Mặc dù là bệnh có thể dự phòng và phát hiện sớm, nhưng hiện tại ung thư cổ tử cung vẫn là một trong những bệnh ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam và tỷ lệ mắc mới bệnh này là 13,6/100.000 phụ nữ.
Các nghiên cứu về ung thư cho thấy, tần suất mắc ung thư cổ tử cung có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Nếu không có các biện pháp can thiệp sàng lọc, dự phòng và điều trị ung thư cổ tử cung phù hợp thì trong khoảng 10 năm nữa, tỷ lệ mắc mới và tử vong do bệnh này sẽ tăng thêm khoảng 25%.
Thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới, hằng năm có khoảng 530.000 phụ nữ mắc mới ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới và có khoảng 275.000 người tử vong do bệnh này, trong đó 80% số ca tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển.
Nguyên nhân chính của sự ra tăng không ngừng người mắc mới bệnh ung thư cổ tử cung ở nước ta được xác định là do phụ nữ chưa được sàng lọc định kỳ có hệ thống để phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm thích hợp, dễ tiếp cận. Có nhiều trường hợp khi phát hiện tổn thương tiền ung thư cũng chưa được điều trị kịp thời và hiệu quả.
Hiện nay có ba biện pháp sàng lọc đang được triển khai thực hiện gồm: Phương pháp kiểm tra những thay đổi về tế bào của cổ tử cung (PAP Smer), phương pháp kiểm tra trực quan với axít axetic (VIA) và phương pháp xét nghiệm HPV ADN.
Tại Việt Nam, các chuyên gia khuyến khích áp dụng cả ba phương pháp trên.
Những thông tin trên được đưa ra trong hội thảo sàng lọc ung thư cổ tử cung diễn ra sáng 26/9 tại Hà Nội.
Thu Nguyên