Tour guide miễn phí được CNN đưa tin
Thành lập năm 2013, Hanoi eBuddies (viết tắt là HeBs) là một nhóm tình nguyện chuyên hướng dẫn du khách nước ngoài tham quan thành phố miễn phí. Trang CNN ngày 14/4 đã giới thiệu bài viết của tác giả Halima Ali, trong đó, cô kể về cảm giác thú vị khi đi tour cùng một thành viên HeBs “giống như đi chơi cùng một người bạn, vì cả hai cùng nhau nói đủ thứ chuyện trên đời, chứ không chỉ đơn thuần là giới thiệu các nơi chúng tôi đi qua”.
Trước đó, nhóm HeBs cũng được người dùng của trang du lịch nổi tiếng TripAdvisor đánh giá 5 sao.
Hầu hết các thành viên đến với HeBs đều có chung mục đích: tìm cơ hội giao tiếp với khách nước ngoài, từ đó nâng cao trình độ ngoại ngữ!
Nguyễn Thúy Quỳnh, cựu thành viên của HeBs, hiện đang du học tại Mỹ kể: “Tôi nghe có người nói HeBs, thấy mô hình hay nên đăng ký tham gia. Sau mới biết, muốn được tuyển phải qua phỏng vấn, ban tổ chức thấy trình độ của bạn ổn thì mới được nhận.
Những ngày đầu dẫn khách đi, mặc dù đã được training cẩn thận nhưng vẫn vấp nhiều. Xin lỗi liên tục, may mà đa phần khách dễ chịu nên cũng đỡ ngượng ngùng. Khi đó, mồm nói, tay nói, mặt nói, còn kè kè cái điện thoại trên tay để lỡ có từ nào khó thì tra luôn. Nhờ cách học thực tế này, trình nghe nói của tôi lên rất nhanh. Khi sang du học gần như không bị bỡ ngỡ và sốc”.
Trần Huy Hoàng (ĐH Kiến trúc) chia sẻ: “Tôi học tiếng Pháp ở L’espace, được sáu khóa thì hết tiền, đành nghỉ. Có lần nghe bạn kể về HeBs, tôi nghĩ đăng ký cho vui. Vì các bạn học Pháp không nhiều nên tuy trình tôi hơi “còi” vẫn được nhận. Đi tour khoảng tám tháng, tôi quay lại L’espace thi kiểm tra, vèo một phát, trình nhảy cóc ba lớp. Mới thấy cách học trực tiếp này cực kỳ hiệu quả”.
Phạm Diễm Hương (ĐH Hà Nội) tổng kết: “Làm tour guider không chỉ nâng cấp trình độ ngoại ngữ, còn có thể cải thiện cả hiểu biết về lịch sử, văn hóa và các kỹ năng sống khác. Quan trọng nhất là không tốn một xu tiền học mà vẫn có thể giao tiếp với người nước ngoài để học cách nói chuẩn”.
|
Giải đáp mọi thắc mắc từ địa chỉ quán Bar đến chỗ mua đồ lưu niệm rẻ, đẹp. |
Phượt với Tây và mỗi ngày một từ
Các tour “vừa đi chơi vừa học ngoại ngữ” hiện đang nở rộ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo mô hình này, các công ty du lịch sẽ kết nối khách Tây và người Việt có nhu cầu học ngoại ngữ trong cùng một chuyến đi dã ngoại (từ 2-7 ngày) trong một khung giá “chấp nhận được” từ 2-7 triệu.
Như vậy, người có nhu cầu học ngoại ngữ sẽ có cơ hội thực hành tiếng suốt tám giờ mỗi ngày, trong từng ngữ cảnh cụ thể và luôn không có cảm giác phải ngồi lớp, trả bài.
Đây là xu hướng học ngoại ngữ đang được những người đi làm tung hô vì sự nới lỏng điều kiện và tinh thần “vui là chính” của nó. “Nói “vui là chính” nhưng tôi lại thấy kiểu giao tiếp này rất hiệu quả. Bởi vì bị “trói” vào với nhau trong cùng một không gian và điều kiện sinh hoạt, cả hai bên (Tây và Việt) đều phải nỗ lực tìm cách diễn đạt để có thể hiểu nhau.
Các điều kiện hỗ trợ việc học ngoại ngữ bây giờ lại sẵn, từ nào khó có thể tra mạng ngay nên tiến triển thường nhanh hơn bình thường. Vả lại, bởi mỗi tình huống đều có tính ứng dụng cao, nên khi đã bật ra được thì sẽ nhớ rất lâu”, chia sẻ của chị Trần Kim Anh (Công ty Hòa Phát).
Một cách tích lũy ngoại ngữ không gấp gáp nữa theo đề xuất của nhà văn Dương Thụy cũng được share rất rộng rãi. Dương Thụy kể về tình huống chị gặp một đồng hương sống hơn chục năm trên đất Pháp nhưng vẫn không hề biết tiếng Pháp. Nhà văn đã đề nghị chị này “mỗi ngày chỉ cần học một từ thôi, có thể năm sau gặp nhau ở sân bay chị đã không cần nhờ em phiên dịch nữa rồi”.
Cùng với dòng share kinh nghiệm của Dương Thụy, những người muốn xóa mù ngoại ngữ còn đính kèm rất nhiều các trang web chuyên dạy phát âm miễn phí như forvo, lingohut… Một số người kiên trì cũng đã thu được kết quả rất khả quan.
Linhcaoden (Hà Nội) khoe: “Luyện chưởng trên lingohut ba tháng, đi Trung Quốc mua bán, mặc cả, giao tiếp thông thường ngon ơ. Vì mình chỉ cố gắng học thuộc những bài liên quan đến du lịch như hỏi đường, trên máy bay, trong khách sạn, ngoài phố v.v… Thực sự không khó như nhiều người dọa”.
Hãy hỏi tôi bất cứ chuyện gì!
“Ask Me Anything”, gọi tắt là AMA, được thành lập tại Hà Nội từ năm 2015, thu hút cả ngàn người tham gia.
Sáng lập của AMA là Trần Văn Tiến (30 tuổi), chủ quán cà phê The Note đối diện hồ Hoàn Kiếm. Vì đặc thù công việc, Tiến rất hay “bị” du khách nước ngoài, đặc biệt là khách lẻ phàn nàn vì Hà Nội quá thiếu những bảng thông tin hướng dẫn những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử cũng như các địa điểm ăn uống bằng tiếng Anh. Ngược lại, từ kinh nghiệm bản thân, có nhu cầu học ngoại ngữ lại không có môi trường rèn luyện, và học không hiệu quả bởi chương trình khô cứng của nhà trường, anh nghĩ ra cách kết nối hai đối tượng này với nhau.
Thế là từ tháng 4/2015, cứ đến chiều thứ bảy, chủ nhật hằng tuần trước tượng đài Lý Thái Tổ, đối diện hồ Hoàn Kiếm, một nhóm thanh niên mặc đồng phục Ask Me Anything sẽ tập trung lại và treo biển: “Ask Me Anything (for) Free. Direction, Cuisine, Culture, History, Where to go, What to do. We can speak English, Dutch, French, Chinese” (Hãy hỏi tôi bất cứ thứ gì như đường đi, ẩm thực, văn hóa, lịch sử, đi đâu, làm gì hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi có thể nói tiếng Anh, Hà Lan, Pháp, và Trung Quốc).
Hai năm qua, AMA đã đưa đón một vài thế hệ sinh viên “thành tài và tốt nghiệp”, và ngày càng mở rộng đội ngũ tình nguyện viên. Hiện nay, người giữ kỷ lục trẻ nhất ở AMA là Nguyễn Quang Minh (Thanh Xuân) mới chỉ 10 tuổi. Ngoài ra, AMA cũng thu hút một số tình nguyện viên quốc tế tham gia, như trường hợp của Kylie (người Mỹ) hiện đang làm luận án Tiến sĩ về các dự án cộng đồng kiểu như AMA…
AMA cũng đang mở sóng rộng hơn bằng cách không ngừng thêm tên những ngoại ngữ “có thể hỗ trợ” vào bảng giới thiệu: mới đây, đã có thêm tiếng Nhật và tiếng Đức.
Mô hình của AMA được chứng minh là một cách học ngoại ngữ ngon, bổ, rẻ và được các thành viên không ngừng cổ vũ lẫn “khoe” thành tích. Từ cuối năm ngoái, AMA đã lan đến cả Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ…
Theo An An / Tiền Phong