Hãng thông tấn AFP của Pháp cho biết, lễ hội chém lợn diễn ra thường niên ở làng Ném Thượng. Người tiến hành nghi lễ sẽ dùng một con dao lớn để chặt đôi cơ thể một con lợn đang sống vì dân làng tin rằng nó sẽ mang lại nhiều may mắn trong năm mới. Tuy nhiên, lễ hội này gặp phải nhiều sự phản đối của những người bảo vệ động vật.
AFP nhận định, quyền của động vật ở Việt Nam vẫn là khái niệm mới mẻ nhưng đang được quan tâm ngày càng nhiều hơn. Số người tỏ ra bất bình với các lễ hội bị coi là tàn bạo cũng tăng theo từng năm.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã kêu gọi người dân làng Ném Thượng không nên duy trì tục chém lợn nhưng không được hưởng ứng. Trong lễ hội diễn ra ngày 24/2/2015, dân làng Ném Thượng vẫn rước những con lợn quanh làng trước khi tiến hành nghi lễ với sự hò reo của hàng trăm người tham dự.
Ibtimes giải thích, nguồn gốc của lễ hội chém lợn làng Ném Thượng là để tưởng nhớ một vị danh tướng lãnh đạo nhân dân chống quân xâm lược từ 1.000 năm trước. Ông đã ra lệnh cho binh sĩ giết lợn hoang dã để nuôi quân đánh giặc. Theo tờ báo có trụ sở ở New York, Mỹ, trong cuộc họp báo hôm 2/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định sẽ "điều chỉnh" lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng. Đây là lần đầu tiên lễ hội đẫm máu được quan chức cấp Bộ trưởng đề cập trực tiếp.
Nhằm ngăn chặn lễ hội chém lợn, tổ chức bảo vệ động vật trụ sở tại Luxembourg khẩn cầu chính phủ Việt Nam ban hành lệnh cấm lễ hội. Quỹ động vật châu Á (AAF), có trụ sở tại Hong Kong, đã thu thập được 12.000 chữ ký nhằm phản đối tục chém lợn.
Theo AAF, lễ hội chém lợn năm nay vấp phải sự lên án của truyền thông và người dân cùng các quan chức chính phủ.
Ông Tuan Bendixsen, phụ trách bảo tồn động vật ở Việt Nam, cho rằng: "Việt Nam cần ban hành luật cấm ngược đãi thú vật". "Lễ hội này hoàn toàn không vi phạm pháp luật nên nhà chức trách chỉ có thể đề nghị người dân tổ chức theo hình thức khác. Tuy nhiên, nó không được làng Ném Thượng đồng ý. Họ tuyên bố vẫn tiến hành các hoạt động ‘phù hợp với truyền thống’", ông Nguyễn My Hoan, quan chức phụ trách văn hóa tỉnh Bắc Ninh, cho biết.
Ông Nguyễn Đình Lợi, một người cao tuổi của làng Ném Thượng, khẳng định: "Những người cao tuổi trong làng đã quyết định duy trì lễ hội chém lợn. Nó hoàn toàn không vi phạm pháp luật nên quyền lựa chọn thuộc về chúng tôi".
Theo Hồng Duy/Tri thức trực tuyến