Trong vài năm qua, phố cổ Hội An - vùng đất nằm cách Hà Nội khoảng 650 km về phía Nam đang trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn du khách quốc tế và trong nước. Hội An từng là một thương cảng quốc tế tại tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam. Nơi đây lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc độc đáo, bao gồm các ngôi nhà cổ, đền, chùa, và các công trình khác được xây dựng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX. Vào năm 1999, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận phố cổ Hội An là di sản thế giới.
Hầu hết các công trình kiến trúc ở Hội An đều được làm từ gỗ và những nguyên vật liệu truyền thống theo phong cách Việt Nam kết hợp với lối kiến trúc của các nước láng giềng. Chúng vẫn vững vàng trước thử thách của thời gian. Thành phố này cũng nổi tiếng với việc nhận đơn đặt hàng giày dép và sandals của khách du lịch.
"Cửa hàng của tôi bán rất nhiều mẫu giày dép và chúng tôi có thể làm những điều tốt nhất để phục vụ khách hàng, như đến tận nơi của khách để đo số giày cũng như có nhiều mẫu để họ chọn lựa", một chủ cửa hàng ở Hội An chia sẻ.
Chủ cửa hàng là một thợ đóng giày có thâm niên trong nghề khoảng 10 năm. Ông ta cho hay, khách hàng chủ yếu bao gồm khách du lịch đến từ Anh, Pháp, Australia và Mỹ.
Đóng giày dép chỉ là một trong số rất nhiều nghề nổi tiếng ở Hội An. Nơi đây còn được xem là thiên đường của những tín đồ thích mua sắm vì chất lượng sản phẩm tốt, giá thành tương đối rẻ và đặc biệt do người dân địa phương làm ra.
|
Tân Hoa xã mới đăng tải bài viết nhận định phố cổ Hội An của Việt Nam
đang trở thành một địa điểm ưa thích, hấp dẫn khách du lịch quốc tế. |
Theo dân địa phương, những thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản và thợ thủ công nam đổ xô đến Hội An trong suốt thế kỷ XVIII. Thậm chí, một số người đã định cư tại thành phố này.
Trong số các công trình kiến trúc ở Hội An chịu ảnh hưởng phong cách của Trung Quốc và Nhật Bản có thể kể đến là những ngôi chùa Trung Hoa và các hội quán. Các hội quán là nơi những người Trung Quốc xa xứ sử dụng để tụ tập và tổ chức các cuộc họp trao đổi tình hình cũng như giao lưu với nhau. Hầu hết các hội quán ở Hội An đều có một chiếc cổng lớn, một khu vườn xinh đẹp với nhiều loại cây cối, một sảnh chính và bệ thờ lớn.
Thêm vào đó, Hội An còn có một cây cầu nổi tiếng được gọi là "cầu Nhật Bản". Cầu Nhật Bản là địa danh bắc ngang con lạch chảy ra sông Thu Bồn và là cây cầu cổ duy nhất còn lại ở nơi đây. Nó được xây dựng vào thế kỷ XVII và là công trình kiến trúc mang phong cách Nhật Bản nổi tiếng nhất hiện nay ở phố cổ này. Nó cũng được chọn là biểu tượng của thành phố cổ Hội An.
Cây cầu này có hình dạng mái vòm và được chạm khắc với nhiều mẫu hoa văn đẹp. Hai lối vào cây cầu là những con vật, một đầu cầu là một đôi khỉ và đầu kia là đôi chó.
Theo truyền thuyết, có một con quái vật khổng lồ đầu nằm ở Ấn Độ, đuôi ở Nhật Bản và cơ thể của nó thì ở Việt Nam. Bất cứ khi nào con quái vật di chuyển, thảm họa khủng khiếp như lũ lụt và động đất xảy ra ở 3 quốc gia này. Do đó, cây cầu cũng đã được sử dụng để trừ tà do con quái vật gây ra cũng như để bảo vệ sự bình yên của thị trấn.
Bên cạnh đó, Hội An cũng lưu giữ được những giá trị văn hóa và lịch sử riêng biệt, tạo nên sức hút lớn đối với du khách quốc tế. Nơi đây dần trở thành "thiên đường của những tín đồ nghiện mua sắm" trong đó có nghề may mặc khiến nó ngày càng phát triển. Hiện có hàng trăm thợ may trong phố cổ luôn sẵn sàng làm bất kỳ mẫu quần áo nào mà khách đặt.
|
Những chiếc đèn lồng thủ công của người dân thắp sáng trong đêm và luôn khiến du khách thích thú.
|
Hội An cũng là nơi nổi tiếng với việc làm ra những chiếc đèn lồng thủ công truyền thống. Đèn lồng không chỉ xuất hiện trong nhà của mỗi người dân mà còn có mặt ở mỗi góc phố.
Mỗi tháng một lần, vào ngày trăng tròn, người dân phố cổ lại tắt đèn đường và đèn huỳnh quang, khiến nơi đây có khung cảnh lộng lẫy, kỳ ảo như thánh địa Mecca với những làn ánh sáng ấm áp của đèn lồng làm bằng lụa, thủy tinh và giấy. Khung cảnh ấy khiến du khách có ấn tượng mạnh mẽ khó phai mỗi lần đặt chân tới phố cổ.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Nhật Anh