Từng mắc bệnh ung thư gan tưởng như không sống được bao lâu nữa, nhờ kết hợp điều trị bằng các phương pháp Đông y với y học hiện đại, ngồi thiền... PGS Văn Như Cương, 79 tuổi đã "đánh tan" bệnh để sống vui, khoẻ, tiếp tục sự nghiệp giáo dục.
Còn vài tháng là "đi"
Căn phòng nhỏ ấm cúng trong khuôn viên trường THPT DL Lương Thế Vinh, PGS Văn Như Cương hồ hởi kể về những ngày chiến đấu với bệnh ung thư gan của mình. PGS Văn Như Cương kể: "Hôm qua tôi đến viện khám lại, các bác sĩ khẳng định bệnh ung thư gan của tôi đến nay có thể coi là đã khỏi hẳn rồi. Vợ và các con tôi mừng rỡ reo vui, vậy là tôi đã thoát một kiếp nạn tưởng như không thể qua khỏi".
|
PGS Văn Như Cương. |
PGS Văn Như Cương nhớ lại, tháng 7/2014 bệnh viện phát hiện ông bị mắc bệnh ung thư gan. Khi đó các bác sĩ nói nếu không kịp thời chữa chạy thì chỉ 3 - 5 tháng là... "đi" luôn. Khi đó phát hiện tĩnh mạch cửa có huyết đọng, đó là một trong những tĩnh mạch nối gan với khối u. Để điều trị, phải nút các tĩnh mạch ấy lại để không cho gan nuôi khối u nữa.
Thế nhưng, tĩnh mạch có huyết đọng lại không được phép động đến, vì nếu động chạm vào thì ung thư sẽ phát tán, di căn rất khó điều trị. Gia đình ông lúc đó u ám như nhà có đám bởi phát hiện bệnh ung thư đồng nghĩa là phát hiện cái chết đã báo trước. Nhưng ông vẫn bình thản, coi đó là số trời rồi. Không lo lắng, không tiêu cực, ông vẫn làm việc, vẫn nghiên cứu, vẫn sống lạc quan, vui vẻ, dù có mang trong người bệnh ung thư.
"Nhưng đúng là mỗi người có một cái số, tôi bị bệnh nhưng lại gặp thầy gặp thuốc. Được người quen giới thiệu đến uống thuốc Nam của một vị lương y ở Sóc Sơn, tôi uống liên tục vị thuốc này, nước uống hằng ngày là nấm lim xanh, kèm theo tam thất tán nhỏ uống giải độc. Sau 1 tháng đi khám lại thì tĩnh mạch không còn huyết đọng, các bác sĩ bảo đó là một sự thần kỳ", PGS Văn Như Cương tâm sự.
Còn sống thì còn làm việc
Đến nay, bệnh ung thư gan của ông đã khỏi hẳn. Ông trở lại với cuộc sống thường ngày, kèm theo đó, mỗi ngày ông dành 1 tiếng đồng hồ để tập thiền. Khi ngồi thiền, ông để đầu óc được thư thái nghỉ ngơi, không nghĩ đến công việc, đến chuyện "cơm áo gạo tiền" nên cảm thấy rất thoải mái.
Tôi hỏi, sau trận ốm nặng như vậy, ông còn tiếp tục công việc giảng dạy, nghiên cứu, tiếp tục sự nghiệp nữa không, ông bảo: "Mình còn sống thì còn làm việc, không làm việc thì buồn lắm. Sự nghiệp giáo dục còn bao điều trăn trở, ngôi trường tôi lập nên từ tâm huyết một đời làm giáo dục cần phải tiếp tục phát triển thành một môi trường đào tạo chuẩn, mạnh. Tôi vẫn sẽ làm việc vì tôi tin là nhiều học sinh, giáo viên và cả phụ huynh vẫn mong mỏi điều đó".
Giờ đây, khi đã đánh tan bệnh tật, tinh thần lạc quan của ông lại được hun đúc thêm lần nữa. Đi qua trận ốm "thập tử nhất sinh này" ông mới rút ra một điều, sống thanh thản, tinh thần thoải mái, lạc quan thì bệnh tật cũng sẽ tự nhiên biến mất.
Bảo Khánh