Xin và cho chữ là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Nhưng mỗi người lại có địa vị xã hội khác nhau, cho nên, cha ông ta từ xưa đến nay đã có những quan niệm về xin, cho chữ mà không phải ai cũng biết.
Xin chữ thế nào?
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp cuối năm, giới thầy đồ lại tề tựu về những ngôi chùa trên địa bàn Hà Nội giao lưu văn hóa và trau dồi thêm kiến thức thánh hiền. Có thể coi những cuộc giao lưu đó là “đêm trước” của hội xuân hằng năm. Sau đó, các thầy đồ tỏa về Văn Miếu, các chùa và hội xuân trên cả nước để viết chữ tặng mọi người.
Trong những ngày hội xuân, có hàng ngàn người dân đủ mọi tầng lớp, địa vị, lứa tuổi đến gặp các thầy đồ để xin chữ ngày Tết. Lúc này, thầy đồ không chỉ bận rộn với việc tặng chữ mà còn phải giảng dạy văn hóa cho người đến xin chữ theo quy định và tinh thần của cha ông ta.
Thạc sĩ chuyên ngành Hán nôm Nguyễn Đức Bá tự hào: “Cái nôi của thư pháp là Trung Hoa. Ở đó, đạo Khổng không đề ra quy định nào đối với việc xin và tặng chữ. Nhưng ở Việt Nam thì có. Đây là điểm khác biệt lớn và đáng tự hào đối với văn hóa của người Việt. Theo đó, người đến xin chữ với đầy đủ mọi tầng lớp, địa vị trong xã hội cho nên cũng có những chữ phù hợp với mỗi người. Nếu xét ở mục đích xin chữ là cho mình, tặng người khác thì tùy từng đối tượng mà xin chữ thích hợp. Ngoài những chữ thư pháp chung họ đều muốn đạt được là phúc, lộc, khang, ninh, bình, an... thì các tầng lớp đối tượng đều xin chữ phù hợp với nguyện vọng cụ thể cho mình. Chẳng hạn như những người nông dân thì nên xin chữ cát tường, tài lộc. Quan chức thường xin chữ lộc, chữ tiến. Doanh nhân, thương gia thường xin chữ thuận, chữ lợi. Những người chuẩn bị bước vào kỳ thi thường xin chữ đăng khoa, đỗ đạt, thành công, chí. Con cháu muốn kính biếu ông bà bố mẹ đã cao niên thường xin chữ thọ khang”.
|
Thư pháp gia Xuân Như viết chữ trong một lễ hội thư pháp tại chùa Mễ Trì, Hà Nội. |
Theo thư pháp gia Vũ Thanh Tùng, tự Xuân Như thì Đạo Khổng ở đây là đạo học, mà ở ta xưa nay quen gọi là đạo Nho, Nho học. Vì Nho học gắn với việc học tập chữ nghĩa, trui rèn đạo đức tư tưởng Nho gia. Vậy nên những người theo Nho học thường rất trọng chữ nghĩa, người có học – có chữ. Không chỉ tầng lớp văn nhân sĩ đại phu theo đường khoa cử được xã hội trọng vọng mà đến cả những người dạy học khắp các vùng thành thị hay nông thôn đều được nhân dân tôn trọng và kính nể, coi như những người mẫu mực, cái gì họ nói, họ viết ra đều được đón nhận, trân trọng, nâng niu, nhất là chữ nghĩa.
Nhưng lịch sử đứt gãy, việc học Hán nôm đã chỉ còn là vàng son của một thời quá khứ. Nhưng rất may khi truyền thống hiếu học, trọng chữ đã ăn rất sâu vào tâm hồn người Việt hàng trăm năm ấy không hề bị mất đi mà vẫn âm thầm tồn tại như mạch máu trong cơ thể. Thế nên, mặc dù đạo Khổng không quy định cụ thể về việc xin – tặng chữ nhưng từ trong tiềm thức văn hóa của người Việt, với tinh thần tôn sư trọng đạo, truyền thống hiếu học coi trọng chữ nghĩa vốn có, việc xin chữ và cho chữ vẫn được ứng xử một cách nhiệt tình và rất có văn hóa.
Phải xin chữ của người đức cao vọng trọng
Có mặt cùng các thư pháp gia trong một buổi giao lưu gần đây tại chùa Mễ Trì, chúng tôi được chứng kiến công việc hằng ngày của những thầy đồ danh tiếng ở Hà Nội. Trong buổi giao lưu cuối năm, rất nhiều người đủ mọi lứa tuổi đến xin chữ. Tại một góc trang trọng giữa sân chùa, thư pháp gia Xuân Như bận rộn vì nhiều người vây quanh. Nhưng ông không vội viết cho xong mà trước khi viết một chữ, ông lại dành khoảng 2 phút để nói về ý nghĩa, tinh thần, cái hay đẹp của chữ đó. Nhiều bạn trẻ sau khi nghe những lời truyền dạy về chữ nghĩa và cầm bức thư pháp trong tay tỏ ra vui sướng. Có bạn trẻ cho rằng, truyền bá văn hóa đặt trong không khí vui vẻ như lễ hội làm cho việc tiếp thu kiến thức truyền thống rất dễ dàng chứ không gò ép như học trong trường công lập.
Theo thư pháp gia Xuân Như thì thầy đồ phải là người đức cao vọng trọng, có đủ tài năng và kiến thức chuyên môn mới có thể viết chữ cho người khác. Thầy đồ trong các lễ hội xuân ngoài việc viết chữ, cho chữ còn phải giải thích cho người ta hiểu ý nghĩa của từng chữ, của phong cách viết và cái tinh thần tốt đẹp ẩn sau chữ. Điều đó đã thành thông lệ hiển nhiên và hiện đang phát huy tác dụng trong việc biển dương các giá trị văn hóa tinh thần của người Việt.
“Xã hội bao gồm nhiều thành phần, giai tầng khác nhau. Dù thuộc thành phần nào của xã hội đi nữa thì khi đi xin chữ, ít nhiều người ta có thể hiểu được cái đạo lý coi trọng chữ nghĩa, hiếu học của cha ông và mong phát huy các giá trị đó. Việc họ đi xin chữ về cho mình cũng là một cách tìm đến ý nghĩa tốt đẹp”, thư pháp gia Xuân Như cho biết.
Ngoài việc tự làm tốt công việc và bổn phận xã hội của mình theo cách tốt nhất có thể và để tiến thân lương thiện thì khi tìm đến với chữ nghĩa, người ta cũng đều mong muốn những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với mình và gửi gắm những điều ấy vào những con chữ của thánh hiền mà họ đi xin về như một điều mong mỏi. Họ sẽ xin những chữ gì mà họ cho là cần phải có, những điều họ mong mỏi hoặc những thứ có ý nghĩa mà họ đang thiếu. Nhưng trên hết, đó đều là những điều tốt đẹp, mang giá trị nhân văn, nhân bản, không chỉ có giá trị đối với bản thân mà còn có ý nghĩa, ảnh hưởng tốt đến xã hội, từ chính ngay những việc làm, hành động của họ, đó là việc đi xin chữ.
“Hiện nay, giới trẻ đến với thư pháp cũng khá nhiều nhưng trong số đó không ít bạn trẻ có thái độ xin treo cho vui hay treo cho giống người khác. Điều này cũng không thể tránh khỏi bởi xã hội ngày một phát triển và giới trẻ du nhập văn hóa ngoại lai. Vì vậy, muốn giới trẻ hiểu hơn về văn hóa truyền thống qua việc xin chữ thư pháp thì người cho chữ phải tư vấn, định hướng chữ cho người muốn xin, qua đó gửi gắm cho họ những giá trị kèm theo trong lúc đưa từng nét bút viết chữ và kiến giải ý nghĩa của nội dung hàm chứa trong chữ mà mình viết tặng, gợi cho họ biết được chữ là giá trị truyền thống của cha ông ta để lại, là thông điệp gửi gắm để lại cho đời sau và nó dạy đạo lý làm người ý nghĩa nhân văn, sâu sắc”, ThS Nguyễn Đức Bá.
Phạm Dương