Trong kỳ Sea Games 27 đang diễn ra tại Myanmar những ngày này, ngoài những thành công, huy chương vàng (HCV) mà các VĐV Việt Nam giành được, một câu chuyện khác cũng khiến dư luận xôn xao, đó là việc các VĐV nước nhà bị trọng tài xử ép, để “đánh rơi vàng” mất huy chương một cách... tức tưởi.
|
Vẻ thất vọng của 3 nữ VĐV Karatedo Nguyễn Hoàng Ngân, Đỗ Thị Thu Hà và Nguyễn Thanh Hằng khi bị xử ép, đánh rơi HCV. |
Từ những ngày thi đấu đầu tiên, hình ảnh 3 nữ VĐV Karatedo Nguyễn Hoàng Ngân, Đỗ Thị Thu Hà và Nguyễn Thanh Hằng cúi mặt thất vọng do cách điều khiển trận đấu của trọng tài, dẫn đến việc cả 3 đều mất huy chương... đã khiến người hâm mộ Việt Nam cảm thấy nhức nhối.
Liên tiếp sau đó, những trường hợp của lực sĩ Phạm Văn Mách (môn thể hình) bị mất HCV vì chiêu trò của nước chủ nhà gây ảnh hưởng tâm lý; Trương Đình Hoàng (boxing) bị máy tính xử ép; Ánh Viên (bơi lội) bị đối thủ xuất phát phạm luật vượt qua, trọng tài không chấp nhận kiến nghị; chị em Thanh Phúc, Thành Ngưng (đi bộ) gặp đối thủ phạm luật trắng trợn, chạy về đích thay vì đi bộ... Tất cả đều được điểm lại trên báo chí, các bản tin về Sea Games và khiến khán giả, người hâm mộ nước nhà không khỏi ức chế, bức xúc.
|
Thanh Phúc khóc tức tưởi vì gặp phải đối thủ nước chủ nhà chơi xấu trắng trợn. VĐV Myanmar chạy về đích thay vì đi bộ khiến Thanh Phúc bị mất oan HCV. |
Mỗi lần nghe tin các VĐV Việt Nam mất huy chương vì bị xử ép hoặc gặp đối thủ là VĐV chủ nhà có hành vi “chơi xấu”, phạm luật trắng trợn... dư luận, cộng đồng mạng Việt Nam lại xôn xao với nhiều ý kiến thể hiện sự bức xúc.
Độc giả Phạm Nghi Linh ở Nam Định bình luận: “Lợi thế chủ nhà và sử ép trắng trợn là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Ở kỳ Sea Games lần này, đoàn thể thao nước ta đã bị xử ép trắng trợn với những đầy đủ bằng chứng... nhưng phía trọng tài, nước chủ nhà vẫn không chấp nhận lắng nghe những kiến nghị của chúng ta. Không biết những người giành chiến thắng có thấy vẻ vang gì? Còn các VĐV Việt Nam, các anh, chị vẫn có thể ngẩng cao đầu, người hâm mộ nước nhà vẫn luôn coi các anh, chị là người chiến thắng”.
|
"Độc cô cầu bại" Nguyễn Duy Nhất thi đấu Muay, đánh cho đối thủ hoảng sợ, nhưng lại bị xử thua một cách kỳ lạ. |
Nickname Tuấn Khôi bày tỏ: “Bức xúc, ức thật đấy... nhưng biết làm gì được, biết đấu tranh như thế nào? Nhìn các VĐV khóc nức nở ngay trên sân đấu, đánh cho đối thủ hoảng sợ mà vẫn bị xử thua không rõ lý do như Nguyễn Duy Nhất ở môn muay... mà thương quá. Họ cũng bỏ mồ hôi, nước mắt, thi đấu bằng cả tâm huyết, cả trái tím ấy vậy mà lại bị cướp đi thành quả một cách vô lý. Sea Games nếu cứ diễn ra như thế này liệu có còn hấp dẫn, liệu có còn là đại hội thể thao lớn nhất khu vực?”.
Câu chuyện VĐV nước nhà bị xử ép, “cướp vàng” chưa lắng xuống, nghi án nữ cầu thủ bóng đá của Thái Lan chuyển giới, giành chiến thắng trước Việt Nam trong trận chung kết giành HCV lại khiến dư luận nóng lên một lần nữa.
Trong trận chung kết bóng đá nữ, có thể thấy các nữ cầu thủ Thái Lan không chỉ có thể hình nhỉnh hơn các cô gái Việt Nam, mà họ còn áp dụng lối chơi thô bạo, “chặt chém”, chơi xấu mà không hề bị xử phạt... Thất bại của tuyển Việt Nam không khiến người hâm mộ Việt Nam thất vọng, mà thay vào đó là cảm giác không phục, bức xúc trước sự thiếu công bằng trong thể thao nói chung và trong trận cầu chung kết này nói riêng.
|
Cư dân mạng đang lan truyền bức ảnh nghi án cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ Thái Lan chuyển giới. |
Hình ảnh nữ cầu thủ đội tuyển bóng đã nữ Thái Lan có điểm bất thường trên cơ thể hiện đang lan truyền chóng mặt trên mạng kèm theo những lời đồn thổi, nghi ngờ không ngớt. Nickname Heo Chocolate bình luận: “Nhìn các cô Thái Lan trông chẳng khác gì đàn ông. Thêm bức ảnh kỳ cục của một nữ cầu thủ bên họ nữa. Có lẽ những người trong cuộc nên tìm hiểu cặn kẽ hơn để biết được sự thật, giải tỏa bức xúc cho người hâm mộ Việt Nam phải chứng kiến sự bất công với các nữ cầu thủ nước nhà”.
Tâm An