Phản cảm giẫm đạp lên nhau nơi linh thiêng

Google News

(Kiến Thức) - Cảnh chen lấn, giẫm đạp lên nhau của những mùa khai ấn đền Trần năm trước lại hiện về.


Hàng năm, lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) luôn thu hút sự chú ý và quan tâm của hàng triệu người. Mặc dù đã có rất nhiều biện pháp được đưa ra để thắt chặt an ninh, nhưng tình trạng trên vẫn xảy ra. 

Dù sáng ngày 24/2 (tức sáng 15 tháng Giêng), đền Trần (Nam Định) mới bắt đầu phát ấn cho du khách nhưng hàng ngàn người đã túc trực tại đây từ đêm hôm trước để được là những người sớm nhất được vào trong đền Trần. 

Chẳng ai chịu nhường ai, nhiều người bị đẩy ngã dúi dụi. Ảnh: VNE.

Cảnh tượng chen lấn, xô đẩy, cướp lộc đền Trần lại xảy ra như những năm trước. Nhiều người không chịu nổi đã bị ngất xỉu, không ít người đã bị rạch túi, trộm đồ. Cảnh hỗn loạn cũng khiến cho một số cánh cửa của đền bị phá hỏng, rơi rụng… Thậm chí, nhiều người đã tranh nhau giành giật "ấn nhầm" do các "đầu nậu" in ấn giả của các năm trước tung ra để bán mà không biết.

Những hành động phản cảm trên đã làm mất đi nét đẹp văn hóa của một trong những lễ hội độc đáo và giàu truyền thống tại Việt Nam và đang trở thành chủ đề tranh luận trong dư luận và cư dân mạng. 

Bạn đọc có tên Hà Thắng  bình luận: “Theo tôi được biết lá ấn đền Trần là một biểu tượng nhằm mang lại sự an lành cho chủ nhân của nó. Nhưng nếu giẫm đạp lên nhau để xin được lá ấn hoặc một số người vì mục đích thương mại, mua nhiều rồi ra bán lại cho những người ngại xếp hàng. Vậy hỏi ý nghĩa thực của lá ấn có còn hay không?”.

Một bạn đọc khác có nickname Hotbac.com thì chia sẻ: “Không biết đến bao giờ chúng ta có thể hình thành được văn hóa xếp hàng, ở các nước cứ 3-4 người là họ tự động xếp hàng ở các nơi như mua vé tàu điện ngầm, căng tin, mua vé xe... còn chúng ta thì cứ chen lấn đến sứt đầu mẻ trán”.

 Một cảnh tượng hỗn loạn nơi linh thiêng. 

Trên diễn đàn Webtretho, thành viên Bienhoxanh1 cho biết: “Lễ hội này là hay nếu nó không... giẫm đạp kinh thế. Nhớ khi mình còn sống ở Hà Nội, ông bạn rủ vợ chồng đi xin ấn, 2 nhà đi, bị chen suýt thì... tiêu. Sau chuyển về Sài Gòn, mình cũng không còn có thói quen đi lễ nữa”. 

Còn thành viên Binhminh0406 thì nhớ lại: “Ngày mình còn bé tí, bố mẹ mình hay đi lễ đền Trần và xin ấn để cầu mong gia đình mạnh khỏe, gặp may mắn trong năm mới. Ngày xưa có đông như thế này đâu, chủ yếu là người dân ở Nam Định hoặc gốc Nam Định nhưng làm ăn ở tỉnh xa về lễ. 

Thường là từ mồng 1 Tết là có ấn rồi, thậm chí các bác có thể tự tay đóng ấn của mình nữa cơ (nhưng muốn đóng ấn thì phải chui qua ban thờ trong cung cấm ở đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc - Nam Định). Những lúc đó không đông nên nhà mình cho cả con cháu đi, vừa có thể vãn cảnh ở đó và ôn lại lịch sử. Mình chưa bao giờ đi lễ và xin ấn vào ngày 14 tháng Giêng nên chưa hình dung ra cảnh này, giờ chứng kiến thấy khiếp quá”.

Thành viên 1311981 kể: “Bạn tớ dịp Tết này cũng mới đưa chồng (người Pháp) về thăm quê vợ, hai tên cũng hí hửng đi nào hội chùa Hương, rồi đền Trần... Anh chồng gọi điện, than thở: "Ôi kinh khủng quá, tao sợ lễ hội ở VN rồi!". Đau lòng không chứ!”.

Thành viên Tinhhoanghon1 bày tỏ: “Mình đi chùa chỉ chọn những ngày vắng vẻ, thích những chùa vắng vẻ. Và đi chùa chỉ để thấy lòng mình yên bình và thanh thản hơn sau những lo toan bộn bề của cuộc sống. Mình chỉ cầu trời khấn phật phù hộ cho cả gia đình duy nhất là sức khỏe. 

Mình cũng không thích dâng sao giải hạn bởi vì mình đọc và hiểu được rằng: Hạn của mình như kiểu nợ mà mình phải trả, nếu mình gặp thì coi như mình đã trả xong 1 nợ nghiệp... Có câu "đức năng thắng số", cách duy nhất làm giảm nghiệp của mình chỉ bằng cách sống tốt, không làm điều xấu, điều ác, làm nhiều việc thiện, công đức..."

Trước tình trạng chen lấn không ngừng tái diễn này, một số thành viên bày tỏ ý kiến. "Ban tổ chức nên tổ chức quyên góp, công đức trước kỳ lễ hội, số tiền thu được sẽ dùng để in rồi phát không cho du khách, sẽ chẳng còn ai tranh giành nữa cả" - bạn đọc có nickname Hong Anh chia sẻ. 

Bạn đọc có nickname là Đoàn Phú Huyên thì góp ý: "Sở VH-TT-DL Nam Định nên tổ chức cho nhân dân đăng ký nhận ấn đền Trần qua mạng internet (với số lượng không hạn chế và thời gian trước ngày khai hội vài tháng) như ngành đường sắt bán vé tàu Tết vậy. Khi nhà đền khai ấn, không ai được phép vào xem. Nhà đền sẽ in một số lượng ấn phù hợp với số lượng đã đăng ký trước. Đến sáng và trong những ngày hôm sau, ai có vé thì đến gặp Ban tổ chức để nộp phí và nhận ấn (ở một nơi rộng rãi, bên ngoài đền Trần) sau đó có thể đem ấn vào trong Đền làm lễ tạ hoặc mang về luôn tùy ý. Làm như vậy vừa tăng được số lượng người dân nhận được ấn, vừa tăng nguồn thu cho địa phương, vừa tránh được cảnh tranh cướp ở nơi linh thiêng".

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Minh Khuê