Nhỏ mới dễ gây độc
Các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Y tế Hoa Kỳ cảnh báo rằng, phần tử nano hiện đang có mặt trong thành phần nhiều loại mỹ phẩm, kem chống nắng và các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp khác... có thể mang đến những tác động không mong muốn đối với sức khoẻ và môi trường.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, phần tử nano titan dioxit (nano-TiO2) và oxit kẽm (nano-ZnO) được phát hiện thấy trong mỹ phẩm, kem chống nắng và các loại sản phẩm chăm sóc sắc đẹp khác. Những phần tử này được thêm vào trong sản phẩm vì khả năng ngăn chặn tia cực tím trong ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều có thể gây lão hóa da sớm hoặc thậm chí là ung thư da.
Đặc biệt, các nhà khoa học lo ngại rằng những phần tử bị trôi xuống các cống rãnh sau khi người sử dụng tắm, rửa mặt bằng các sản phẩm có chứa nano; từ đó, chúng có thể xâm nhập vào hồ, sông và các nguồn nước khác nơi các vi sinh vật đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn môi trường trong lành.
Một nghiên cứu khác cũng phát hiện dòng khuẩn Pseudomonas putida (P. putida) - một loại vi khuẩn đất có lợi - không thể chịu được phần tử nano oxit bạc, đồng và kẽm. Độ độc hại xuất hiện ở mức độ thấp nhất chỉ tính theo microgram/ lít - tỉ lệ này tương đương với 2 - 3 giọt nước trong một bể bơi kích thước đạt chuẩn Olympic.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Cục Kiểm soát Ô nhiễm, Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng cho biết thêm: Sau ánh hào quang rực rỡ của công nghệ nano, các nhà khoa học đang bắt đầu nhìn thấy những mặt trái của công nghệ này. Các nghiên cứu đã chỉ ra đặc tính của vật liệu nano cũng gây ra các nguy cơ độc nhất và khó đoán đối với sức khoẻ con người và môi trường. Thực tế cho thấy, kích thước của vật liệu nano tạo ra khả năng di động chưa có tiền lệ trong cơ thể con người và môi trường.
Nghiên cứu cho thấy, các hạt nano của TiO2 và ZnO (có trong mỹ phẩm và kem chống nắng) có đặc tính hoạt hóa quang hóa sản sinh ra các gốc tự do gây phá hủy DNA. Với môi trường, các sản phẩm này trong quá trình sản xuất, vận chuyển, sử dụng hoặc xử lý (ví dụ, mỹ phẩm bị rửa trôi vào môi trường nước) do kích thước nhỏ nên các hạt nano có thể di chuyển với tốc độ cao qua các tầng nước ngầm và đất.
|
Ảnh minh họa. |
Quản lí an toàn
Thị trường Việt Nam hiện có thể nói là tràn ngập sản phẩm mỹ phẩm nano nói riêng và các sản phẩm có chứa nano nói chung, kể cả hàng nhập ngoại lẫn hàng nghiên cứu, sản xuất trong nước. Các nhà khoa học cho rằng, việc cảnh báo về những rủi ro có trong mỹ phẩm nano nói riêng và các sản phẩm có chứa nano nói chung không đồng nghĩa với việc khuyên người dân không sử dụng sản phẩm có chứa nano. Việc chỉ ra những rủi ro mà sản phẩm có chứa nano mang lại nhằm giúp có cơ chế quản lý tốt hơn về sự an toàn của nano, từ đó loại bỏ những rủi ro mà nano có thể mang lại.
Hiện nay, không chỉ trong nước mà ngay cả ở nhiều nơi trên thế giới, việc quản lý, phát hiện cũng như loại bỏ nguy cơ do công nghệ nano mang lại gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người sản xuất và sử dụng, thiếu thông tin về việc sản xuất và sử dụng; không có nhiều thông tin về tác động và ảnh hưởng của vật liệu nano. Vì thế, để đảm bảo tránh những rủi ro mà nano có thể mang lại thì cần có các quy trình mới, các công nghệ hiệu quả về chi phí áp dụng cho việc xác định, quan trắc và kiểm soát vật liệu nano; nâng cao nhận thức của nhà sản xuất, người sử dụng và các cơ quan quản lý...
Sự độc hại của hạt nano còn tùy thuộc vào kích thước, nồng độ và liều lượng đưa vào cơ thể. Có những hạt nano xuất hiện trong tự nhiên không gây nguy hiểm cho con người. Chúng độc là khi con người tạo ra một cách có chủ ý và thiếu sự kiểm soát an toàn.
PGS.TS Nguyễn Xuân Phúc (Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)
Huy Khánh