Ngày này 25 năm trước, ngày 14/3/1988, những chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã làm nên một "vòng tròn bất tử" và dùng máu của mình bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc
khi quân Trung Quốc tràn lên đảo Gạc Ma. 64 người con đất Việt đã hi sinh trong tư thế khiến kẻ dã tâm phải cúi đầu.
“6 giờ sáng 14/3, chiến sự nổ ra, các chiến sĩ dưới sự chỉ huy của thiếu úy Trần Văn Phương vẫn kiên quyết bảo vệ cờ Tổ quốc và không chịu rút lui. Đôi bên giằng co quyết liệt, Trung Quốc nổ súng bắn vào anh Phương, Phương ngã xuống, song vừa lúc ấy, binh nhất Nguyễn Văn Lanh đã nhanh chóng xông tới, cùng anh em đứng vây quanh lá cờ của Tổ quốc. Nguyễn Văn Lanh vừa đánh bật khẩu súng ngắn trên tay một chỉ huy phía Trung Quốc thì một lính khác của đối phương đã dùng lưỡi lê đâm vào Lanh từ phía sau. Lanh gục xuống, một dòng máu nhuộm đỏ từ dưới chân cột cờ của Tổ quốc nhưng cột cờ của Tổ quốc không đổ… (trích Lịch sử Trung đoàn công binh 83 hải quân)
|
Kỷ niệm 25 năm trận hải chiến Trường Sa, nhiều bạn đọc và cư dân trên mạng đã bày tỏ lòng biết ơn đến những người con đất Việt đã hi sinh vì biển đảo Tổ quốc.
Trên trang Fanpage của Facebook, một thành viên xúc động viết: “Nhắc đến ngày 14/3 chắc nhiều bạn trẻ sẽ nghĩ là ngày Valentine trắng, nhưng mình muốn nhắc đến ngày kỷ niệm có ý nghĩa to lớn với dân tộc với Tổ Quốc với chủ quyền của đất nước. Ngày 14/3 là ngày kỷ niệm Chiến dịch CQ-88 (Chủ quyền năm 1988), vào ngày 14/3/1988: 64 anh hùng liệt sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hi sinh tại bãi đá ngầm Gạc Ma, quần đảo Trường Sa trong trận chiến chống lại quân xâm lược Trung Quốc... Bài viết này của tôi hy vọng được chia sẻ rộng rãi, để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì chủ quyền của dân tộc, để các bạn trẻ biết rằng cần phải làm gì cho Tổ quốc thân yêu này!”.
Thành viên Chipchip Gacon bày tỏ trên Youtube: "
Chú Phương ơi! Ba mẹ cháu vẫn nhắc về chú vào những ngày này, mọi người không quên được đâu chú ạ! Khi chú đến nhà cháu còn chưa sinh ra, nhưng cháu luôn tự hào vì nhà mình từng được một người anh hùng ghé thăm. Chú yên nghỉ chú nhé! Cháu và mọi người sẽ tiếp tục tô thắm lá cờ Tổ quốc nếu bất kỳ kẻ nào đụng đến Việt Nam".
|
Cư dân mạng "sôi sục" kỷ niệm Hải chiến Trường Sa. |
Cùng chung cảm xúc, nickname Aquarius2818 viết: "Mãi đến ngày hôm nay lớp trẻ chúng con mới có thể biết tới ông và những chiến sĩ anh hùng qua Intenet. Sự kiện năm 1988 nên cho vào chương trình sử hiện đại để lớp trẻ được biết tới chiến công của những vị anh hùng đã phải ngã xuống trong công cuộc bảo vệ đất nước...".
|
Bức tranh miêu tả cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 được chia sẻ trên mạng.
|
Trên diễn đàn Otofun, thành viên Lầm bày tỏ: “Nếu có cơ hội, mong các bạn hãy đến với Trường Sa, nhất là hãy đi hướng giữa (trong 3 hướng Bắc và Nam) để được đến với Cô Lin, Len Đao và nhất là thả hoa tưởng niệm gần Gạc Ma. Không khí nghiêm trang, chỉ có tiếng gió và tiếng sóng áp mạn tàu. Hơn 1 trăm người lặng im, nuốt nước mắt, thả vòng hoa có hình cờ Tổ quốc xuống biển. Tiếng nhạc Hồn tử sĩ thoảng bay trong gió, mùi hương thơm luẩn quẩn khắp nơi. Vòng hoa thả xuống biển, mặc cho sóng gió đẩy dồn, vẫn quyết bám mạn tàu lưu luyến. Những người con nước Việt, dù còn sống hay đã chết, vẫn sẽ mãi vì Tổ quốc này".
"Em cũng mong ra đó 1 lần cho biết, được thả vòng hoa xuống biển xanh để hương hồn ông em -
anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông được yên nghỉ... Ông
em hi sinh vào ngày 14/3 năm đó nhưng đến tận tháng 4, nhà vẫn nhận được thư của ông gửi về. Sau này nhà mới biết, trước khi ra đảo làm nhiệm vụ, ông đã có linh tính không lành, chuyến đi biển lần đó ông sợ mình sẽ không trở về nên đã viết sẵn hàng chục lá thư, dặn một chú cùng đơn vị là cách vài ngày lại điền ngày tháng vào thư để gửi về nhà cho gia đình" - thành viên Bhb218 chia sẻ.
Bạn đọc có nickname Khatracom bình luận trên một trang báo điện tử: "Tổ quốc Việt Nam mãi mãi nhớ ơn các anh. Mong rằng những hoạt động vinh danh này diễn ra thường xuyên hơn, rộng rãi hơn để thế hệ trẻ biết nhiều hơn về những trang sử của nước nhà".
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Minh Khuê (tổng hợp)