Nhà báo, sử gia về cuộc chiến tranh Việt Nam Nick Turse vừa công bố thêm hàng loạt chứng cứ mới về tội ác của lính Mỹ tại Việt Nam trong cuốn sách có tiêu đề “Giết chết mọi thứ chuyển động: Sự thật về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam” (Kill Anything that Moves: The Real American War in Vietnam). Dưới đây là bài viết giới thiệu về cuốn sách được đăng tải trên tờ Washington Post của Mỹ.
Hơn bất kỳ cuộc xung đột nào khác của Mỹ, chiến tranh Việt Nam trong nhiều năm qua đã được sử dụng như một lời cảnh báo về tham vọng thái quá và ảo tưởng của chủ nghĩa đế quốc, nhưng chi tiết của cuộc chiến tranh đã mờ dần theo thời gian. Vì vậy, nhà báo Nick Turse đã tung ra những chứng cứ mới tập trung vào các tội ác chiến tranh có thể đã xảy ra trong cuộc phiêu lưu sai trái của nước Mỹ.
Với cuốn sách có tiêu đề “Giết chết mọi thứ chuyển động: Sự thật về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam”, Turse đã lao vào vùng nước đen tối của nước Mỹ trong chiến tranh. Đó là một biến cố lịch sử đẫm máu, dù các ước tính về thương vong của người Việt Nam là rất khác nhau, nhưng con số này có thể vượt quá 2 triệu - một số lượng lớn đối với một đất nước chỉ có 19 triệu dân vào thời điểm đó.
Một chính sách hủy diệt làng mạc, ném bom rải thám, bắn giết vô tội vạ, "tái định cư" nông dân và các tầng lớp dân cư khác đã khiến hàng triệu hàng triệu người phải tha hương, kèm theo đó là tổn thương do chiến tranh. và hàng triệu người bị thương. Cuộc tắm máu vô ích này sẽ lặp lại nếu chúng ta không chịu hiểu ra, dù chỉ mơ hồ, bài học từ cuộc chiến tranh Việt Nam.
Với phong cách khẩn thiết nhưng rất dễ đọc của mình, Turse đưa độc giả đi qua bối cảnh lịch sử của các chính sách thất bại, sự dối trá của chính quyền và nỗi đau khổ của người Việt Nam, những thảm trạng quen thuộc đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử. Đó chính là điều giá trị nhất mà Nick Turse nêu bật ra khi đề cập đến thất bại của Mỹ trong thời gian từ 1964-1975.
Nhưng Turse còn làm nhiều hơn thế: Ông đào sâu vào những tội ác lịch sử bị giấu kín của chính quyền Mỹ. Ông đã mang lại cho cuốn sách của mình một cả một kho thông tin mới đầy ấn tượng – với những các tư liệu mới được hé mở và những phỏng vấn các nhân chứng tại Mỹ và Việt Nam. Với kỹ năng tường thuật tuyệt vời, ông nhấn mạnh vào một câu hỏi rắc rối: Tại sao với tất cả các bằng chứng thu thập bởi quân đội vào thời điểm của cuộc chiến tranh, những hành động tàn bạo đó không bị truy tố?
|
Một bức ảnh trong tập ảnh “Chiến tranh giải phóng Việt Nam” của I-si-ca-oa Bun-dô. |
Những tội ác thảm sát dân thường ở miền Nam Việt Nam đã được nhiều tướng tá của Lầu Năm Góc như Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird và Tổng tham mưu trưởng Stanley Resor nắm rõ. Nhiều lá thư trần tình về sự phi lý của cuộc chiến đã được các binh sĩ và Thủy quân lục chiến viết, dẫn đến việc tiến hành điều tra và đưa ra các báo cáo về tội ác của lính Mỹ.
Nhưng hầu hết các vụ việc đã bị ém nhẹm trước công chúng. Vụ thảm sát Mỹ Lai chỉ là một trường hợp ngoại lệ vì quy mô quá lớn của tội ác (400 người bị giết hại). Turse đã vạch trần thêm nhiều tội ác lớn nhỏ và cho thấy chúng là một khối u ác tính phát triển bên trong các lực lượng quân sự Mỹ.
Vụ đặc biệt nổi bật là chiến dịch Speedy Express, được Sư đoàn bộ binh thứ 9 dưới sự chỉ huy của Thiếu Tướng Julian Ewell thực hiện ở đồng bằng sông Cửu Long. Các tư liệu của Turse đã cho thấy sự dã man của chiến dịch này, khi hàng nghìn dân thường đã bị giết hại một cách vô cớ chỉ để các chỉ huy quân đội báo cáo chiến tích và được thăng chức.
Theo tuyên bố của tướng Ewell và thuộc cấp, hàng nghìn người Việt Nam đó đều là Việt Cộng. Nhưng trên thực tế, chỉ có rất ít vũ khí được tìm thấy với các tử thi. Quân đội Mỹ nhận thức được đầy đủ tội ác mà Ewell đã gây ra, và tặng cho ông ta thêm một sao trên quân hàm cùng một vị trí có uy tín tại các cuộc đàm phán hòa bình Paris.
Turse đặt ra câu hỏi nhức nhối: "Tất cả các tội ác chiến tranh đã về đâu?" Ông đã đưa ra câu trả lời thích đáng bằng công trình nghiên cứu của mình.
Ông đã dành nhiều trang cho trường hợp của Kevin Buckley và Alexander Shimkin, các phóng viên tờ Newsweek, những người đã nêu ra tội ác của Ewell trước các biên tập viên hèn nhát ở New York. Nếu các điều tra của Buckley và Shimskin được công bố đầy đủ vào tháng 1 hoặc tháng 2/1972, nó có thể tạo ra một cơn địa chấn dư luận mới trong lòng nước Mỹ, dẫn đến những áp lực không thể cưỡng lại của công chúng về việc minh bạch hóa thông tin về cuộc chiến.
Turse mạnh mẽ truy vấn về chuyện chính phủ Mỹ đã bất lực như thế nào trong việc truy tố các tội ác ở Việt Nam hay Campuchia (ngoài trường hợp của quân nhân Calley, người đã bị quản thúc tại gia cho vụ thảm sát ở Mỹ Lai). Ông cung cấp thông tin chi tiết về nỗ lực bao che tội ác của Lầu Năm Góc trong nhiều năm, chẳng hạn như việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động của Ban điều tra hình sự quân đội, cho phép các quan chức Bộ Quốc phòng chủ chốt có một vai trò lớn hơn trong những trường hợp tội phạm chiến tranh. Những động thái này dẫn đến việc các cuộc điều tra bây giờ có thể bị dập tắt ở cấp cao nhất, và sự thật đã chứng minh điều này.
Trong khi đọc cuốn sách của Turse, tôi không thể không tự hỏi, liệu 30 năm sau chúng ta có thấy một cuốn sách tương tự tiết lộ về các tội ác trong cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan hay không. Vụ thảm sát năm 2005 tại Haditha, Iraq, trong đó 24 dân thường không vũ trang đã bị giết bởi lính thủy đánh bộ Mỹ, mang nhiều điểm tương đồng với những gì Turse viết về Việt Nam - một sự bao che của quân đội cho đến khi một phóng viên phát hiện ra vụ việc. Không có một binh sĩ thủy quân lục chiến nào bị trừng phạt cho tội ác này. Điều này có thể nào gọi là công lý trong quân đội?
Turse viết về tội ác có hệ thống của lính Mỹ như sau: "Việc giết hại bừa bãi thường dân ở Nam Việt Nam – một cuộc tàn sát không có giới hạn, kéo dài ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam – đó hoàn toàn không phải là chuyện ngẫu nhiên và không lường trước được”.
Đến bao giờ chúng ta mới nhận thức được khía cạnh đáng xấu hổ của những cuộc chiến tranh như vậy? Ít nhất, Turse đã giúp chúng ta tiến một bước về phía trước.
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Thanh Bình (Washington Post)