Thầy Khắc Hiếu chia sẻ dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành

Google News

(Kiến Thức) - Facebook của thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu vừa chia sẻ "6 dấu hiệu nhận biết con có thể đang bị bạo hành" và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dân mạng. 

Dư luận đang vô cùng căm phẫn trước vụ việc bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý hành hạ trẻ nhỏ một cách dã man, tàn nhẫn, vô lương tâm tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh (đường Hiệp Bình, P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức, TP.HCM).
Trước vụ việc xảy ra, nhiều bậc phụ huynh khá băn khoăn, tự hỏi liệu rằng con em của họ có đang bị bạo hành giống như những đứa trẻ ở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh hay không?
Thay Khac Hieu chia se dau hieu nhan biet tre bi bao hanh
 Bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý đang dúi đầu bé gái vào thùng nước, khi cháu không chịu ăn.
Để các bậc phụ huynh bớt băn khoăn lo lắng, Th.S tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã chia sẻ 6 dấu hiệu giúp các bậc phụ huynh nhận biết được con em mình có bị bạo hành khi đến lớp hay không.
Theo chia sẻ của thầy Khắc Hiếu, để bảo vệ con, các mẹ phải tinh ý khi gửi khúc ruột của mình. Nếu đứa bé có những dấu hiệu sau phải thật cảnh giác để đứa con bé bỏng của mình khỏi phải ám ảnh trong từng muỗng cơm, giấc ngủ:
Thay Khac Hieu chia se dau hieu nhan biet tre bi bao hanh-Hinh-2
 Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ 6 dấu hiệu nhận biết trẻ có bị bạo hành hay không.
Về dấu hiệu tâm lý, bé luôn gào khóc không muốn vào lớp dù đã qua tuần lễ làm quen đầu tiên. Bé lớn hơn có thể thường xuyên mếu máo bảo "con không muốn tới trường!". Biểu hiện thứ hai là bé thể hiện sự sợ hãi khi thấy cô giáo. Không nhìn thấy cô thì có thể im nhưng hễ thấy cô là bé hốt hoảng hay kêu khóc. Biểu hiện thứ 3, bé lầm lì, nhút nhát, hay sợ sệt hoặc ngược lại, dễ cáu, dễ thét, dễ bùng nổ cảm xúc. Biểu hiện thứ 4, bé thấy cơm là sợ hãi. Hoặc ở nhà thì ăn nhưng vào lớp hay bị cô mách là bé biếng ăn, bé hất cơm. Biểu hiện cuối cùng là bé hay gặp ác mộng, thường xuyên giật mình nửa đêm rồi ngồi khóc.
Về dấu hiệu sinh lý, bé có vết bầm trên người, vết xước, đầu bị u (nên xoa đầu trẻ hỏi trẻ có đau không?). Nếu trẻ lớp chồi hay lớp lá đã biết nói, nên thường xuyên tập cho trẻ kể chuyện ở lớp, ở trường. Nếu trẻ còn quá bé, không biết nói, cha mẹ nên thỉnh thoảng đột xuất ghé thăm con (giữa giờ nghỉ trưa, thậm chí giữa giờ làm việc, giữa giờ ăn) với lý do đem sữa/thuốc/đồ thay cho bé... Cháu lớn (lớp lá) thì ngày nào mình cũng hỏi chuyện để tập cho bé kể chuyện ở lớp cho mình nghe. Hướng dẫn bé kể cho mình biết khi ở trường bị phạt hay bị đánh.
Thầy Khắc Hiếu chia sẻ: "Trẻ nhỏ chưa có khả năng tự vệ. Trong khi chờ đợi cơ quan quản lý giáo dục kiểm soát được các cơ sở mầm non đặc biệt là mầm non tư thục, trong khi chờ đợi chính quyền địa phương và pháp luật vươn bàn tay nghiêm minh, cha mẹ hãy tìm cách tự bảo vệ con mình trước".
Khải Tuyền