Tấm ảnh được chụp tại cửa giảng đường, một giảng viên đang đứng trên bục, phía dưới chỉ có duy nhất một sinh viên nam đang chăm chú nghe giảng. Bức ảnh được chia sẻ lần đầu tiên với lời ngợi khen dành cho nữ giảng viên bởi đã chấp nhận đứng giảng bài trong tình cảnh chẳng khác nào gia sư tại nhà chỉ có 1 cô, 1 trò.
|
Ảnh chụp giảng đường Đại học Công nghiệp Hà Nội vắng tanh, chỉ có 1 sinh viên ngồi học nhưng giảng viên vẫn giảng bài. |
Một số thành viên mạng cho rằng giảng viên này dạy một môn học không được yêu thích nên vào giờ là sinh viên bỏ tiết, trốn đi hết, chỉ còn duy nhất một sinh viên vì nể cô giáo nên ở lại. Nickname Toàn Bùi bình luận: “Chắc lớp này bất trị, sinh viên coi thường giáo viên, đến giờ là bỏ đi. Vậy mà cô vẫn cố gắng đứng giảng, thật đáng khâm phục”.
Tuy nhiên những lời khen về sự tận tình của nữ giảng viên nhanh chóng gặp phải một làn sóng phản đối. Trên diễn đàn Vitalk, không ít thành viên cho rằng đây là một bức ảnh dàn dựng nhằm kích thích người xem và tạo bão bình luận. Một luồng ý kiến khác lại khẳng định chuyện giảng đường đại học chỉ có 1 cô, 1 trò không phải chuyện hiếm gặp. Đơn giản sinh viên ngồi bên dưới thi trượt một môn nào đó và phải học lại nên mới phải phiền giảng viên đến dạy như vậy.
Nickname Mẩu Bánh Trưng bình luận trên Vitalk: “Đây là học theo kiểu tín chỉ. Sinh viên thi trượt một môn, cần ra trường nên đành chấp chấp nhận đóng đủ số tiền để nhà trường có thể mở ra một lớp học lại. Đóng đủ tiền là lớp được mở, 1 thầy 1 trò cũng phải học. Học để mà còn ra trường chứ! Việc này ở các trường đại học xuất hiện nhan nhản, không có gì là quá lạ lẫm”.
|
Dân mạng nhiều người khẳng định sinh viên này phải học lại, một số lại khen cô giáo tận tụy chấp nhận dạy một lớp chỉ có 1 sinh viên. |
Ý kiến của Mẩu Bánh Trưng mở ra một hướng suy ngẫm khác về bức ảnh. Thái độ học tập, sự chuyên cần của sinh viên cùng những khát vọng, định hướng cho tương lai được đem ra bàn luận. Nickname Hạnh Nhiên Trần viết: “Vẫn chưa rõ câu chuyện đằng sau bức ảnh này nhưng dù đây là sinh viên phải học lại hay là lớp học bỏ tiết thì mình cũng thấy thật đáng buồn. Sinh viên bây giờ quả thật khá ít người chuyên tâm, chuyên cần, toàn tâm toàn ý cho việc học ở giảng đường. Chuyện miếng cơm manh áo ở thành phố, chuyện sinh hoạt hàng ngày, rồi chuyện làm thêm kiếm tiền, chuyện yêu đương… len vào cuộc sống của sinh viên khiến nhiều người không thể có được kết quả học tập tốt nhất. Rồi thì thi lại, học lại… tốn kém tiền của, tốn kém thời gian… Sinh viên mà! Đại học mà! Tưởng chỉ cần học tốt là xong nhưng vẫn còn lắm điều phải suy nghĩ”.
Tâm An