|
Ảnh minh họa. |
Chẩn đoán u xương rất khó, nhưng khi u phát triển đã rõ trên lâm sàng và X-quang thì phát hiện lại dễ dàng. Tuy nhiên, để phân biệt giữa u xương lành tính và u xương ác tính thì là cả một vấn đề. Một số u xương lành tính hay phát sinh ở một số xương như u xương hay phát sinh ở xương sọ, xương mặt; u sụn hay phát sinh ở xương đốt ngón tay; u huyết quản hay phát sinh ở xương sống; trên xương dài u xương có thể phát sinh ở đầu xương, ở thân xương hoặc chỗ nối đầu xương với thân xương. Một số loại u xương lành tính dưới đây hay gặp.
1. U xương: Có hình ảnh khối lồi hình chóp, bờ viền xung quanh rõ rệt, chân rộng liên tiếp với tổ chức xương lành, hình ảnh bè xương thớ xương có cấu trúc và đậm độ cản quang đồng nhất giữa u và xương lành.
2. U sụn: Có hình ảnh khối hình cầu, hoặc bầu dục, hình khối u có thể ở trong xương hoặc chiếm ở vỏ xương lồi ra ngoài. Hình ảnh khối u trong suốt, đường nét đường viền quanh u nhẵn, u sụn trông giống nang xương, không thấy rõ các bè xương, u lớn có thể có các đám đọng vôi. Thông thường u sụn ở các xương đốt ngón tay, ngón chân hầu như không thấy ác tính hóa, nhưng u sụn ở các xương lớn đôi khi chuyển biến ác tính hóa đột nhiên phát triển nhanh và có thể thấy di bào bạch huyết ở phổi.
3. U sụn xương: Có hình ảnh khối hình cầu hoặc hơi bầu dục có chân nuôi hẹp liên tiếp với tổ chức xương lành, thường ở vị trí đầu và thân xương, u có bờ viền rõ ràng, bên trong có những khoang ổ rong suốt to nhỏ khác nhau xen lẫn với những hình bè xương, thớ xương.
4. U hủy cốt bào: Thường gặp ở tuổi 20 - 40, phần lớn tiến triển âm thầm một thời gian dài, bắt đầu đau âm ỉ không rõ rệt, lúc đau, lúc không, đau kiển thấp khớp. Khi u làm vỡ vỏ xương cứng hoặc gãy xương chảy máu là u phát triển rõ rệt nhất, các khớp kề cận u cử động không đau, có 2 thể bệnh: Thể tiêu xương mạnh, tiến triển to nhanh, lan rộng, có thể tiêu hủy hoàn toàn đầu xương, đau dữ dội vùng có u; thể viêm tấy sưng nóng, đỏ, đau vùng có u đôi khi tràn dịch các khớp kế cần, có thể tăng bạch cầu và bị sốt "viêm tấy giả". Chỉ định điều trị phẫu thuật lấy bỏ triệt để khối u bằng cách đục nạo hoặc cắt đoạn xương có khối u, sau đó ghép xương vào ổ khuyết xương.
5. Nang xương đơn độc ở thiếu nhi: Bệnh hay gặp ở thiếu nhi, vị trí thường ở chỗ nối đầu trên xương cánh tay với thân xương, ở xương đùi, xương chày. Khi bị chấn thương thường phát hiện ra nang xương này. Khi thành nang xương mỏng vỡ ra thì có thể tự khỏi, tốt hơn là phẫu thuật loại bỏ hết nang rồi ghép xương vào ổ khuyết.
6. U huyết quản xương: Thường thấy ở thân đốt sống đoạn ngực dưới và thắt lưng. Khi u phát triển ở thân đốt sống có thể đè ép tủy sống, đè ép dây thần kinh thì có bênh cảnh viêm tủy sống và rễ thần kinh. U huyết quản rất mẫn cảm với tia X, điều trị một quá trình dài bằng tia X có thể khỏi bệnh.
PGS.TS Trần Đình Chiến (Trưởng bộ môn Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện 103)