Tin vui này được các nhà khoa học đến từ trường Đại học Imperial London khẳng định. Phương pháp đã được thử nghiệm thành công ở chuột. Do đó, chúng ta có thể hi vọng trong một tương lai không xa, những tế bào có khả năng gây ung thư sẽ sớm được cảnh báo cho bệnh nhân hay những người có nguy cơ tái phát.
|
Khác với các phương pháp truyền thống chỉ đơn thuần phát hiện tế bào đã mắc ung thư, công nghệ mới cho phép tìm thấy các tế bào có "mầm mống" gây bệnh. |
Hiện nay, bác sĩ sử dụng phương pháp điều trị dựa trên nguyên lý quét bỏ các tế bào
ung thư và bỏ qua những
tế bào có “mầm mống” do không có công nghệ phát hiện. Chính những tế bào này được xem là nguyên nhân tiềm tàng khiến ung thư có thể tái phát.
Thực tế cho thấy trong quá trình điều trị, xuất hiện nhiều tế bào có
nguy cơ gây ung thư chưa thực sự “thức dậy” mà vẫn “ngủ yên”, tích trữ năng lượng rồi âm thầm tàn phá cơ thể. Thậm chí, khi đã đủ “mạnh”, các tế bào này còn phát triển với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các tế bào khỏe mạnh khác.
Tuy nhiên, bằng cách sử dụng một loại phóng xạ được mô phỏng các chất có chức năng tạo năng lượng trong cơ thể người, các nhà nghiên cứu có thể đo lường sự tích tụ năng lượng của tế bào.
Giáo sư Eric Aboagye , người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: "Tình trạng các tế bào gây ung thư bị bỏ qua trong quá trình chụp quét làm giảm hiệu quả điều trị nhiều bệnh ung thư”.
“Kỹ thuật này cũng có khả năng đánh giá tác động của các loại thuốc bệnh nhân dùng khi chữa bệnh cũng như cảnh báo tỷ lệ tái phát sau điều trị”.
Trước đây, các bác sĩ chủ yếu sử dụng phương pháp sinh thiết để phát hiện tế bào ung thư. Điểm bất lợi của nó là chỉ có thể kiểm tra một phần nhỏ của bộ phận cần kiểm tra.
Đánh giá về công nghệ mới này, Nell Barrie - Giám đốc Truyền thông Trung tâm nghiên cứu Ung thư Anh cho biết: “Phương pháp này mới thử nghiệm thành công trên chuột. Tuy nhiên, nó cũng mở ra nhiều triển vọng trong điều trị ung thư”.
Lê Nguyệt (Theinformationdaily)