Giáo sư Trương Nguyện Thành - Phó Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, Thành phố Hồ Chí Minh – GS mặc quần đùi dạy học đang tạo ra sự việc nóng, tâm điểm trên nhiều trang báo, diễn đàn và mạng xã hội.
Nói “Sáng tạo” chỉ là để ngụy biện?
Như đã biết, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu ĐH Hoa Sen báo cáo về việc GS Trương Nguyện Thành mặc áo may ô, quần đùi giảng dạy trước sinh viên. Ban giám hiệu ĐH Hoa Sen phản hồi GS Thành chỉ ăn mặc như vậy trong sân chơi tư duy sáng tạo ở khóa học Innovation Roadmap (Lộ trình sáng tạo), hoàn toàn phải mặc như vậy lên giảng đường bình thường. Phía nhà trường nhìn nhận đó là hành động để kích thích sự sáng tạo cho sinh viên và hoan nghênh những sáng tạo, đột phá của giảng viên.
|
Hình ảnh GS Trương Nguyện Thành mặc quần đùi giảng cho sinh viên đang gây tranh cãi. |
Với cách nhìn nhận sự việc này, rất nhiều sinh viên, bạn trẻ, phụ huynh, những người từng trải qua thời gian học tập, ngồi trên ghế giảng đường đại học đã bộc lộ những quan điểm riêng của mình. Có những người yêu thích hình ảnh mới lạ của GS Thành, thậm chí là ngưỡng mộ ông. Nhưng cũng có không ít người lớn tuổi thẳng thắn chỉ trích, cho rằng việc “đề cao sự sáng tạo” ở đây chỉ là một sự ngụy biện.
Độc giả Thúy Huỳnh nêu quan điểm trong bình luận gửi về Báo điện tử Kiến Thức như sau: “Một sự ngụy biện cho một Giáo sư học cao hiểu rộng nhưng cách hành động là sai. Ở Hoa Sen và cả thế giới này có rất nhiều cách để thể hiện sự sáng tạo chứ không nhất thiết phải mặc lố lăng như thế là sáng tạo”. Chị Thúy Huỳnh chia sẻ bản thân là một người từng đi du học ở cả Mỹ và Canada, từng được dự rất nhiều tiết học sáng tạo nhưng thầy cô, các giảng viên có những cách thức rất khác để khơi gợi tư duy mới mẻ cho sinh viên mà không cần phải ăn mặc phạm thị, lạ mắt. Nói rõ hơn quan điểm của mình, chị Thúy Huỳnh thậm chí còn cho rằng trường đại học là nơi học thuật, không phải là các “sàn diễn showbiz” mà giảng viên muốn ăn mặc sao cũng được.
Không chỉ chị Thúy Huỳnh mà nhiều độc giả, cư dân mạng cũng chưa hiểu được tác dụng cụ thể trong bộ trang phục áo may ô, quần đùi của GS Trương Nguyện Thành là gì và nó đóng góp thế nào trong việc khơi gợi, kích thích sự sáng tạo cho sinh viên? Độc giả Tô Thành Lộc ở An Giang viết: “Ăn mặc như vậy có liên quan gì đến tư duy sáng tạo? Làm GS mà ăn mặc kiểu như vậy thì còn gì là môi trường giáo dục nữa”.
Trở lại với phần giải trình của ĐH Hoa Sen với Bộ GD&ĐT, trong đó có nêu GS Trương Nguyện Thành mặc quần đùi, áo may ô, đã lấy chính mình làm công cụ trực quan, bộ quần áo như là đạo cụ để phục vụ cho kịch bản trên sân khấu. GS là người thầy và cũng là diễn viên cho vở diễn với mục đích truyền thông điệp, nguồn cảm hứng đến cho sinh viên. Và cũng không phải là không có người đồng tình, thích thú với những gì mà GS Thành đã thể hiện trong khóa học sáng tạo đó.
“Sáng tạo vui nhưng phải có chừng mực”
“Thật không hiểu nổi ai chụp hình và đăng lên để mọi chuyện nó lớn lên! Ai ở trong cái lớp học đó thì phải hiểu vị GS này đang cần truyền đạt cái gì? GS làm cho ai? Có tốt hay hại các bạn sinh viên trong lớp đó? Các bạn chụp hình vậy rồi đăng lên trường các bạn chắc sẽ tốt hơn, nổi tiếng hơn quá? Hãy cố gắng tiếp thu những gì giảng viên người ta truyền đạt và hiểu nó theo chiều hướng tích cực? Đừng có cái gì cũng đăng Face, không hoc thi biến cho ngkhac người ta học cái hay” – đó là quan điểm, bình luận của độc giả Tấn Tài, một bạn trẻ đang làm công việc bán ý tưởng quảng cáo cho các doanh nghiệp.
Theo Tấn Tài, điều quan trọng nhất không nằm ở người giảng viên mà nằm ở cảm nhận cũng như sự tiếp thu của chính các bạn sinh viên – những người theo dõi vở kịch của GS Thành. Nếu các bạn coi đó đơn giản chỉ là những hình ảnh lạ mắt, mang tính chất giải trí thì việc làm của GS Thành là vô nghĩa. Nhưng ngược lại, nếu các bạn cảm thấy như được khơi gợi thực sự về sự đột phá, sáng tạo của bản thân... thì GS Thành lại vừa làm được một điều vừa khác biệt, vừa rất tốt đẹp.
|
Dư luận có vô số ý kiến, quan điểm trái chiều về việc làm được cho là mang mục đích khơi gợi sự sáng tạo cho sinh viên. |
Trên các Fanpage mạng xã hội tập trung nhiều sinh viên, có hàng trăm, hàng ngàn bạn trẻ đồng loạt lên tiếng, chia sẻ cảm nhận của bản thân về sự nhàm chán trong môi trường giáo dục truyền thống mà họ đã và đang trải qua. Nếu cách giảng dạy mới của GS Thành tạo ra hiệu quả thật sự, mang ý nghĩa thật sự, những bạn trẻ này tiết lộ sẵn sàng muốn trở thành một sinh viên, học viên trong lớp học sáng tạo và mới mẻ đó mà không cần quan tâm cách ăn mặc của GS Thành là đúng hay sai.
|
"Sáng tạo hay chỉ là sự ngụy biện", "Sáng tạo vui nhưng cần có chừng mực"... dư luận bình phẩm không ngừng về ý nghĩa sáng tạo, đột phá trong cách giảng dạy của GS Trương Nguyện Thành. |
Còn trên các diễn đàn dành cho các bậc phụ huynh như Làm cha mẹ, không ít vị bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với GS Thành, thậm chí còn mong muốn con em mình được một giáo viên giàu sáng tạo giảng dạy, không phải học theo chương trình máy móc, rập khuôn, chỉ đọc và chép như một cái máy như thực tế vẫn diễn ngày nay. Không vùi dập những tham vọng tạo ra sự đột phá, mới lạ, nhưng cần xác định giới hạn, chừng mực cụ thể - đó là ý kiến tựu kết chung của một bộ phận lớn những người có suy nghĩ không quá khắt khe về trang phục của GS Thành. “Tôi thấy việc phản bác là giáo điều nhưng không phải ăn mặc tùy tiện là được mà phải phù hợp với nội dung cần truyển tải của thầy giáo đối với học trò của mình”, Mai Bá Hùng – một độc giả ở Hà Nội cho hay.
Tâm An