Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán 2021, phóng viên Tri thức và Cuộc sống có mặt tại Phủ Tây Hồ, di tích lịch sử - văn hóa của Hà Nội. Từng cơn gió từ hồ Tây thổi vào người, khiến cái lạnh thêm buốt giá, song người đến dâng lễ tại Phủ Tây Hồ và đền Kim Ngưu vẫn tấp nập trong tâm trạng đầy phấn khởi, cầu mong một năm mới nhiều may mắn đến với mỗi người, mọi gia đình.
|
Đền Kim Ngưu. Ảnh Trần Hải. |
Chốn tâm linh với 32 sắc phong nổi tiếng
Nằm trong khuôn viên của Phủ Tây Hồ, dọc theo phía Đông hồ Tây, đền Kim Ngưu là một trong những địa điểm tâm linh đẹp với nhiều dấu tích của quá trình xây dựng và giữ nước còn hiện diện giúp người dân hiểu rõ hơn về lịch sử nơi đây.
Điển hình, cây đa cổ thụ sừng sững nơi sân đền, dấu tích còn sót lại từ sự tàn phá của bom đạn thời chống Pháp. Tại gian chính, trưng bày sắc phong của vua Khải Định. Đây là một trong số 32 sắc phong nổi tiếng được ban cho đền Kim Ngưu.
Sắc phong (dịch nghĩa) nêu rõ: Sắc cho phường Tây Hồ huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông từ xưa đã phụng thờ Kim Ngưu Tôn Thần nguyên tặng Trầm Tiềm Trừng Trạm Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần. Thần đã giúp nước che chở cho dân tỏ rõ linh ứng, từng được ban cấp sắc phong cho phép phụng thờ. Nay nhân đại lễ mừng Trẫm tứ tuần vậy ban bảo chiếu ân lớn, lễ trọng nâng bậc vậy gia tặng: Uông Nhuận Trung Đẳng Thần. Đặc chuẩn cho phép phụng thờ như xưa để ghi nhớ ngày quốc khánh và tỏ rõ điển lệ thờ cúng. Hãy nhận! Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).
|
Ông Đỗ Xuân Thành, người trông nom đền Kim Ngưu nói về sắc phong của vua Khải Định. Ảnh Trần Hải. |
Lật giở “lai lịch” đền thờ Thần Trâu vàng
Ngược dòng lịch sử, về các điển tích Thần Trâu Vàng, sách Lĩnh Nam chích quái có hai lần nhắc đến lai lịch của Trâu Vàng. Lần thứ nhất là ở “Truyện Hồ Tinh”. Sau khi kể về việc Lạc Long Quân diệt cáo chín đuôi, truyện có câu kết: “Sau lập đền Kim Ngưu trấn áp yêu quái”.
Lần thứ hai là ở “Truyện con Trâu Vàng huyện Tiên Du” trong truyện Hồ Tinh. Theo đó, con trâu vàng từ núi Thiên Du chạy sang, tới Hồ Tây thì biến xuống hồ (tức là khi đã có Hồ Tây) và thời gian được xác định là đời Cao Biền tức thế kỷ thứ IX.
Các sách Thăng Long cổ tích khảo, Tây Hồ chí cũng nhắc đến sự tích trâu vàng tương tự như Lĩnh Nam chích quái. Tuy nhiên, sự tích này có khác với truyền thuyết Trâu Vàng và Khổng Minh Không.
|
Bức tượng Trâu vàng được đặt tượng trưng dưới gốc cây đa cổ thụ trong đền Kim Ngưu. Ảnh Trần Hải. |
Hiện nay, tại đền Kim Ngưu, bảng vàng còn ghi lại sự tích Thần Trâu Vàng. Đền Kim Ngưu có khởi nguồn tạo dựng từ rất sớm để thờ thần Trâu Vàng Hồ Tây; được truyền rằng, vào khoảng năm 1030 triều Lý, có vị thiền sư họ Dương, pháp danh Không Lộ, rất giỏi về nghề y, đã sang sứ nhà Tống chữa bệnh cho hoàng tộc. Sau khi người nhà vua Tống khỏi bệnh, để tỏ lòng tri ân, vua Tống đặc ân cho sứ thần An Nam thích sản vật gì của Bắc quốc thì nhà vua sẽ cho.
Thiền sư Không Lộ đã tâu xin một ít đồng đen về đúc chuông kỷ niệm. Sau khi về nước, thiền sư cho đúc một quả chuông lớn, sau đó treo lên. Khi thỉnh, tiếng chuông ngân vang sang tận Bắc quốc, trâu vàng của vua Tống ngỡ là tiếng mẹ gọi phi thẳng sang nước Nam.
Đến khu vực rừng lim ngoài kinh thành Thăng Long, thì không còn tiếng ngân của chuông, trâu vàng bị mất phương hướng, đã quần thảo khu rừng lim sụt thành hồ nước mênh mông. Nhân sự kiện này, thiền sư cũng thả luôn quả chuông đồng đen xuống hồ, nơi đó chính là hồ Tây ngày nay.
Trải qua gần một nghìn năm tồn tại và phát triển, câu truyện mang tính huyền thoại vẫn được lưu truyền cùng sự trường tồn của ngôi đền Kim Ngưu. Thần Trâu Vàng đã được các triều vua nước Nam sắc phong “Trấn Quốc Phú Lộ Diên Tường Đế Quân”.
Xét sâu xa, từ truyền thuyết dân gian, hình tượng Trâu Vàng trở thành một biểu tượng thiêng liêng có khả năng trừ ma quái, bảo vệ dân lành. Thờ Trâu Vàng là một tín ngưỡng phù hợp với nguyện vọng cầu mong một cuộc sống yên ổn của người Việt xưa.
Hiền Dung