Bài văn hài hước như sau: "Nhà em có nuôi một ông bố tên là Đỗ Mạnh Hà. Hằng ngày bố chỉ đi kiếm tiền rồi về nằm ườn ra đấy. Đến bà to nhất vẫn phải làm việc còn bố là người duy nhất không làm việc. Lúc ăn cơm gọi mấy lần cũng chưa lên còn bảo đợi tao tí. Lúc ăn cơm xong cả da (gia) đình cùng dọn bố trả rọn (chả dọn) rồi xuống chát... với học sinh. Em bé còn phải đút xoài cho bố từ nay em không làm ôxin (osin) nữa. Em rất yêu vừa chứ không yêu lắm".
|
Được biết, đoạn văn này được một cô giáo chụp lại và chia sẻ trên mạng. |
Đoạn văn tả thực vạch trần “sự lười nhác” của bố này đang được cộng đồng mạng, đặc biệt là nhiều ông bố, bà mẹ truyền tay nhau trên mạng xã hội. Trên diễn đàn Webtretho, bài văn hài hước này nhận được gần 15.000 lượt like, 1.000 lượt bình luận và gần 4.000 lượt chia sẻ.
Bài viết tuy còn nhiều chỗ sai chính tả nhưng chính sự hồn nhiên, ngây ngô và nhất là lời khẳng định em chỉ “yêu bố vừa” chứ không yêu lắm khiến ai đọc cũng phải bật cười.
|
Bài văn tả thực nhận được cơn bão "like" từ các bậc phụ huynh. |
Nhiều bà mẹ còn chia sẻ bài viết kèm theo nhiều câu nói “giống y ông chồng mình, mỗi lần gọi ăn cơm cứ nói chờ tí để bố chơi game". Hay có người gửi đến chồng với câu “đọc đi chồng ơi, đừng có lười để sau này con nó tả như thế nhé”; có bà mẹ thì lại dựa vào bài văn này để “khuyên khéo” chồng nên “tự nhận xét bản thân rồi mau mau giúp mẹ làm việc nhà để tránh bị con cái lên án nhé”.
|
Nhiều ý kiến bình luận khác nhau xung quanh bài văn miêu tả bố của bé. |
Ở một khía cạnh khác, một số bậc phụ huynh tỏ ra nghiêm túc khi cho rằng những ông bố như thế này sẽ làm hư con. Một bà mẹ có nickname Ngan Nguyen Tran Nhat giãi bày: “Đọc bài văn này tôi chảy nước mắt chứ không cười được vì 2 lý do: "Thứ 1, trong gia đình người cha không phải là tấm gương cho con cái, đứa bé từ đó bức xúc với một câu rất đau lòng: 'Từ nay em không làm oxin nữa", bé con việc làm cho bố mình không phải xuất phát từ lòng hiếu thảo. Đó là phản ứng lại với những gì bố làm ở nhà. Thứ 2, câu văn của em dùng quá lủng củng, chính tả sai nhiều chứng tỏ việc học của cháu cũng không được bố mẹ quan tâm uốn nắn đúng mức. Để con trẻ sai những từ quá cơ bản rất nguy hiểm. Qua bài văn này điều mà các ông bố bà mẹ chúng ta cần phải hiểu rằng không phải chỉ kiếm tiền là đủ”.
|
Nhiều quan điểm về gia đình, về giáo dục con cái được chia sẻ nghiêm túc. |
Một độc giả nam lại bày tỏ khá gay gắt: “Trẻ con chưa thể có những từ ngữ như "đi kiếm tiền" hoặc "về nhà nằm ườn ra" mà có chỉ có có thể nhiễm từ những người lớn hay kêu ca, đừng nghĩ rằng bé viết thói hư tật xấu của bố mà vô hình chung bé đã nhiễm tính hay kêu ca từ người lớn và những động từ không nên phát ra từ trẻ nhỏ về người bố của mình, có khi nào những bà mẹ đọc được những dòng này hiểu ra được cái sâu xa hơn không hay chỉ dạy cho con cái tính coi thường bố, hãy tự tay xây nên hạnh phúc cho mình bằng hành động và lời nói của mình là khuyên nhủ chồng hay hơn là tạo 1 hình tượng 1 ông bố xấu trong tâm trí trẻ con, các bà mẹ nên nhớ rằng "cái nhà phải có cái nóc" mất nóc rồi không còn là cái nhà nữa đâu. 1 ngôi nhà có ông bố lười chưa hẳn đã có bà mẹ tốt tính”.
Trong khi đó, một số ít thành viên lại hoài nghi rằng bài văn không phải do trẻ viết. Nickname Phuong Lan Bui bình luận: “Bài văn này có vấn đề, mình không tin là em bé này viết, vì có những câu như là: "em phải đút xoài", rồi "chát với học sinh", đây chỉ là bịa để cho vui thôi”. Có người đồng quan điểm: “Mình chả tin đây là những bài thực sự của bé tiểu học viết, do người lớn đạo diễn để câu like thôi, mình đọc nhiều về những bài văn của học sinh cấp 1 về việc tả “nuôi” ông nội rồi, trẻ con không bao giờ viết được như thế này…”.