"Săn tuyết", dân phượt cần chú ý những gì?

Google News

Hiện tượng băng tuyết đã phủ trắng các cành cây, con đường tại Phia Oắc (Cao Bằng), chính điều này đã thôi thúc các tín đồ đi "săn tuyết".

Băng tuyết xuất hiện tại Phia Oắc. (Cao Bằng). 
Nằm ở độ cao 1.930m so với mực nước biển, chiều qua (16/12) Phia Oắc đã xuất hiện đợt băng tuyết đầu tiên của mùa đông năm nay. Sau khi những bức hình băng tuyết được đăng tải trên mạng xã hội, đã thu hút rất nhiều sự chú ý và quan tâm của dân du lịch.
Những bức ảnh ấn tượng tại Phia Oắc (Cao Bằng) ngay lập tức đã đánh trúng “tim đen” của các tín đồ “mê" tuyết rơi. Nhiều bạn trẻ đã hào hứng, lên lịch trình đi "săn tuyết" ngay cho mình. Nhưng trước mỗi chuyến đi, các bạn cần phải chuẩn bị thật kỹ càng mọi thứ, để hành trình “săn tuyết” của mình được hoàn hảo nhất.
Dưới đây là những kinh nghiệm săn tuyết tại các vùng núi phía Bắc, mà các bạn cần tham khảo:
Trang phục
- “Đi săn tuyết” là bạn xác định đến một vùng đất cực ỳ lạnh, khí hậu có thể xuống tới 0 độ C, nên việc giữ ấm cho cơ thể là điều đầu tiên và quan trọng nhất trong suốt chuyến đi. Bạn cần phải chuẩn bị nhiều áo rét, thay vì mặc một chiếc áo ấm to, bạn nên mặc nhiều lớp áo mỏng để giữ thân nhiệt tốt hơn. Áo khoác bên ngoài nên mặc loại áo cản gió, chống thấm nước như áo phao, áo lông vũ, tránh mặc áo len, áo da bởi chúng dễ thấm nước.
 
- Không nên mặc quần jean bởi chúng không có tác dụng giữ ấm, hơn nữa lại lâu khô khi bị ướt. Cách tốt nhất là mặc quần có lớp lót bông hoặc nỉ bên trong, và quần có chất liệu cotton dày để giữ ấm và chống ẩm ướt. Hơn nữa, để lội tuyết thoải mái cần sử dụng bó ống để ngăn tuyết ko rơi vào trong giày.
- Giày nên sử dụng giày có đế mềm, chống trơn trượt; hoặc các bạn cũng có thể sử dụng những đôi ủng.
- Bên cạnh đó bạn cũng nên quàng thêm khăn cổ, đội mũ len, đeo bịt tai, khẩu trang, gang tay... để giữ ấm. Ngoài ra bạn cũng nên chuẩn bị thêm vài miếng dán giữ nhiệt (nên dán vùng bụng, lưng, đùi, bàn chân), túi sưởi bỏ túi làm từ than hoạt tính, chúng cũng có tác dụng giữ nhiệt tốt và rất thuận tiện khi mang đi du lịch.
Di chuyển
- Trong điều kiện tuyết rơi và băng giá nên hạn chế đi xe máy vì mặt đường có lớp băng rất trơn, khi phanh rất dễ bị trượt bánh. An toàn hơn các bạn nên thuê riêng một xe du lịch cho chuyến đi đông người.
- Lốp xe không nên bơm căng, giảm tiếp diện của bánh xe với mặt đường. Nên xịt bớt hơi và khi vào cua nên giữ thẳng xe.
- Xe máy nên trang bị xích bao quanh bánh để đi trên mặt đường đóng băng
- Nên bảo dưỡng xe, kiểm tra độ mòn của lốp xe, phanh xe… trước khi khởi hành.
- Khi “ôm cua” tại những đoạn có tuyết rơi không nên phanh xe bất ngờ, nên đi cẩn thận vì thời tiết có tuyết tầm nhìn sẽ bị hạn chế.
Máy ảnh
Thời tiết lạnh nên pin rất nhanh hết vì bị thoát năng lượng. Nên chuẩn bị pin dự phòng nhiều hơn bình thường.
Nên tìm cách giữ ấm cho máy ảnh, không nên bỏ ngoài túi lâu bởi thời tiết quá lạnh ảnh hưởng xấu tới tuổi thọ của máy.
Việc xuất hiện băng tuyết, tuyết rơi tại các tỉnh miền núi phía Tây Bắc là điều mong chờ của dân du lịch mê “săn tuyết”. Nhiều bạn trẻ chỉ chờ đón ngày này xuất hiện để thực hiện cuộc hành trình mơ ước của mình. Nhưng ngược lại, thời tiết khắc nhiệt, băng tuyết xuất hiện lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nơi đây, từ sinh hoạt, đến cây trồng, vật nuôi. Thậm chí các em nhỏ còn không có một chiếc áo ấm để mặc cho mùa đông lạnh giá.
Bởi vậy, nếu bạn có những vật dụng nào có thể hỗ trợ cho bà con nơi đây, để tránh cái giá lạnh cắt xương cắt thịt, thì nên cố gắng mang theo bên hành trang của mình. Một hành động vừa thể hiện được tình người, vừa mang nhiều kỷ niệm hơn trong chuyến du lịch của bạn.
Theo VnTinnhanh