Phẫn nộ cảnh quan chức "đè đầu cưỡi cổ" dân vùng lũ

Google News

Một quan chức Trung Quốc bị cách chức khi bức ảnh chụp một người dân cõng ông ta đi thị sát vùng lũ được công bố, gây bất bình trong dư luận.


AFP dẫn lại thông tin từ Tân Hoa Xã cho biết, sau khi bức ảnh vị quan chức được dân cõng khi đi thăm các nạn nhân của trận lũ do cơn bão Fitow được công bố, nó được lan truyền chóng mặt trên trang Sina Weibo và khiến người dân cực kì phẫn nộ.
 Cảnh quan chức bắt người dân cõng vì sợ bẩn chân. Ảnh: Sina Weibo.
Kèm theo hình ảnh ấy là một bài báo ngắn, nói rằng vị quan chức họ Vương này chấp nhận được cõng vì ông ta mang đôi giày đắt tiền và không muốn nó bị ướt.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương thì lại đưa ra lời giải thích khác rằng dù ông Vương đã định cởi giày và tự đi nhưng chính người dân ấy cứ khăng khăng cõng ông qua chỗ ngập nước.
Dù vậy, ông Vương vẫn bị cách chức chủ nhiệm phòng xây dựng thị trấn Tam Thất Thị (thành phố Du Diêu, Chiết Giang, Trung Quốc).
Trước đó vụ việc một phóng viên ở Ấn Độ "cưỡi cổ" một nạn nhân vùng lũ lụt cũng làm dấy lên nhiều sự bức xúc, phẫn nộ của người dân và cộng đồng mạng.
Cư dân mạng Ấn Độ đã bức xúc trước đoạn video lan truyền trên Youtube cho thấy một người dân làng đứng dưới dòng nước lụt, cõng phóng viên Narayan Pargaien trên vai và Pargaien thì vô tư cầm micro đọc bản ghi nhận tình hình lũ lụt tại bang Uttarakhand (Ấn Độ), theo AFP ngày 26/6.
 Phóng viên "đè đầu cưỡi cổ" người dân bị "ném đá" kịch liệt.
“Hành động của người phóng viên này là vô nhân đạo. Anh ta không thể nào ngồi trên đầu trên cổ người khác để đưa tin. Chúng tôi đã sa thải anh ta vào ngày 25/6”, theo AFP dẫn lời ông Nishant Chaturvedi, giám đốc kênh truyền hình New Express ngày 26/6.
Phóng viên Pargaien phân trần rằng người dân làng kia là một nạn nhân sống sót sau trận lũ lụt, muốn thể hiện sự “tôn trọng đối với phóng viên báo đài”.
“Vì thế trong lúc đi qua một con sông, người dân làng đã lên tiếng giúp cõng tôi…”, theo phóng viên Pargaien.
Ông Chaturvedi cho biết: “Pargaien đã gửi đoạn video cho chúng tôi. Chúng tôi bị sốc khi xem đoạn video. Lẽ ra anh ta phải hòa vào cùng người dân vùng lũ để đưa tin và chúng tôi đã không phát sóng đoạn video này”.
Kênh truyền hình New Express đang điều tra xem ai đã đăng tải đoạn video trên Youtube.

AFP dẫn lời giới chức Ấn Độ ngày 24/6 xác nhận đã có ít nhất 1.000 người thiệt mạng do lũ quét và lở đất tại miền bắc nước này suốt hơn một tuần qua. Phần lớn nạn nhân tập trung ở bang Uttarakhand.
Theo Thanh Niên