Uống các đồ uống nóng như trà, cà phê, ăn những món ăn nóng như lẩu, ăn mỳ tôm... là thói quen khá phổ biến của nhiều người. Thế nhưng, theo các nhà khoa học, uống nước quá nóng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư thực quản.
Nước nóng hủy hoại thực quản
Một công trình nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Y học Anh British Medical Journal đã khuyên mọi người không nên uống trà khi còn quá nóng. Lý do là vì khi uống trà quá nóng, thường cao hơn 70 độ C, có thể sẽ làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Để có được kết luận này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành điều tra khoảng 50.000 người ở miền Bắc Iran, nơi hầu hết người dân hàng ngày rất thích uống trà thật nóng. Gần như tất cả những người tham gia nghiên cứu đều uống trà đen thường xuyên và tiêu thụ trung bình trên một lít mỗi ngày.
|
Theo các nhà khoa học, uống nước quá nóng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư thực quản. Ảnh minh họa. |
Các số liệu thu được sẽ được so sánh với nhóm người thường xuyên uống nước ấm có nhiệt độ dưới 65 độ C. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, ở nhóm người uống trà nóng có nhiệt độ từ 65-69 độ C, số người bị ung thư tăng hai lần, nhưng khi uống trà rất nóng có nhiệt độ trên 70 độ C trở lên, thì tỷ lệ bị căn bệnh nguy hiểm này tăng cao tới 8 lần.
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ Bộ Y tế cho biết, nghiên cứu này đưa ra hoàn toàn có cơ sở. Đáng báo động là thói quen ăn uống đồ quá nóng lại khá phổ biến ở rất nhiều người dân Việt Nam. Đa phần khi uống trà hay cà phê đều nấu nước đun sôi 100 độ C rồi pha uống ngay. Uống trà ở nhiệt độ cao trên 800 độ C không những làm tổn hại đến thực quản, mà chất tannin có thể bị tích tụ, lắng làm tổn thương và không ngừng gây kích thích lên các tế bào ở đường ruột. Những chất kết lắng tích tụ dần dần có thể gây nên phát sinh đột biến, mà những tế bào đột biến tăng có thể biến thành các tổ chức gây ung thư.
Các nghiên cứu khoa học đều khẳng định rằng, thói quen uống trà, cà phê nóng bốc khói có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ gây ung thư vòm họng do nước nóng làm tổn thương đến các tế bào ở cơ quan này.
Quá lạnh hay quá nóng đều gây hại
Cũng theo BS Hoàng Xuân Đại, uống nước quá nóng hay quá lạnh đều gây hại. Uống nước đá có thể dẫn đến bị tiêu chảy hoặc chuột rút, còn nước quá nóng thì có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản và kích thích sự tăng sinh niêm mạc, có thể dẫn đến ung thư thực quản. Do đó, khi uống nước nhiệt độ nước không nên quá nóng cũng không quá lạnh. Nhiệt độ thích hợp nhất là 10 - 30 độ C. Đặc biệt, khi ăn các món ăn như ăn lẩu, mỳ tôm, không nên uống nước canh từ nồi đang sôi sục sục. Nhẹ thì sẽ bị bong niêm mạc miệng, nặng thì có thể dẫn đến ung thư như phân tích trên.
Các chuyên gia khuyên, uống nước cũng cần có phương pháp đúng. Khi cảm thấy khát nước, nhiều người uống luôn một cốc đầy. Đây là thói quen không tốt bởi uống nước nhiều trong một thời gian ngắn sẽ nhanh chóng làm máu loãng ra và làm tăng gánh nặng cho tim. Điều này sẽ rất nguy hiểm nếu bạn vừa tập thể dục, chạy, làm việc nặng... Vào ngày nắng nóng, đổ mồ hôi rất nhiều, uống quá nhiều nước trong một thời gian ngắn sẽ làm tăng tiết mồ hôi và tăng thêm sự mất mát của các chất điện giải như natri, kali.
Nên uống một ly nước đun sôi để nguội vào mỗi bữa ăn và giữa mỗi bữa ăn. Giữ cho cơ thể đủ nước trước, trong khi và sau khi tập thể dục. Tùy theo cơ địa từng người mà cân đối lượng nước uống phù hợp, không nên để cơ thể quá khát hoặc đầy chướng bụng vì uống nhiều nước. Nếu vẫn muốn duy trì thói quen uống trà nóng thì nên để nhiệt độ thấp khoảng 300C rồi hãy sử dụng. Tránh tuyệt đối việc ăn uống quá nóng đến mức bỏng rát miệng, đây là một thói quen rất nguy hại mà không ít người mắc phải.
Theo các chuyên gia, vào những ngày nóng mà phải ra ngoài, thì bạn nên uống nhiều nước hơn để bù cho lượng nước mất do mồ hôi toát ra. Việc này không chỉ giúp bạn đỡ mất nước mà còn phòng tránh các bệnh do nắng nóng gây ra. Nếu bạn ngồi trong phòng điều hòa cả ngày, cả cơ thể bạn và da bạn đều bị tác động của sự mất nước, bạn cần uống nhiều hơn.
Bảo Khánh