Bệnh nhân vào khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM) trong tình trạng nôn ra máu. Hai tháng trước, người bệnh thấy tức ngực, nuốt nghẹn khi ăn uống nhưng không đi khám vì cho là không quan trọng.
Nghi ngờ có khối u, bác sĩ nội soi cấp cứu cho bệnh nhân và phát hiện khối u thực quản cứng, trên bề mặt khối u có vết loét sâu đang chảy máu tươi. Đây là một trường hợp ung thư thực quản có biến chứng xuất huyết tiêu hóa.
Ông Minh không phải là trường hợp duy nhất nhập viện khi bệnh đã diễn tiến nặng. Nhiều bệnh nhân khi đến bệnh viện thì khối u đã quá to, gây biến chứng, thậm chí di căn khiến việc điều trị trở nên khó khăn.
Ung thư thực quản là bệnh lý có khối u ác tính trong lòng thực quản (ống nối từ họng xuống dạ dày có nhiệm vụ đưa thức ăn từ miệng xuống dạ dày). Bệnh không phổ biến như ung thư dạ dày nhưng tỷ lệ tử vong cao.
Loại ung thư này thường gặp ở đàn ông trung niên (trên 50 tuổi). Bệnh nhân thường không có triệu chứng, hoặc chỉ nuốt đau, nuốt vướng hay đau ngực khi ăn uống. Các triệu chứng này không rõ ràng và thoáng qua, nên rất dễ bị bỏ qua. Bệnh nhân ít chú ý các triệu chứng này và thường không đi khám bệnh, thậm chí một số trường hợp bác sĩ phải hỏi kỹ, bệnh nhân mới nhớ ra các triệu chứng này đã có từ vài tháng trước.
Bệnh nhân thường cảm giác mắc nghẹn, không thể nuốt thức ăn vào được hoặc có cảm giác có cục gì chặn lại giữa cổ họng rất khó chịu. Nếu cố gắng nuốt sẽ cảm giác bị ngạt thở, tức ngực, thậm chí bị ọe ngược ra. Triệu chứng ban đầu có thể chỉ là nghẹn với thức ăn to, cứng, sau đó sẽ đến thức ăn mềm hơn cũng nghẹn, khi bệnh tiến triển thì thức ăn lỏng như cháo cũng nghẹn, thậm chí nước uống cũng mắc. Khi có triệu chứng nuốt nghẹn là bệnh đã tiến triển, khối u đã lớn và làm hẹp lòng thực quản ít nhất 50%.
Biến chứng của ung thư thực quản chủ yếu là suy kiệt dần do không ăn uống được. Ung thư thực quản có thể chèn ép xâm lấn khí phế quản nằm bên cạnh gây khó thở. Ung thư thực quản có thể xâm lấn tạo một đường dò từ thực quản sang khí phế quản (đường dẫn khí từ mũi họng xuống phổi) làm bệnh nhân bị ho sặc thường xuyên hoặc gây viêm phổi.
Biến chứng xuất huyết tiêu hóa thường rất ít gặp, triệu chứng chủ yếu là đi cầu phân đen hoặc ói ra máu. Cuối cùng bệnh càng ngày càng tiến triển và di căn phổi, di căn xương, di căn gan.
Hiện không xác định rõ ràng nguyên nhân gây ung thư thực quản. Các yếu tố nguy cơ như uống nhiều rượu, hút nhiều thuốc lá, ăn thức ăn có nhiều chất nitrates (trong thành phần của đồ hộp, thịt nguội), thói quen ăn uống đồ nóng, nhất là uống trà nóng, chế độ ăn thiếu một số chất vi lượng như kẽm, vitamine A. Người bị viêm loét thực quản do tự tử bằng hóa chất trước đó (nhất là thuốc tẩy); người bệnh trào ngược dạ dày thực quản kéo dài.
Điều trị triệt để ung thư thực quản giai đoạn tiến triển có kết quả rất hạn chế do người bệnh nhập viện muộn. Các phương pháp điều trị là phẫu thuật cắt đoạn thực quản ung thư, hóa trị và xạ trị hỗ trợ trước phẫu thuật có thể làm tăng tỷ lệ thành công của điều trị. Trong trường hợp bệnh đã tiến triển quá giai đoạn phẫu thuật, việc điều trị chỉ giúp giải quyết triệu chứng bằng cách đặt ống thông (stent) trong thực quản qua nội soi làm bớt hẹp lòng quản giúp bệnh nhân ăn uống được.
Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị bằng phẫu thuật sẽ cho kết quả tốt. Có thể dùng phương pháp mới là nội soi cắt bỏ lớp bề mặt trên cùng của vùng ung thư khi khối u còn nhỏ và chưa ăn sâu vào các lớp bên dưới. Phương pháp này được gọi là “Cắt hớt niêm mạc qua nội soi”.
Để phòng tránh ung thư thực quản, mọi người nên bỏ rượu và thuốc lá, tránh ăn nhiều đồ hộp, bỏ thói quen ăn thức ăn còn quá nóng, uống trà quá nóng, ăn nhiều rau xanh. Người đã có tiền sử mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nên tuân thủ điều trị của bác sĩ và tái khám theo định kỳ.
Nội soi dạ dày là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán bệnh. Khi có bất kỳ triệu chứng khó chịu như đau bụng, khó tiêu, đầy hơi, ợ chua, ợ ngược, nóng rát ngực hay cảm giác vướng cổ, nuốt vướng nên đi khám bệnh và nội soi. Người đã có tiền sử mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản kéo dài càng nên đi khám sớm.
Theo VNE