Vắc xin ngừa ung thư vú nói trên được phát triển bởi các chuyên gia đến từ
Đại học Washington. Kết quả được công bố trên tạp chí uy tín.
|
Các nhà khoa học đang lên kế hoạch thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn hơn với những bệnh nhân ung thư vú mới được chẩn đoán. Ảnh: Khoahoc.com |
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học phát triển vắc xin có khả năng nhắm tới mục tiêu mammaglobin – A, loại protein chỉ được tìm thấy trong các mô vú của người mắc bệnh. Khi vào
cơ thể, vắc xin có khả năng kích thích một loại tế bào bạch cầu trong hệ miễn dịch tìm kiếm, tiêu diệt tế bào chứa mammaglobin – A.
“Việc nhắm tới mammaglobin – A diễn ra khá ấn tượng. Nó có thể tác động đến 80% trường hợp ung thư vú được thử nghiệm mà không ảnh hưởng tới mô khác. Trên lý thuyết, cơ chế làm việc của vắc xin cho phép hạn chế tác dụng phụ không mong muốn”, William E.Gillanders - tác giả công trình nghiên cứu, bác sĩ phẫu thuật ung thư vú cho biết.
Tuy nhiên, với những bệnh nhân ung thư vú không tiết mammglobin – A, vắc xin sẽ không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Trong nghiên cứu của mình, 14 bệnh nhân ung thư vú di căn chứa mammaglobin – A được tiêm chủng ngừa. Trong giai đoạn thử nghiệm đầu tiên, độ an toàn của vắc xin đã được kiểm chứng. Kết quả cho thấy, bệnh nhân chịu ít tác dụng phụ. Dù vậy, các nhà nghiên cứu cần xem xét thêm về những tác động nhỏ do vắc xin gây ra.
Đáng lưu ý quá trình nghiên cứu ghi nhận, vắc xin có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Thậm chí, nó dễ dàng phát huy chức năng này ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch kém, từng thực hiện
hóa trị.
Nghiên cứu cũng ghi nhận, nửa lượng tình nguyện viên sử dụng vắc xin không phát triển ung thư một năm sau đó. Các nhà khoa học đang lên kế hoạch thực hiện thử nghiệm lâm sàng với quy mô lớn hơn ở những bệnh nhân ung thư vú mới được chẩn đoán.
Hải Yến (theo Foxnews)