần bị sảy thai và thai chết lưu. Khi đó, các chuyên gia tin rằng, vua Henry là nguồn gốc của những rắc rối trong vấn đề sinh sản của những người vợ. Một số người suy đoán vị vua này mắc bệnh giang mai. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu gần đây, sự không tương thích nhóm máu (liên quan đến kháng nguyên của hệ Kell) giữa vua Henry và những người vợ có thể là gốc rễ của vấn đề.
Nhật Anh (theo History)